Tiền Giang Hoạt Động Khuyến Nông Trong Thủy Sản Đạt Hiệu Quả Cao
Năm 2014, với nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ, hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả khả quan. Trong năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề ra nhiều giải pháp, để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trong lĩnh vực thủy sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra bệnh cho cá ở xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè (Tiền Giang).
* Các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm 2014, tỉnh tổ chức 190 cuộc tập huấn, hội thảo kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản, với 5.700 lượt nông dân tham dự. Đồng thời, xây dựng 11 mô hình trình diễn nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học (nuôi lươn, cá thát lát còm, tai tượng, cá lóc, ếch, tôm sú, tôm thẻ, cá chép nhật...), với 17 hộ tham gia; 2 dự án nuôi trồng, khai thác thủy sản, với 12 hộ tham gia.
Đến nay, các mô hình này đã thu hoạch và được đánh giá đạt mục tiêu đặt ra. Nội dung các mô hình phù hợp với nhu cầu sản xuất của nông dân và thị trường, có hiệu quả cao và mang tính bền vững, do tập trung nuôi theo hướng an toàn sinh học, tăng cường ứng dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh vào quy trình nuôi, chọn lọc giống tốt, qua kiểm dịch. Việc thực hiện các mô hình đã giúp nông dân bước đầu biết ghi chép nhật ký nuôi, thả giống theo lịch thời vụ, quản lý môi trường nuôi theo cộng đồng, nhằm hạn chế và tránh lây lan dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả theo hướng bền vững. Những mô hình trình diễn đạt hiệu quả cao (nuôi ghép, an toàn sinh học), là cơ hội giúp cho nông dân tham quan, học tập để nhân rộng mô hình.
Điển hình như mô hình nuôi tôm sú - tôm thẻ chân trắng kết hợp, với năng suất 5 tấn/ha, sau thời gian 4, 5 tháng nuôi; lợi nhuận bình quân 400 triệu đồng/ha. Trong mô hình này, tôm được thả nuôi với mật độ 30 con/m2 (tỷ lệ ghép 80% tôm sú và 20% tôm thẻ chân trắng), lượng thức ăn cho tôm được tính dựa theo ước lượng tỷ lệ sống của tôm sú, còn tôm thẻ chân trắng chỉ ăn thức ăn dư. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, màu nước luôn ổn định, tôm ít bị bệnh và tôm thu hoạch có kích cỡ đồng đều ở cả hai loại tôm, đây là mô hình có khả năng phát triển bền vững trong tương lai.
Dự án nhân rộng mô hình kết hợp nuôi cá - lúa quy mô 02 ha, của 10 hộ dân tại xã Phú Cường, huyện Cai Lậy và xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho hiệu quả cao. Trong mô hình này, nông dân thả nuôi 100 ngàn con cá giống, trong đó, cá rô đồng là chính với mật độ 5 con/m2. Qua 7 tháng nuôi, cá phát triển tốt, đạt yêu cầu, cỡ cá trung bình đối với cá rô đồng, cá chép và cá mè vinh là 8 con/kg, cỡ trung bình cá sặc rằn là 13 con/kg; ước năng suất cá sau 9 tháng nuôi 3,9 tấn/ha, lợi nhuận 40 triệu đồng/ha. Về lúa, năng suất bình quân vụ 3 là 6,2 tấn/ha, cao hơn năng suất lúa các hộ ngoài mô hình 0,4 tấn/ha.
Ngoài ra, mỗi hecta trong một vụ sản xuất còn giảm được 30 - 40 kg ure và 2 lần phun thuốc trừ sâu, nên lợi nhuận tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/ha. Mô hình còn tạo ra sản phẩm cá - lúa an toàn, sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Về khai thác thủy sản, mô hình ứng dụng máy dò ngang Furuno CH-250 và máy thông tin liên lạc trên tàu khai thác hải sản xa bờ, cho kết quả cao. Trong mô hình này, 01 tàu cá được lắp đặt máy dò ngang Furuno CH-250 và 01 tàu cá của ngư dân khác được lắp đặt máy thông tin liên lạc. Hai tàu này đã khai thác chuyến biển đầu tiên và thuyền trưởng sử dụng máy theo đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ hướng dẫn. Kết quả, sản lượng đánh bắt cao hơn so với tàu chưa được lắp máy dò ngang từ 150 - 160%.
Cụ thể, tàu TG-90299-TS lắp máy dò ngang Furuno CH-250, sản lượng đạt 3.200kg/mẻ (cao hơn so với tàu chưa lắp máy 160%), tiết kiệm được chi phí chạy tàu đi dò tìm đàn cá và chi phí nhiên liệu thắp sáng dẫn dụ cá. Tàu TG-92582-TS, lắp máy thông tin liên lạc tầm xa, có chức năng kết hợp định vị vệ tinh, đạt sản lượng 2.700 kg/mẻ (cao hơn so với tàu chưa lắp máy 150%), tiết kiệm được chi phí nhiên liệu do chủ động được liên lạc giữa các tàu với nhau, nắm bắt được ngư trường khai thác.
