Tiết giảm chi phí nhờ trồng mía lưu gốc
Năm 2012, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, Hậu Giang đã triển khai xây dựng dự án “Tu bổ nâng cấp đê bao vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp” bảo vệ hơn 6.000ha mía nằm ở các vùng mía nguyên liệu của huyện.
Hiện nay, khi đê bao vùng mía nguyên liệu được hoàn chỉnh, ngoài việc giúp người dân chủ động bơm thoát nước khi có lũ, dự án còn giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất mía.
Gắn bó với cây mía gần nửa đời người, nhưng mãi đến vụ mía năm 2015 thấy đê bao kiên cố, không làm ngập diện tích mía, ông Phạm Hoàng Thiết, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, đã mạnh dạn áp dụng hình thức lưu gốc giống mía K 88-95 trên diện tích 2,5ha của gia đình.
Đến nay, mía được 6 tháng tuổi, phát triển tốt.
Theo dự đoán của ông Thiết, ruộng mía lưu gốc năm nay sẽ cho năng suất cao hơn so với hình thức trồng mới, do mía lưu gốc thường mọc thành bụi, số cây trong hàng nhiều hơn mía trồng mới.
Ông Thiết cho hay: “Mấy năm trước khi chưa có đê bao thì đến mùa lũ thường gây ngập trên diện rộng.
Nhưng từ khi có đê bao mía không bị ngập nên gia đình mới áp dụng trồng mía lưu gốc.
Năm đầu tiên trồng mía theo hình thức này, tuy chưa thu hoạch, nhưng nhìn quá trình phát triển của cây mía cũng thấy phấn khởi.
Bởi mỗi bụi mía có từ 2-3 cây, trong khi mía trồng mới thì mỗi bụi chỉ có 1 cây”.
Dù chỉ là năm đầu tiên áp dụng kỹ thuật trồng mía lưu gốc, nhưng nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp đã lưu gốc được 574ha.
Trong đó, thị trấn Búng Tàu chiếm hơn 38% diện tích mía lưu gốc của toàn huyện.
Ông Tô Văn Công, ở thị trấn Búng Tàu, cho biết: “Trồng mía lưu gốc sẽ giảm được khoảng 40% chi phí đầu tư (tương đương khoảng 3 triệu đồng/công mía), bởi trồng mía lưu gốc sẽ hạn chế được tiền mua mía giống, tiền đào hộc, nhân công trồng mía...
Đến từng thời điểm chỉ cần vô chân, bơm sình và rải ít phân là cho thu hoạch.
Do đây là cách dễ làm nên năm sau khu vực này chắc sẽ có nhiều người thực hiện”.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Một số diện tích mía nằm trong đê bao, chủ động được nước thì người dân trồng mía hiện nay áp dụng kỹ thuật để gốc.
Cách làm này có nhiều cái lợi vì đối với người nông dân việc trồng mía theo hình thức này sẽ tiết giảm được chi phí đầu tư.
Còn các nhà máy đường thì hình thức này cũng góp phần cho công tác rải vụ, không bị động trong khâu thu hoạch mía.
Cũng theo ông Tuấn, phần lớn diện tích mía lưu gốc ở Phụng Hiệp năm nay sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 10.
Tuy nhiên, cùng với việc giảm được chi phí đầu tư, trồng mía lưu gốc đã phần nào cho thấy đây thật sự là cách làm hiệu quả giúp nông dân trồng mía cải thiện thu nhập.
Chính vì thế, vụ mía năm sau ở những khu vực có thể áp dụng, ngành nông nghiệp huyện sẽ khuyến cáo người dân trồng mía theo hình thức này, để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhưng chôm chôm tróc Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do diện tích trồng giống này đang ngày càng bị thu hẹp.
Quá nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua hồ tiêu, gây ra nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều lô hồ tiêu xuất khẩu bị trả về.
Không cần phải đến các chợ, siêu thị, trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội như Phạm Ngọc Thạch, Trần Thái Tông, Đỗ Đức Dục… người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp nhiều người dùng xe thồ chở đủ các loại hoa quả như đào, mận, nho… rao là hàng Việt Nam bán với giá rẻ.