Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tiềm năng cây vú sữa hoàng kim

Tiềm năng cây vú sữa hoàng kim
Tác giả: Trung Nhân
Ngày đăng: 26/02/2022

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng không hiệu quả, ông Huỳnh Văn Biên - tên thường gọi là Năm Biên, ở khu vực Thới Thạnh, phường Long Hưng, quận Ô Môn đã gặt hái được “quả ngọt” từ mô hình trồng vú sữa hoàng kim... Với đặc tính dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao, vú sữa hoàng kim đang trở thành cây trồng tiềm năng, mở ra triển vọng tăng thu nhập cho người dân địa phương...

Ông Năm Biên bên vườn vú sữa hoàng kim.

Vào thời điểm này, gần 50 cây vú sữa hoàng kim của ông Năm Biên đang mang trái trĩu cành, từng trái được bao bằng túi xốp nylon. Do sợ cây mất sức nên ông đã bỏ bớt trái non nhưng nhiều cây vẫn đang mang hoa chi chít trên cành. Dịch bệnh COVID-19 được khống chế, các địa phương nới lỏng giãn cách, chủ vườn cho hay, chỉ chừng một tuần nữa là trái bắt đầu chín vàng đều và có thể thu hoạch. Hiện tại, một số thương lái đã liên hệ “bỏ cọc” với giá 80.000 đồng/kg tại vườn, nhưng ông chưa đồng ý.

Ông Năm Biên kể: Mình từng chịu cảnh hẩm hiu “được mùa mất giá” với nhiều loại cây ăn trái như sa pô, nhãn, mận, bưởi da xanh... Năm 2018, tìm hiểu trên mạng và qua các thông tin thực tế thấy trái vú sữa hoàng kim mới lạ ít có người trồng, chắc chắn là giống cây tiềm năng. Nghĩ là làm, ông lặn lội đến tận Bình Dương rồi Bến Tre để tìm mua cho bằng được 50 cây giống về trồng, với giá 200.000 đồng một cây. Nhờ được chăm sóc tốt lại hợp với thổ nhưỡng, một năm sau vú sữa hoàng kim bắt đầu cho trái. “Giống cây này dễ chăm sóc, khi trồng phải đắp mô cao. Do ít sâu bệnh nên cũng không cần thiết sử dụng phân bón hóa học nhiều, nếu muốn rộ trái thì xịt thêm chút thuốc kích thích ra hoa. Ðể cây phát triển tốt chủ yếu bón thêm phân bò, phân hữu cơ. Từ khi có bông đến rụng nhụy là một tháng, khi trái to bằng ngón tay cái thì bao trái đến khoảng một tháng là có ăn” - ông Năm Biên cho biết thêm.

Vú sữa hoàng kim có xuất xứ từ Ðài Loan - Trung Quốc. Trái non có màu xanh, nhưng khi chín ngả màu vàng tươi, càng chín, trái càng lên màu rất đẹp. Vị của trái giống vú sữa Việt Nam nhưng có vị ngọt thanh, thịt dày, chỉ có một hạt nhỏ bằng đầu ngón tay, đặc biệt là không có mủ. Trọng lượng trung bình 3-4 trái được một ký, cũng có trái nặng hơn nửa ký. Hiện nay hầu hết vú sữa hoàng kim cung cấp trên thị trường chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, lượng trái trồng nội địa còn rất ít, chưa đủ cung ứng nên giá bán khá cao. Mỗi vụ ông Năm Biên thu hoạch được vài trăm ký, giá bán tại vườn từ 80.000 đồng/kg, có thời điểm trên 120.000 đồng/kg. Trong thời gian dịch COVID-19, giá bán vú sữa hoàng kim vẫn giữ ở mức ổn định.

Ông Huỳnh Văn Biên nói: “Cây vú sữa hoàng kim thích hợp với điều kiện đất đai ở đây. Tôi thấy cây này cho hiệu quả kinh tế cao do giá cao hơn sầu riêng và cho trái 8 tháng liên tục. Vườn vú sữa của tôi hầu như có trái quanh năm. Cứ mỗi một đợt bán được mười mấy triệu đồng, tính ra mỗi năm tôi bán trái hơn 100 triệu đồng, chưa kể tiền bán cây giống”.

Từ 50 cây vú sữa hoàng kim ban đầu, hiện nay khu vườn đã được ông Năm Biên cải tạo, trồng thêm hơn 70 cây đang giai đoạn phát triển tốt, chừng vài tháng nữa có thể cho trái. Ngoài bán trái, ông còn cung cấp giống vú sữa hoàng kim được ươm từ hạt với giá từ 80.000-100.000 đồng một cây. Thấy mô hình hiệu quả, nhiều bà con nhà vườn ở địa phương rất quan tâm và bắt đầu thử nghiệm trồng cây vú sữa hoàng kim.

Chị Lê Thị Mỹ Linh, ở khu vực Thới Thạnh, phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: Thấy mô hình của chú Năm Biên cũng hiệu quả cho nên tôi và nhiều bà con nông dân cũng mua giống về trồng. Mẫu mã trái vú sữa hoàng kim có màu vàng rất đẹp, mùi vị ngon, cây lại dễ chăm sóc, lợi nhuận thu về cũng cao, giúp bà con mình cải thiện kinh tế so với những cây trồng khác...

Vú sữa hoàng kim không phải là giống cây mới ở miền Tây nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, nhưng số người trồng còn rất ít. Với hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng vú sữa hoàng kim của ông Huỳnh Văn Biên sẽ tạo tiền đề để địa phương từng bước nhân rộng loại cây trồng đầy triển vọng này. Qua đó, dần thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả, góp phần giúp bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững...


Có thể bạn quan tâm

Phòng chống rét hiệu quả cho gia súc, gia cầm Phòng chống rét hiệu quả cho gia súc, gia cầm

Thời gian qua, mưa phùn, rét đậm đã ảnh hưởng rất lớn tới đàn gia súc, gia cầm. Nghệ An đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống rét.

25/02/2022
Dân miền núi xứ Thanh làm đủ cách chống rét cho gia súc Dân miền núi xứ Thanh làm đủ cách chống rét cho gia súc

Che chắn, đốt lửa, chuẩn bị thức ăn giàu dinh dưỡng…, người dân các huyện miền núi Thanh Hóa đang làm tất cả những gì có thể để chống rét cho đàn vật nuôi.

25/02/2022
Bí quyết chăm cải kale dino trồng một lần ăn cả năm của mẹ đảm Đắk Lắk Bí quyết chăm cải kale dino trồng một lần ăn cả năm của mẹ đảm Đắk Lắk

Cải kale dino nổi tiếng là thức rau bổ dưỡng cho sức khỏe, chỉ cần chăm sóc đúng cách sẽ cho thu hoạch cả năm.

26/02/2022