Cải thiện sinh kế dựa vào thích ứng hệ sinh thái
Dự án SIPA giúp nông hộ nhỏ, dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế thông qua mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình trồng cỏ thuộc dự án SIPA tài trợ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Thái Thơm.
Nhằm nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp hiệu quả thuộc dự án SIPA Hà Tĩnh, trong các ngày từ 18 đến 23/11, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật tại xã Vượng Lộc, Thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc) và xã Sơn Tiến, xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn).
Hội thảo đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều nông hộ trong địa bàn. Họ cùng tới để học hỏi về các mô hình canh tác nông lâm kết hợp và sinh thái bền vững, bao gồm: Phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp; nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn, rừng; trồng cỏ chăn nuôi chịu hạn và chất lượng; sản xuất hành tăm luân canh cây họ đậu, gắn với kế hoạch mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP); nuôi tôm càng xanh luân canh các nước ngọt, kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ...
Tại hội thảo, anh Nguyễn Duy Toán, một trong các hộ dân triển khai mô hình cho biết, gia đình anh được hỗ trợ từ dự án 10 thùng ong giống, cây dứa giống, cây lạc dại và phân bón chăm sóc cây ăn quả. Ngoài ra, anh còn nhận được sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
Nhờ đó, đã giúp anh thành thạo trong việc nuôi ong, trồng các loại cây dứa, lạc dại để chống xói mòn cho đất, hiểu biết thêm về các biện phát bảo vệ hệ sinh thái vườn rừng. Anh cho biết nhờ hỗ trợ từ dự án, thu nhập của anh năm nay đã tăng thêm so với năm 2020 khoảng 80 triệu đồng nhờ việc nuôi ong và trồng cây ăn quả trên vườn đồi.
Tương tự, anh Nguyễn Thái Sơn, hộ dân khác tham gia mô hình của dự án cho biết khi tham gia dự án, các hộ dân tham gia mô hình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các bà con khác trong xã. Họ cũng sẵn sàng chia sẻ giống dứa, lạc dại cho nhau khi các cây này nảy chồi. Bên cạnh việc cùng giúp nhau tăng thêm diện tích cây trồng, bà con tham gia cũng có ý thức để trồng các loại cây này trên vùng đồi núi, chống xói mòn đất, đồng thời tăng thu nhập.
Với nguồn tài trợ từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và sự hỗ trợ triển khai từ Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm quốc tế (ICRAF), dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris – SIPA Hà Tĩnh đã được triển khai tại tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án nhằm giúp các nông hộ nhỏ dễ bị tổn thương có thể cải thiện sinh kế thông qua việc tham gia xây dựng các mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (EbA/CSA).
Từ khi triển khai tại Hà Tĩnh vào tháng 10/2020, các mô hình thuộc dự án SIPA Hà Tĩnh đã cho thấy những tín hiệu ban đầu đáng mừng.
Có thể bạn quan tâm
Trong nỗ lực giảm thiểu hóa chất độc hại trong nông nghiệp, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha tạo ra loại thuốc trừ sâu sinh học được đánh giá là trên cả tuyệt vời
Giống sắn STB1 năng suất đạt 35,8 tấn/ha, cao hơn 7,4 tấn so với giống đối chứng KM94, lợi nhuận đạt 29,37 triệu đồng, cao hơn giống đối chứng 11,5 triệu đồng
Thiết bị do nhóm nghiên cứu Trường ĐH Trà Vinh chế tạo xác định dừa sáp hay dừa thường với xác suất 95%, xác định tỷ lệ sáp đặc, lỏng với xác suất 80%.