Tiền Giang Phát Triển Mạnh Nghề Sản Xuất Cá Rô Phi Giống
Hiện nay, nghề sản xuất, ương nuôi cá rô phi giống trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Trước xu thế đẩy mạnh nghề nuôi cá rô phi thương phẩm theo hướng không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng nội địa, mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu, chắc chắn nghề sản xuất cá rô phi giống sẽ tiếp tục được mở rộng.
Tuy nhiên, đàn cá bố mẹ có chất lượng chưa đảm bảo và có dấu hiệu thoái hóa là khó khăn làm cho nghề sản xuất giống, ương nuôi cá rô phi trên địa bàn tỉnh phát triển thiếu bền vững.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 335 hộ cho sinh sản cá bột cá rô phi dòng GIFT (cá rô phi đen) và cá điêu hồng (cá rô phi đỏ) trên diện tích 107,58 ha, với tổng số lượng đàn cá bố mẹ là 440.000 con, trong đó sinh sản cá điêu hồng giống có 280 hộ trên diện tích sản xuất là 87,51 ha, với 366.000 con bố mẹ và sinh sản cá rô phi dòng GIFT có 55 hộ sản xuất trên diện tích 18,3 ha, với 74.000 con bố mẹ. Hàng năm, các cơ sở sản xuất giống này cung cấp cho thị trường trên 1.415 triệu con cá bột, trong đó lượng bột cá điêu hồng là hơn 894 triệu con và trên 506 triệu bột cá rô phi dòng GIFT.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 265 hộ ương cá rô phi giống trên diện tích khoảng 100 ha (13,5 ha ương cá rô phi dòng GIFT, 86,7 ha ương cá điêu hồng), chủ yếu tập trung ở huyện Cai Lậy và Cái Bè. Hàng năm, các cơ sở này cung cấp cho thị trường khoảng 140 triệu con giống, trong đó có 27,5 triệu cá rô phi dòng GIFT giống và 112,5 triệu cá điêu hồng giống. Đặc biệt, tỉnh có 1 cơ sở thu mua cá bột rô phi xử lý toàn đực trên diện tích 1 hecta, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 100 triệu cá rô phi giống mỗi năm.
Đối với hoạt động nuôi cá rô phi thương phẩm, toàn tỉnh có 257 hộ nuôi cá rô phi trên 1.327 bè ven sông Tiền, trong đó nuôi cá điêu hồng là chủ yếu với 1.194 bè. Gần đây hoạt động nuôi cá rô phi dòng GIFT để phục vụ chế biến xuất khẩu đã dần phát triển, song đến nay toàn tỉnh chỉ mới có 133 bè nuôi cá rô phi dòng GIFT, trong đó Công ty Thiên Hà có 65 bè nuôi với năng suất trung bình 5-6 tấn mỗi vụ nuôi kéo dài 7-8 tháng. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian tới hoạt động nuôi cá rô phi dòng GIFT để phục vụ chế biến xuất khẩu sẽ còn phát triển mạnh.
Để đáp ứng nhu cầu nuôi cá rô phi thương phẩm, toàn tỉnh cần khoảng 70 triệu con giống (cỡ giống 100-150 con/kg), trong đó cần 60 triệu cá điêu hồng giống và 10 triệu cá rô phi dòng GIFT giống.
Theo đánh giá của Hội Nghề cá tỉnh, tỉnh có nguồn cá rô phi giống dồi dào, có vùng sản xuất giống tập trung với sản lượng cá giống không chỉ đáp ứng cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong tỉnh mà còn xuất bán cho các hộ ương giống, nuôi cá thương phẩm cho các tỉnh lân cận và các tỉnh tận miền Trung, Bắc.
Nghề nuôi cá rô phi lồng bè dọc sông Tiền có điều kiện thuận lợi để phát triển, hàng năm cung cấp cho thị trường tới 12.000 tấn cá mỗi năm. Ngoài ra, hoạt động nuôi cá rô phi có thể phát triển ở các ao nuôi tôm nước lợ, cá tra bị dịch bệnh hay sản xuất không có hiệu quả.
Tuy nhiên, đàn cá bố mẹ rô phi dòng GIFT và cá điêu hồng của hộ dân phục sản xuất giống có dấu hiệu bị thoái hóa, dẫn đến tỉ lệ sống trong quá trình ương nuôi thấp, chậm lớn, sức đề kháng kém, dễ bị dịch bệnh và thời gian nuôi kéo dài hơn. Do nguồn cá bột được thu mua từ nhiều hộ nhỏ lẻ khác nhau, nên khi xử lý để tạo cá rô phi toàn đực không đạt hiệu quả cao.
Do đó, đề nghề ương nuôi cá rô phi phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, ông Phan Hữu Hội, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh đề nghị: Các viện, trường chuyên ngành nghiên cứu thủy sản cần nghiên cứu, tuyển chọn gia hóa đàn cá rô phi bố mẹ và chuyển giao cho các tỉnh để có đàn cá chất lượng tốt sản xuất ra cá bột, cá giống phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính cho các tỉnh, nhằm tạo ra con giống nuôi đạt hiệu quả kinh tế hơn...
Nguồn bài viết: http://www.tiengiang.gov.vn/vPortal/4/625/1199/69354/Kinh-te/Tien-Giang--Phat-trien-manh-nghe-san-xuat-ca-ro-phi-giong.aspx
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng đột biến vào tháng 2, xuất khẩu (XK) chả cá và surimi (thịt cá đã được tách xương, xay nhuyễn, phối trộn với các chất chống biến tính do đông lạnh, và có thể bảo quản được lâu ở nhiệt độ đông lạnh) của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Hiện tổng đàn heo được người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thả nuôi là 122.837 con, tăng 3.680 con so cùng kỳ. Đàn heo tăng là do giá heo hơi tăng cao trong thời gian qua và hiện ở mức 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Ngày mới xuất hiện, cây dó bầu được xem như là cơ hội làm giàu cho bao nông dân nghèo ở huyện Tân Phú (Đồng Nai), đặc biệt là ở vùng điều kiện đất đai cằn cỗi, đồi dốc khó trồng các loại cây công nghiệp khác.
Giá trị loại cây này cao gấp 2,6 lần cà phê, 6 lần cây chè, 3,8 lần cây điều, gấp 4 lần cây cao su. Thị phần nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu hiện chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20%, châu Phi 10%. Đó là thông tin tại hội nghị thường niên Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế IPC, tổ chức tại TP HCM từ ngày 27 đến 30-10.
So với cùng kỳ năm 2013, số hộ sản xuất nấm rơm, nấm sò trên địa bàn huyện giảm nhiều. Đến nay, toàn huyện mới có hơn 30 hộ đưa nguyên liệu vào sản xuất nấm, trong đó 20 hộ sản xuất nấm sò, 12 hộ sản xuất nấm rơm. Các xã có số hộ sản xuất nấm nhiều gồm: Đoàn Lập, Quang Phục, Bạch Đằng, Kiến Thiết.