Chôm chôm tróc Đồng Nai trước nguy cơ bị xóa sổ
Dân bỏ chôm chôm tróc
Trước đây, đa phần dân Đồng Nai trồng chôm chôm tróc.
Sau đó, nhiều người chuyển sang trồng chôm chôm nhãn vì thấy lợi nhuận cao.
Hiện nay nông dân lại chạy đua phát triển chôm chôm Thái.
Thị xã Long Khánh - vùng trồng chôm chôm lớn nhất ở Đồng Nai - có gần 2.600ha trồng loại cây này, trong đó riêng xã Bình Lộc có hơn 1.000ha.
Năm 2013, toàn xã Bình Lộc có gần 100ha chôm chôm Thái, nhưng đến nay đã tăng lên 500ha.
Huyện Xuân Lộc - nơi có trên 2.000ha chôm chôm, chôm chôm Thái chiếm tới 40% diện tích.
Ông Đinh Văn Phan - xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh, người đã tham gia trồng chôm chôm hơn 20 năm nay - cho biết, mặc dù chôm chôm tróc của Đồng Nai đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, mở ra nhiều cơ hội cho bà con nông dân nhưng tình trạng người dân chặt bỏ chôm chôm tróc đang xảy ra.
Bà con thường trồng chôm chôm Thái thay thế mặc dù lựa chọn này cũng khá rủi ro bởi chôm chôm Thái do là loại cây cần nhiều nước tưới, khó chăm sóc, giá không ổn định như chôm chôm tróc.
Lý giải tình trạng này ông Đinh Văn Phan cho biết, chôm chôm tróc được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi nó ít ngọt.
Tuy nhiên, hiện nay loại chôm chôm này không xuất khẩu được nhiều do yêu cầu phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong khi đó, người dân lại chưa có điều kiện để trồng theo tiêu chuẩn này nên nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn chôm chôm tróc sẽ bị xóa sổ.
Cũng như nhiều bà con trồng chôm chôm khác, ông Lâm Quốc Huy - xã Xuân Bảo, Cẩm Mỹ, cũng đã có 20 năm trồng chôm chôm nhưng chủ yếu làm theo kinh nghiệm - bày tỏ mong được hỗ trợ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để giữ được diện tích chôm chôm tróc và có thể xuất khẩu.
Thiếu chuyên canh đại trà
Ông Phùng Thanh Tâm - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc - trăn trở, chôm chôm tróc tuy đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn chưa có vùng chuyên canh, trồng đại trà theo mô hình “cánh đồng lớn”.
Thời gian qua, mặc dù UBND thị xã Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc, nhưng mô hình này vẫn chưa phát triển nhiều.
Vì vậy theo ông, Nhà nước cần đẩy mạnh việc kết nối, thu hút doanh nghiệp liên kết với nông dân để có đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Đồng thời cần tăng cường quảng bá, nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của trái chôm chôm thì người nông dân mới yên tâm trồng.
Ông Tâm cũng cho rằng Nhà nước cần có chính sách bảo hộ kịp thời.
Nếu không, nông dân sẽ chặt bỏ chôm chôm tróc vì không cho hiệu quả kinh tế cao bằng chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái.
“Nếu Nhà nước quan tâm kêu gọi đầu tư công nghệ để bảo quản sản phẩm tươi lâu, đẹp, đáp ứng được thị trường thì có thể duy trì được giống chôm chôm tróc ở Đồng Nai” - ông Phùng Thanh Tâm kiến nghị.
Ông Trần Mộng Thành - Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh - cho biết, những năm gần đây xác định chôm chôm là cây chủ lực, các ngành chức năng của Long Khánh đã chú trọng hỗ trợ kỹ thuật cho bà con áp dụng những kỹ thuật canh tác mới như hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Thị xã cũng hướng dẫn quy trình sản xuất, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bà con lấy mô hình mẫu thực hiện và nhân rộng.
“Để bảo vệ và giữ vững thương hiệu, thời gian tới thị xã Long Khánh sẽ kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thực hiện quy chế và sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Để chôm chôm tróc không bị mai một, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền cho người dân những lợi ích của giống chôm chôm này; đồng thời có một số chính sách hỗ trợ để họ phát triển chôm chôm tróc có hiệu quả” - ông Trần Mộng Thành chia sẻ.
Trước tình trạng chôm chôm tróc đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ, ông Nguyễn Văn Sáng - Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai - cho biết, trong thời gian tới sở sẽ xây dựng một chương trình KH&CN để bảo hộ, phát triển sản phẩm chôm chôm tróc nhằm tăng cao giá trị cho sản phẩm này.
Trước mắt, sở sẽ xúc tiến việc thành lập Hội Chôm chôm Long Khánh và vận động bà con nông dân vào hội, cùng nhau thực hiện quy chế chỉ dẫn và sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Có thể bạn quan tâm
Giá xuất khẩu gạo trên thị trường châu Á tuần này giảm mặc dù Philippines công bố kế hoạch mua gạo trong quý 3, do nhu cầu từ khách hàng châu Phi yếu đi trong khi nguồn cung tăng lên.
Chiều 13.8 Sở TTTT Cà Mau chính thức báo cáo xác minh thông tin “85% mật ong Cà Mau bị pha chế”. Theo Sở TTTT, thông tin này hoàn toàn sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu mật ong U Minh Hạ đồng thời kiến nghị UBND đề nghị Thanh tra Bộ TTTT xử lý theo thẩm quyền.
Cần bao nhiêu cũng có, giá chỉ xấp xỉ 500.000 đồng/lít, chính người nuôi ong cũng bị lừa khi mua trúng mật ong rừng giả.