Thủy lợi là biện pháp hàng đầu để phát triển nông nghiệp
Và như lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc năm 1959: “Việt Nam có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước, có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc, có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh”.
Năm 1945, đất nước vừa độc lập, trước muôn vàn khó khăn, Chính phủ đã ban hành các Sắc lệnh về Bảo vệ đê điều, hộ đê, phòng chống lụt, bảo vệ quản lý hệ thống nông giang, mở rộng diện tích tưới.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thủy lợi đã được coi là biện pháp hàng đầu để bảo vệ và phát triển SX nông nghiệp.
Một thời gian khó
Tháng Tám năm 1945, đúng thời điểm cả nước khởi nghĩa giành chính quyền thì sông Hồng xuất hiện trận lũ lịch sử, vỡ đê nhiều nơi, gây ngập lụt nghiêm trọng.
Chính quyền cách mạnh mới ra đời, Bác Hồ, Chính phủ, Bộ Giao thông Công chính đã lo chỉ đạo nhân dân hàn khẩu đê vỡ, phục hồi đời sống SX.
Đảng ta đã xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, thủy lợi là biện pháp hàng đầu để phát triển nông nghiệp.
Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho công tác thủy lợi sự quan tâm to lớn.
Bác Hồ đã dạy: Nhiệm vụ của chúng ta làm cho đất và nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sinh thời, năm nào Bác cũng có nhiều bài báo động viên nhân dân chống hạn, chống úng, chống lũ.
Người đi kiểm tra tình hình và tham gia trực tiếp cùng với nhân dân.
Ông Nguyễn Cảnh Dinh - người giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi trong 15 năm (1981-1995) hồi tưởng: Tài liệu còn ghi lại, ngày Cách mạng mới thành công, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời với một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, các thiên tai như hạn hán, úng lụt thường xuyên là mối đe dọa lớn đối với nhân dân ta.
Công trình thủy lợi tưới tiêu cả nước chỉ có 13 hệ thống, trong đó nhiều hệ thống làm còn dở dang, năng lực thiết kế tưới khoảng 30 vạn ha, tiêu 8 vạn ha; lại bị bị địch tàn phá trong chiến tranh.
Cho đến năm 1960 ở miền Bắc, nhiều tỉnh, nhiều huyện còn bị hạn hán nghiêm trọng, nước sinh hoạt cho người, cho chăn nuôi gia súc về mùa khô rất khó khăn.
Vào mùa mưa, nhiều vùng rộng lớn ở đồng bằng sông Hồng như Bình Lục (Hà Nam), Phú Xuyên (Hà Tây cũ) hay phần lớn của tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình, huyện Quế Võ (Bắc Ninh)… mưa xuống không tiêu thoát đi được, nước ngập mênh mông, phải “sống ngâm da chết ngâm xương”, mùa khô lại thiếu nước, chịu cảnh “chiêm khê mùa thối”.
Khu vực miền Trung mùa mưa thường bị lũ tràn gây hại lớn, né tránh lũ để SX là cấp bách, nhưng lại không có nước.
Đê Bắc bộ và Thanh - Nghệ - Tĩnh còn rất yếu.
Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 1975, trừ vùng gần sông Tiền, sông Hậu phát triển trù phú, các nơi khác chỉ SX lúa mùa năng suất thấp; diện tích bị chua phèn, bị xâm nhập mặn rất rộng, hoang hóa còn nhiều - hàng năm trên 1,4 triệu ha bị ngập lũ, 1,8 triệu ha đất phèn và đất phèn mặn trong đó 0,7 triệu ha đất phèn nhiều, 1,7 triệu ha bị ảnh hưởng nặng.
Nhiều vùng đầu mùa mưa, phèn bị rửa trôi dồn về kênh rạch, nước đỏ quạch hoặc xanh lè, tôm cá đều không sống nổi, dân không thể trụ lại được vì không có nước ngọt.
Đồng bằng Trung bộ, các cánh đồng miền núi và Tây Nguyên thì cứ 10 năm có 9 năm hạn, nước dùng cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng cũng rất khó khăn.
Các vùng khác hoàn toàn bị bỏ trắng về thủy lợi.
Thủy lợi là biện pháp hàng đầu
Cuộc cách mạng về cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, tạo ra một bước ngoặt trong SX nông nghiệp ở miền Bắc, được mở ra bằng vụ đông, vụ lúa xuân trở thành vụ SX chính, phong trào tăng năng suất với nhiều điển hình năng suất rất cao trước hết là bởi yếu tố thủy lợi đã được giải quyết.
