Thương mại nông sản trong nội khối TPP Việt Nam đang bị thâm hụt
Hầu hết gạo của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước ngoài khối TPP như Indonesia, Philippines và Trung Quốc.
Khác với sự hồ hởi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp nói chung, chuyên gia về cà phê, đồng thời cũng là chủ một doanh nghiệp cà phê rang xay, ông Nguyễn Khánh Hiệp lại tỏ ra thận trọng trước thông tin Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Theo ông Hiệp, thực tế thị trường cà phê từ trước tới nay vốn đã thông thương với thế giới với mức thuế nhập khẩu cà phê nhân đa số là 0%.
“Tôi cho rằng, cà phê nhân của Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ TPP mà TPP lại có lợi cho các hãng cà phê rang xay nổi tiếng thế giới khi thuế nhập khẩu cà phê thành phẩm sẽ về 0%.
Tôi lo không khéo các nhà rang xay Việt Nam đi đứt”, ông Hiệp nói.
Không còn nhiều khoảng trống xuất khẩu
Hiện nay, theo nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTAs) của Việt Nam với nhiều nước trong TPP, nông sản xuất khẩu chủ lực đã được hưởng mức thuế suất rất thấp hoặc miễn thuế khi nhập khẩu vào thị trường này.
Do đó, dù có hay không có TPP cũng không còn nhiều khoảng trống cho các mặt hàng này tăng trưởng xuất khẩu. Số liệu mới nhất mà USDA có được để phân tích (năm 2012), cho thấy Việt Nam xuất khẩu khoảng 14 tỉ đô la Mỹ nông sản thì xuất khẩu sang các nước TPP chỉ khoảng 2,9 tỉ đô la.
Mỹ vẫn là nước nhập khẩu nông sản lớn nhất, 1,2 tỉ đô la Mỹ, sau đó là Malaysia 622 triệu đô la Mỹ và Nhật Bản 409 triệu đô la Mỹ.
Phân tích cụ thể từng mặt hàng cho thấy, chỉ riêng xuất khẩu cà phê và gạo đã chiếm tới hơn nửa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, lần lượt là 3,3 và 2,4 tỉ đô la Mỹ.
Mỹ là thị trường nhập khẩu cà phê số 1 của Việt Nam, khoảng 601 triệu đô la Mỹ trong tổng số 887 triệu đô la Mỹ cà phê xuất khẩu trong nội khối TPP với mức thuế nhập khẩu 0%.
Trong khi đó, hầu hết gạo của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước ngoài khối TPP như Indonesia, Philippines và Trung Quốc.
Trong nội khối, gạo Việt Nam chỉ đạt vỏn vẹn 524 triệu đô la Mỹ kim ngạch, chủ yếu sang Malaysia (thuế suất 20%) và Singapore (thuế 0%).
Chỉ một lượng rất nhỏ, 27 và 15 triệu đô la Mỹ, lần lượt được xuất sang Mỹ và Nhật Bản với mức thuế khá cao lần lượt là 44 xu Mỹ/ki lô gam và 347 yen/ki lô gam.
Cao su thiên nhiên là mặt hàng nông sản chủ lực đứng thứ 3 của Việt Nam nhưng lại chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên của các nước nội khối TPP đã là 0% khi chưa có TPP.
Việt Nam cũng xuất khẩu lượng lớn hạt điều và Mỹ là thị trường tiêu thụ hạt điều lớn nhất của Việt Nam, đạt khoảng 386 triệu đô la Mỹ trong tổng số 559 triệu đô la Mỹ của nội khối TPP (với mức thuế 0% ở hầu hết các thị trường). C
ác mặt hàng nông sản khác được xuất khẩu sang các nước TPP gồm bánh xốp, sắn tinh bột, các loại hạt và thức ăn gia súc, song giá trị xuất khẩu đều dưới 50 triệu đô la Mỹ.
Thực tế, theo phân tích của USDA, cam kết trong TPP sẽ chồng chéo với những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký trước đó như ASEAN, AANZFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand), PTA với Chile và gần đây là FTA với Nhật Bản.
Theo đó, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam đã được hưởng mức thuế suất rất ưu đãi, chủ yếu là 0%.
Đối với những nước không có PTA với Việt Nam, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, hạt điều và hạt tiêu cũng đều bị áp mức thuế rất thấp, dưới 5%.
