Thương lái Trung Quốc thâu tóm thị trường thanh long Bình Thuận những thách thức cho xuất khẩu
Hiện chưa có thống kê cụ thể nào về diện tích thanh long ở Trung Quốc, nhưng chỉ tính ở 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây cây thanh long đã trồng hơn 20.000 ha. Trong tương lai, Bình Thuận không chỉ cạnh tranh với thanh long của các tỉnh trong nước mà còn phải cạnh tranh với chính trái thanh long trồng tại Trung Quốc…
Nhiều bài học đắt giá
Những chiêu trò mà thương lái Trung Quốc hiện đang áp dụng tại Bình Thuận tuy không mới, nhưng đã từng gây điêu đứng người dân trồng khóm, dừa ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, dưa hấu ở miền Trung. Hầu như năm nào trên địa bàn cả nước cũng xảy ra tình trạng nông sản được mùa mất giá, sản phẩm không có nơi tiêu thụ. Điểm chung của các nông sản này đều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tháng 3/2015, dưa hấu trồng tại tỉnh Quảng Ngãi rớt giá mạnh so với đầu vụ, giảm còn chưa đến một phần ba.Khoảng cuối tháng 3, gần vào chính vụ thu hoạch, giá dưa hấu hắc mỹ nhân (dưa dài) có giá 10.000 - 12.000 đồng/kg, dưa hồng lương (tròn, màu đen) 8.000 - 9.000 đồng/kg. Chỉ vài ngày sau, giá dưa đã rớt xuống từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, rồi rớt xuống dưới 3.000 đồng/kg mà vẫn khó bán.
Người dân ở đây cho biết, dưa hấu bị nhóm tư thương (người Trung Quốc) ép giá nên nhiều hộ dân phải bán đổ, bán tháo. Giữa tháng 7, giá khoai lang ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) - vựa khoai lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long cũng rớt giá do thương lái Trung Quốc “lật kèo”.
Trước vụ thu hoạch, thương lái Trung Quốc đặt tiền với giá mua 1.600 đồng/kg, đến vụ họ không thu mua, đợi khoai già chất lượng kém mới trở lại thu mua. Khi đó, sản lượng không đủ, giá rớt thê thảm, khoai loại 2 chỉ còn chưa đầy 100 đồng/kg. So với các loại nông sản khác trên cả nước, trái thanh long Bình Thuận hiện đang đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước.
Mặc dù giá cả bấp bênh, sản lượng thanh long vẫn ngày một nhiều.
Tại Trung Quốc, nơi tiêu thụ gần 80% sản lượng thanh long Bình Thuận, người dân ở đây cũng đang đối diện với tình trạng khó tiêu thụ trái thanh long do chính người dân nơi đây trồng. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, người dân tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đang khó tiêu thụ trái thanh long do họ trồng.
Nguyên nhân do diện tích trồng thanh long ở Quảng Đông liên tục tăng trong năm qua, đó còn chưa kể diện tích trồng thanh long ở các tỉnh Hải Nam, Phúc Kiến, Quảng Tây cũng đang tăng nhanh. Theo đó sản lượng thanh long của Trung Quốc hiện nay đang tăng gấp đôi, nguồn cung nội địa trở nên dồi dào… Điều đáng lo ngại, Trung Quốc cũng đang có chính sách khuyến khích người dân trong nước đẩy mạnh trồng thanh long, nhất là tại các tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây.
Thay đổi tư duy
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận hồi tháng 7 vừa qua, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh, kêu gọi những người trồng, sản xuất thanh long không hợp tác với những người buôn bán bất hợp pháp và báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý nghiêm. UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh mà cụ thể là Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tiếp tục kiểm tra và xử phạt nghiêm tình trạng người nước ngoài vào Bình Thuận cư trú và kinh doanh thanh long bất hợp pháp.
Tuy nhiên, rất khó để xử phạt bởi phần lớn thương lái Trung Quốc đến Bình Thuận bằng hình thức du lịch. Mặc dù vậy cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài người dân cũng như chính quyền cần bắt tay nhau thay đổi cách thức buôn bán, làm ăn, giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp và nông dân Bình Thuận đừng ham cái lợi trước mắt, chạy theo nhu cầu ảo mà thương nhân Trung Quốc tạo ra, khiến cho tình hình càng thêm bất ổn.
Tình trạng lên xuống bất thường của giá thanh long phần nào cũng do người dân thấy lợi đổ xô vào trồng khiến diện tích tăng nhanh. Lâu nay, người dân cả nước nói chung vẫn coi chất lượng trái thanh long của Bình Thuận là ngon ngọt nhất, thanh long các nước không bằng nhưng thực tế chưa có kết quả kiểm định mang tính khoa học. Thanh long Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc cũng có thể trồng đạt chất lượng tốt tương đương. Vì vậy, về lâu dài thương hiệu mới là điều mà các nước hơn thua với nhau.
Việc nâng cao chất lượng cũng là một trong những hướng đi giúp thanh long Bình Thuận giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đa dạng các sản phẩm để tạo sự cạnh tranh tốt với thanh long các nước trong tương lai. Hiện thanh long Việt Nam chỉ mới xuất tươi, các sản phẩm sau chế biến như sấy khô, làm mứt, nước hoa quả… còn rất ít.
Sự liên kết giữa các cơ quan, ban ngành và nông dân, doanh nghiệp còn yếu nên chúng ta không thể phối hợp hoạt động hiệu quả để chống lại sự thao túng thị trường của phía Trung Quốc.
Với những thách thức đang đặt ra hiện nay, những người trồng và kinh doanh trái thanh long Bình Thuận cần thay đổi tư duy trong làm ăn, hướng đến một thị trường xuất khẩu bền vững, đảm bảo các tiêu chí “sạch - ngon - giá cạnh tranh và số lượng lớn”. Điều này sẽ góp phần giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mở rộng các thị trường khác để phát triển ổn định và lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
Là loài cá nước mặn, sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, nhưng cá bống bớp đã “bén duyên” và gắn bó trong “ao nhà” ở vùng đất Nghĩa Hưng (Nam Định)
Hiện doanh thu của ông từ nguồn lúa giống và trang trại bò lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm, chưa kể chuối. Trừ hết các chi phí còn lời trên 5 tỷ đồng.
Xuất phát điểm nuôi một con trâu cái, sau hai mươi năm gắn bó với nghề, anh đã sở hữu hàng trăm con có giá trị cả chục tỷ đồng
Trồng rau theo phương pháp thủy canh, khí canh đang được nhiều nông dân phát triển. Canh tác trong nông trại công nghệ cao, người dân có thể lãi 7 - 8 tỷ đồng
Lần theo địa chỉ “Điểm tham quan vườn xoài Mỹ Xương” chúng tôi đã tìm được vườn xoài du lịch tại tổ 3, ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.