Đồng bằng sông Cửu Long nhờ giải quyết thủy lợi tốt, đã khắc phục được chua phèn, xâm nhập mặn, bảo đảm nước ngọt quanh năm, đã tạo tiền đề mở rộng diện tích canh tác, nhất là chuyển đổi thắng lợi vụ lúa nổi năng suất thấp thành 2 vụ Đồng Xuân và Hè Thu năng suất cao, có nơi còn làm được 3-4 vụ.
Nói thì dễ vậy, nhưng để đạt được những đổi thay kể trên là cả một quá trình khó khăn, vất vả.
Ở miền Bắc, hơn ai hết chính những người sống ở thời “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” hay “nghiêng đồng đổ nước ra sông” nhằm bảo vệ và duy trì SX nông nghiệp mới thấy hết được vai trò, tác dụng của các hệ thống thủy lợi.
Vào những năm 1960, hình ảnh hàng nghìn, hàng vạn người dùng gàu sòng, gàu dai, guồng đạp chân để đưa nước vào đồng hay tiêu thoát nước ra sông cho thấy cuộc chiến giành giật với thủy thần, hạn hán vô cùng vất vả và gian nan đồng thời cũng rất hào hùng, tráng lệ, tuy vậy hiệu suất thì còn thấp.
“Một máy bơm nước hiện đại thời nay có thể thay thế công sức của cả nghìn người lúc bấy giờ”, ông Nguyễn Cảnh Dinh so sánh.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm 1975-1980 đã triển khai nghiên cứu, làm thử vài công trình thủy lợi để rửa chua phèn, dẫn ngọt nhưng chưa kịp làm đồng bộ nên có nơi chua phèn lây lan, khiến nhiều người phàn nàn.
Vấn đề chua phèn, xâm nhập mặn của vùng này đã được giải quyết đồng bộ trong thời kỳ ông Nguyễn Cảnh Dinh làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi:
“Lúc ấy quy hoạch được bổ sung nâng cao, quan trọng là có lực lượng bao gồm con người, cơ giới và đầu tư cao lên, mình có thể làm nhanh để đưa ra hệ thống kênh rạch đồng bộ cho từng vùng Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tây sông Hậu, trong đó có kênh Hồng Ngự -khởi công từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thanh Bình - mà người dân thường gọi là kênh Trung ương, dẫn nước sông Tiền đến tận bên kia sông Vàm Cỏ”.
Đối với vùng ven biển như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, vùng Gò Công của Tiền Giang, giải pháp thủy lợi là phải làm hệ thống cống ngăn mặn ven biển, dẫn kênh nước ngọt từ phía trên xuống, đảm bảo kéo dài thời gian cung cấp đủ nước ngọt.
Thời kỳ 1976-1995 đã làm được khá nhiều công trình và sau này vẫn tiếp tục làm công trình ngày càng to hơn, ngăn mặn, mở rộng vùng tưới ngọt.
Cùng với đó, một loạt công trình thủy lợi ở miền Trung, Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ cũng được đầu tư và phát huy tác dụng...
Có được những thành tựu đó trước hết là do có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, sự hỗ trợ đắc lực của các ngành, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự đóng góp to lớn của nhân dân và các lực lượng vũ trang, sự nỗ lực có hiệu quả của toàn ngành thủy lợi qua các thời kỳ.
Có thể bạn quan tâm
Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, việc tìm mô hình trong chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao cuộc sống luôn là bài toán đặt ra với các hộ nông dân. Tìm lời giải cho bài toán đó, gia đình ông Nguyễn Hữu Đức ở tổ 19, ấp 11, xã Minh Hưng (Chơn Thành) đã thực hiện mô hình nuôi trâu.
Tuy được cảnh báo là dịch bệnh nguy hiểm nhưng đến nay, bệnh trắng lá mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn chưa được khống chế.
Gia đình ông Hà Trọng Tâm ở khu 4, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh là một trong những hộ có năng suất chè cao nhất ở xã, bình quân đạt khoảng 18 đến 20 tấn/ha/năm. Với diện tích gần 4ha chè và chế biến chè khô, mỗi năm gia đình ông thu được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi xấp xỉ 100 triệu đồng.
“Trứng gà Văn Học” giờ đây đã trở thành một trong những thương hiệu thực phẩm sạch được siêu thị Co.opMart Tam Kỳ tiêu thụ. chủ nhân của thương hiệu này là anh Nguyễn Văn Học ở thôn Phước An, xã Tam An (Phú Ninh).
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2014-2015, toàn tỉnh xuống giống được 12.558ha mía, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, TX.Ngã Bảy, TP.Vị Thanh và một phần huyện Long Mỹ. Hiện các ruộng mía đang ở độ tuổi từ 7-9 tháng, dự kiến trong tuần tháng 9 tới đây một số địa phương sẽ tiến hành thu hoạch.