Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Độc đáo mô hình trồng rau răm và trang trại tổng hợp đầu tiên ở TP.Huế, thu tiền tỷ/năm

Độc đáo mô hình trồng rau răm và trang trại tổng hợp đầu tiên ở TP.Huế, thu tiền tỷ/năm
Tác giả: Minh Tuấn
Ngày đăng: 16/03/2018

Trước giờ cây rau răm được xem có giá trị kinh tế thấp nhất trong các loại rau, nhưng với cách đầu tư bài bản, khoa học của ông Nguyễn Ngọc Thạnh thì loại cây này đem về thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Nhờ thị trường ổn định nên ông Thạnh mở rộng diện tích trồng rau lên đến 15 sào

Cây bạc triệu

Nông dân Nguyễn Ngọc Thạnh, 60 tuổi, ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) được biết đến là người làm trang trại tổng hợp đầu tiên ở thành phố Huế.

Với diện tích đất rộng gần 1,5ha, từ năm 2003 ông Thạnh bỏ nhiều công sức, tiền của gây dựng nên mô hình trang trại phát triển kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi lợn rừng, gà; trồng cây dó, tre lấy măng, hoa mai cảnh... Đặc biệt, ông còn mạnh dạn đầu tư trồng hơn 12 sào rau răm cho hiệu quả cao, được nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tham quan, học tập.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng rau răm phía sau nhà, ông Thạnh chia sẻ: Loại rau gia vị này vốn dễ trồng nên giá rẻ nhưng không phải vì thế mà đầu tư vào rau răm không có thu nhập. Điểm thuận lợi nhất đối với rau răm là sau khi đưa vào trồng lần đầu tiên sẽ cho thu hoạch liên tục từ 5 - 7 năm; ít cỏ dại và không cần nhiều phân, thuốc… dù giá rẻ nhưng vẫn cho thu nhập khá cao.

“Tôi làm hơn 12 sào rau, bình quân cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Nhìn chung cây này trồng đơn giản, ít tốn công chăm sóc mà có khó là phòng rầy thôi, bệnh khác không có. Tuy nhiên để tăng lợi nhuận thì phải bón thêm phân chuồng cho đất dinh dưỡng…”, ông Thạnh nói.

Lão nông phân tích thêm, muốn rau răm phát huy tối đa hiệu quả không thể trồng tràn lan mà cần tìm đầu ra ổn định trước, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ mới tính toán diện tích sao cho hợp lý. Bởi cây này chưa thể sấy khô hay có biện pháp bảo quản lâu được, thu hái ngày nào bán hết ngày đó, nếu không hết buộc đổ bỏ gây lãng phí. Cung vượt cầu sẽ bị tư thương ép giá ngay.

“Trồng rau răm quan trọng nhất là bạn hàng, phải có chỗ tiêu thụ ổn định mới trồng được. Vào mùa mưa lũ giá khoảng 25.000 đồng/kg, một ngày có thể bán được 2 triệu đồng, nhưng tiếc là không đủ cho người ta đến lấy. Về mùa nắng giá thấp nhất cũng trên 10.000 đồng/kg, bình quân cho thu nhập 1 triệu đồng/ngày… Riêng cây rau răm cho gia đình tôi thu nhập 300 triệu đồng/năm. Hiện ở HTX tôi có khoảng 10 hộ cũng trồng rau này với diện tích hơn 6ha đều cho lợi nhuận khá cao”, ông Thạnh phấn khởi.

Bình quân mỗi tháng cánh đồng rau răm cho thu nhập khoảng 30 triệu. Vào mùa mưa lũ giá rau tăng lên gấp đôi nhưng không đủ bán

Cũng theo ông Thạnh, công việc trồng rau răm được bố ông làm từ trước giải phóng. Nó không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà hiện nay với mùi vị đặc biệt giúp món ăn thú vị hơn. Do đó người dùng ngày càng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ dần được mở rộng ra các tỉnh thành lân cận. Vì thế mà thu nhập khá hơn trước. Cứ 20 ngày cánh đồng rau cho thu hoạch một lứa, để thu hoạch hết và chăm sóc lại cánh đồng rau thì ngoài sức của hai vợ chồng, ông còn thuê thêm 2 lao động nữa mới kịp.  

