Tiềm Năng Cây Đậu Nành Ở Đá Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Công ty Bunge (Hoa Kỳ) thí điểm trồng cây đậu nành thay thế cây bắp tại xã Đá Bạc (H.Châu Đức). Đến thời điểm này, mô hình này đã mang lại hiệu quả bước đầu cho bà con nông dân trong xã.
Theo mô hình này, Công ty Bunge hỗ trợ 50% về giống, ứng trước tiền phân bón và thu mua toàn bộ sản phẩm đậu nành của nông dân. Công ty Bunge sử dụng loại giống đậu nành DT2008 do Viện di truyền học của Bộ NN-PTNT cung cấp và sử dụng thêm loại giống đậu nành của địa phương để làm đối chứng.
Gia đình ông Nguyễn Chí Tín (xã Đá Bạc) bước vào thu hoạch vụ đậu nành đầu tiên. Ông Tín cho biết, với 1,5 ha đất vào những năm trước đây gia đình ông đều sử dụng để trồng bắp. Thế nhưng, thời tiết thay đổi liên tục, 2 năm trở lại đây vụ nào cũng bị nắng nóng, khô hạn làm cho bắp chết sạch khiến thất thu cho gia đình. Năm nay, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Đá Bạc và Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho đầu tư thí điểm mô hình trồng đậu nành. Chỉ với thời gian trồng hơn 2 tháng, cây đậu nành đã cho thu hoạch với sản lượng 2,5 tấn.
Với giá đậu nành hiện tại khoảng 17.000 đồng/kg, vụ này gia đình ông thu nhập trên 40 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng bắp. Tương tự gia đình ông Tín, nhiều hộ dân khu vực này đã cho trồng thử nghiệm cây đậu nành và nhận thấy hiệu quả mang lại cao hơn các loại cây trồng khác như bắp, đậu xanh. Ông Nguyễn Trà (xã Đá Bạc) cho biết: “Chỉ với 4 sào đất, những năm trước đây trồng bắp và đậu xanh thì lãi cao nhất chỉ khoảng 3 triệu đồng/vụ. Nhưng trồng cây đậu nành ông lãi lên đến gần 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, công chăm sóc cũng nhẹ hơn vì không phải tưới nước hay bón phân nhiều”.
Với đặc tính chịu hạn rất tốt, đậu nành là loại cây phù hợp với các vùng đất khô hạn tại các xã Đá Bạc, Suối Rao, Sơn Bình (H.Châu Đức). Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Đá Bạc nói: “Từ năm 1993 đến nay, người dân trên địa bàn xã trồng cây bắp nên đất đai đã bạc màu. Ngoài ra sâu bệnh, nấm… làm cho năng suất bắp ngày càng thất thu. Khi Công ty Bunge phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức mô hình thí điểm trồng cây đậu này ở Đá Bạc và thành công như hiện nay làm đời sống người dân cũng thay đổi, không còn khó khăn, phụ thuộc vào cây bắp như trước đây nữa”, Theo ông Hùng, Công ty Bunge ký hợp đồng bao tiêu đậu nành cho người dân với giá sàn là 17.000 đồng/kg.
Nếu giá đậu nành ngoài thị trường thấp hơn giá sàn thì công ty cũng mua cho người dân với giá này. Còn giá đậu nành ngoài thị trường cao hơn giá sàn, công ty sẽ mua với giá như thị trường. Ông Hùng cũng cho biết, bình quân 1 ha đậu nành cho năng suất từ 2 - 3 tấn, với giá thành hiện tại thì mỗi ha đậu nành người nông dân thu được trên 30 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cũng lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng bắp.
Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, H.Châu Đức cũng như nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn ha đất rất phù hợp để trồng cây đậu nành. Chương trình này thành công sẽ mang lại nhiều triển vọng phát triển cây đậu nành trên diện rộng, giúp cho bà con đa dạng hóa về cây trồng, tăng sự canh tranh về giá, có tư duy về hợp tác sản xuất nguyên liệu.
Có thể bạn quan tâm
Để tăng cường công tác thông tin, XTTM và đẩy mạnh XK nông sản, thủy sản, thực phẩm sang Nga, Cục XNK (Bộ Công thương) cùng Cơ quan đại diện LB Nga tại Việt Nam vừa tổng hợp danh sách và công bố nhu cầu NK nông sản, thủy sản và thực phẩm từ Việt Nam.
Để có sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Bình Định, ngành chức năng và trực tiếp là Cty BIDIFISCO đã mất nhiều thời gian, công sức, dồn mọi nỗ lực từ việc xúc tiến thương mại đến công tác vận động ngư dân thay đổi kỹ thuật đánh bắt, bảo quản cá ngừ…nhưng kết quả mang lại không như mong đợi.
Những năm qua, diêm dân ở phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ độc canh làm muối mà còn luân canh nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên ruộng muối khi vụ muối kết thúc…
Chiều ngày 3/10, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau chủ trì làm việc với 3 tỉnh: Bạc Liêu, Kiên Giang và Sóc Trăng để bàn bạc kế hoạch thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Năm 2014, toàn tỉnh Bình Định có 2.180 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm. Nhờ thực hiện khá nghiêm túc lịch thời vụ, kiểm dịch tôm giống, thực hiện mô hình nuôi tôm cộng đồng… nên hầu hết các địa phương đã hạn chế được tình trạng dịch bệnh, năng suất tôm đạt khá. Tuy nhiên, do giá tôm thường xuyên nằm ở mức thấp làm cho thu nhập của người nuôi tôm giảm sút.