Nghiên cứu này cũng cho thấy, điều duy nhất mà hàng nông sản Việt Nam nhận được từ TPP, vượt trội hơn các FTA và PTA trước đó, chính là sự tự do tiếp cận thị trường rộng lớn với 800 triệu dân của TPP.
Ví dụ, gạo Việt Nam có thể giành thị phần từ đối thủ Thái Lan để xuất khẩu gạo indica sang Nhật Bản nhờ giảm thuế và sự tự do tiếp cận thị trường.
Hơn nữa, một số mặt hàng nông sản nhỏ như sắn lát, thực phẩm chế biến, mật ong... có thể được lợi từ việc giảm thuế.
Nông sản từ các nước TPP sẽ tràn vào Việt Nam?
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 10 tỉ đô la các sản phẩm nông nghiệp, trong đó 3,5 tỉ đô la Mỹ từ các nước TPP.
Mỹ là nguồn cung nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với 1,3 tỉ đô la Mỹ; Úc, Malaysia cũng chiếm một thị phần tương đối lớn, lần lượt đạt 888 triệu đô la Mỹ và 704 triệu đô la Mỹ.
“Điều này cho thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam có thặng dư thương mại nói chung nhưng lại xảy ra tình trạng thâm hụt thương mại riêng trong nội khối TPP, trong đó có cả thâm hụt thương mại nông sản với Hoa Kỳ”, trích báo cáo.
Phân tích cụ thể từ báo cáo cho thấy, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi chiếm phần lớn kim ngạch nhập khẩu nông sản của Việt Nam do thuế nhập khẩu thấp (0-5%) và nhu cầu tiêu thụ thịt trong nước ngày càng tăng lên.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu khô đậu nành và đậu nành năm 2012 đạt lần lượt 1,3 tỉ đô la Mỹ và 780 triệu đô la Mỹ.
Hầu hết, khô đậu nành được nhập từ các nước ngoài khối TPP như Argentina, Ấn Độ và Brazil, trong khi phần lớn đậu nành lại nhập từ Mỹ (333 triệu đô la Mỹ).
Lúa mì, sữa bột, và bông cũng là những nguyên liệu được nhập nhiều từ những nước nội khối TPP.
Ngược lại, sản phẩm nông nghiệp hướng tới tiêu dùng cuối cùng lại chiếm một thị phần khá nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt khoảng 155 triệu đô la Mỹ trong nội khối, gồm những sản phẩm như: nông sản chế biến, thực phẩm tươi sống, thịt đông lạnh, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa...
Điều này là do những mặt hàng trên đang phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao từ 15-40%.
Do đó, bên cạnh những lợi thế được cho là không quá lớn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc tăng trưởng nhập khẩu các mặt hàng nông sản hướng tới người tiêu dùng cuối cùng khi thuế nhập khẩu các mặt hàng này sẽ về 0%.
Ví dụ, các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ sẽ có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu các mặt hàng như thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa, trái cây và nhiều sản phẩm nông sản chế biến có giá trị gia tăng cao sang Việt Nam...
Có thể bạn quan tâm
Nằm trong hợp phần B của Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ, liên minh sản xuất cà phê bền vững Chư Prông (Gia Lai) giữa Tổ hợp tác gồm 100 hộ nông dân các xã Ia Phìn, Ia Băng, Ia Kly và thị trấn Chư Prông được triển khai thực hiện năm 2010.
Anh Lâm Văn xuyến, 58 tuổi, ở thôn đầu suối A (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc) trồng thí điểm 3.000 cây chuối trên 3 ha đất rẫy.
Là huyện miền núi ven biển có gần 70% là người dân tộc thiểu số, 5/6 xã là vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế, nên việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa không chỉ đối với đời sống người dân mà còn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế huyện Thuận Bắc phát triển.
Nhìn lại năm qua, với tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh lên khoảng 63.669 tấn, vượt 11,7% kế hoạch và tăng 13,9% so với năm trước, có thể lạc quan trước sức phát triển mới về năng lực tàu cá tỉnh ta. Tuy nhiên, nếu nhìn ở cơ cấu hải sản đánh bắt với 80% sản lượng là cá cơm, cá nục và hầu như chưa có sự chuyển dịch đáng kể nào về thuyền nghề, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước tương lai nghề cá tỉnh nhà.
Ông Trần Phương là tấm gương nông dân sản xuất giỏi ở thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Từ trồng lúa và nuôi bò sinh sản, mỗi năm gia đình ông thu về cả trăm triệu đồng.