Lấy ngắn nuôi dài

Từ loại “rau tiền triệu” này, ông Thạnh xoay vòng vốn tiếp tục đầu tư trang trại của mình thêm nhiều đối tượng khác. Ông mở thêm các chuồng nuôi lợn rừng với tổng đàn hơn 50 con gồm cả lợn rừng giống, lợn rừng thịt. Khu nuôi lợn được xây trụ bê tông, khoanh thép B40 chắc chắn, sach sẽ. Năm 2009 đến nay, ông Thạnh xuất bán hàng trăm lứa.

Ngoài trồng rau răm, ông Thạnh còn nuôi lợn rừng, trồng tre lấy măng, mai cảnh, dó bầu… đạt doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm

Chưa dừng lại, ông trồng hơn 2.500 cây dó bầu, trong đó gần 500 cây đã đến kỳ thu hoạch. Ông Thạnh cho biết, đối với cây trầm trồng khoảng 10 năm là có thể cấy dầu, sau đó khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch giác trầm. Mỗi cây có giá từ 2 - 2,5 triệu đồng. Ngoài ra, ông đang có hơn 2ha rừng keo lá tràm sinh trưởng tốt cùng 500 cây mai đến kỳ xuất bán.

Ông Thạnh cho rằng, làm nông nghiệp không chỉ dựa trên lý thuyết mà còn phải tìm hiểu thực tế. Tùy theo địa hình đất đai để nghiên cứu và phân bố cụ thể từng khu vực của trang trại sao cho phù hợp các đối tượng cây trồng, vật nuôi. Ví dụ, với cây dó bầu thì được trồng ở vùng đất cao, cây tre bát độ trồng ở khu vực đất ẩm thấp, dưới tán cây dó bầu. Ngoài ra, ông còn nuôi lợn rừng...

Lão nông bộc bạch, sau nhiều năm nỗ lực hai vợ chồng cũng có thu nhập khá từ trang trại, mỗi năm thu trên dưới 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư còn lãi khoảng 400 triệu. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng và hơn 10 lao động thời vụ.

Đánh giá về mô hình, ông Nguyễn Xuân Vang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Xuân cho biết, trong điều kiện và khí hậu ở thành phố Huế thì việc tạo được môi trường sinh cảnh phù hợp để chăn nuôi lợn rừng và làm trang trại là điều không dễ dàng. Thế nhưng với sự nỗ lực vượt lên khó khăn bước đầu, ông Thạnh đã xây dựng nơi đây thành hệ thống chuồng trại khá quy mô. Nhiều năm liền ông là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Ông Thạnh còn giúp các nông dân trên địa bàn giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu…


Có thể bạn quan tâm

Lão nông nuôi nghìn con thỏ, lãi tiền tỷ mỗi năm Lão nông nuôi nghìn con thỏ, lãi tiền tỷ mỗi năm

Ông Vũ Huy Quang (sinh năm 1953) thu lãi hơn 1,2 tỷ đồng mỗi năm khi rẽ hướng sang nuôi thỏ, sau nhiều lần thất bại với gà, vịt, dê...

12/03/2018
Hiệu quả từ mô hình trồng mận xanh đường bao lưới Hiệu quả từ mô hình trồng mận xanh đường bao lưới

Với mô hình trồng mận xanh đường bao màng lưới, mỗi năm ông Nguyễn Văn Quyên (TX.Bình Minh, Vĩnh Long) thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.

14/03/2018
Có một trang trại trại rau hữu cơ khép kín từ A - Z, doanh thu 400 - 500 triệu/tháng Có một trang trại trại rau hữu cơ khép kín từ A - Z, doanh thu 400 - 500 triệu/tháng

Chủ trang trại là ông Nguyễn Quốc Thắng. Ông Thắng là một người có thâm niên trồng rau. Tính đến nay, ông đã có 25 năm gắn bó với nghề này.

15/03/2018