* Nhiều thuận lợi đan xen với khó khăn
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong năm qua, Trung tâm đã hướng dẫn nông dân sản xuất gắn với thị trường, xây dựng các mô hình sản xuất được chứng nhận VietGAP, tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, được nông dân tiếp nhận và thực hiện hiệu quả. Nội dung các mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất của nông dân và đạt yêu cầu đặt ra, nông dân tham gia mô hình thu lợi nhuận cao hơn nông dân ngoài mô hình.
Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng về chất lượng và thời lượng phát thanh, phát hình. Nội dung tuyên truyền phù hợp với thực tế, được nông dân áp dụng vào sản xuất, đạt hiệu quả. Để góp phần xây dựng nông thôn mới, Trung tâm thực hiện công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật tại các xã nông thôn mới. Những mô hình thực hiện đều phù hợp với thực tế tại địa phương. Các tiến bộ kỹ thuật nuôi thủy sản an toàn sinh học được nông dân đồng thuận và áp dụng vào sản xuất, đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, diễn biến thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất. Giá vật tư nông nghiệp còn ở mức cao, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thủy sản. Tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, giá không ổn định, khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, lợi nhuận thu được từ sản xuất thủy sản không cao, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập và tâm lý của người sản xuất.
Công tác tổ chức tập huấn, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông ở một vài địa phương chưa thu hút được nông dân tham gia, do không được trang bị đầy đủ trợ huấn cụ như hình ảnh, máy trình chiếu phục vụ cho buổi thuyết trình đạt kết quả. Trình độ năng lực về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng khuyến nông của một số cán bộ khuyến nông mới chưa đáp ứng nhu cầu và tình hình phát triển sản xuất. Ngày càng có nhiều tiến bộ kỹ thuật cần được nghiên cứu áp dụng, sản xuất phát triển theo quy mô lớn mà kinh phí hỗ trợ còn thấp.
* Đẩy mạnh sản xuất thủy sản hiệu quả
Để công tác khuyến nông trong thủy sản đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, năm 2015, Trung tâm đặt mục tiêu tập trung sản xuất thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các đối tượng chủ lực (tôm, nghêu, cá tra); tiếp tục đa dạng hóa các đối tượng nuôi, chú ý phát triển nuôi theo hướng luân canh, xen canh thủy sản - lúa, phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng, chống dịch bệnh, mở rộng diện tích nuôi thủy sản an toàn sinh học. Khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt. Ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác; thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Cùng với đó, Trung tâm tăng cường tham gia, thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ để tìm và nắm bắt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới. Khi thực hiện mô hình phải tổ chức tập huấn, tham quan, để chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân ứng dụng vào sản xuất, tổ chức hội thảo tổng kết để đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của kỹ thuật và nhân rộng. Tăng cường phối hợp với các viện, trường, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, đoàn thể và chính quyền các cấp, để kịp thời tiếp nhận các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào sản xuất và cùng tham gia thực hiện công tác khuyến nông.
Cập nhật thông tin, kiến thức khoa học - kỹ thuật mới, để đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng khuyến nông cho cán bộ khuyến nông và khuyến ngư viên. Đẩy mạnh công tác khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới, những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, các mô hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân hiểu và áp dụng hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày giữa tháng Ba này, người trồng dưa hấu ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) rất phấn khởi vì dưa hấu vụ Đông Xuân năm nay vừa trúng mùa, vừa được giá. Theo những người trồng dưa, năng suất dưa vụ này đạt bình quân từ 40 - 42 tấn/ha, giá dưa được thương lái thu mua ở mức ổn định 5.500 - 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí người trồng dưa lãi 80 - 90 triệu đồng/ha.
Đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh nên cho thu nhập rất cao, ít phải sử dụng phân thuốc.
Khoảng 2 tuần nay, chanh tăng giá do nghịch mùa và nhu cầu tiêu thụ mạnh. Tại Mang Thít (Vĩnh Long), chanh mua tại vườn có giá 10.000 - 12.000 đ/kg.
Nhiều hộ dân ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, chuyển sang trồng các loại dưa đặc sản như Hoàng Kim, Kim Cô Nương… Trong đó, dưa Kim Cô Nương đem lại nguồn thu nhập cao nhất cho các hộ dân nơi đây.
Năm nay, thời tiết thất thường nên nhiều khu vực trồng xoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị giảm sản lượng. Tuy nhiên, xoài vẫn “rớt” giá mạnh khi vào vụ thu hoạch. Trong đó, xoài Đài Loan chỉ còn từ 10-12 ngàn đồng/kg, so với trước tết bán được hơn 50 ngàn đồng/kg.