Thương lái Trung Quốc ngừng mua, đặc sản cua Cà Mau rớt gần nửa giá

Theo người nuôi cua địa phương, giai đoạn từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 5/2015, giá cua liên tục giữ mức khá ổn định. Cua gạch được thương lái thu mua tại vuông nuôi với giá 320.000 - 350.000 đồng/kg; cua y giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Đến nay, cua y đang được thu mua với giá 140.000 đồng/kg; cua gạch chỉ còn từ 200.000 - 220.000 đồng/kg.
Đặc sản cua biển Cà Mau đang rớt giá.
Tỉnh Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì cả nước, tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước…Thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, quân bình mỗi năm lượng cua biển xuất khẩu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch lên đến đến hàng chục ngàn tấn; trong đó thị trường chính là Trung Quốc.
Như đã thành quy luật, cứ đến thời gian gần Rằm tháng 7 hàng năm, giá cua sẽ giảm. Nguyên nhân được xác định do thị trường Trung Quốc không nhập khẩu cua, thương lái Trung Quốc đồng loạt ngừng “ăn hàng”. Thế là giá cua cứ lao dốc, chỉ tội cho những gia đình kinh tế khó khăn, chỉ trông chờ vào con cua, con tôm để sống.
Gắn bó với con cua đã mấy chục năm nay, chưa năm nào thấy giá cua giảm mạnh như hiện nay, ông Nguyễn Văn Thoái (xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân), thở dài: “Ai cũng biết, đến giai đoạn này giá cua sẽ giảm. Nhưng tình hình năm nay căng quá, tính ra giá giảm đến cả 100.000 đồng/kg, chúng tôi nuôi sao có lời”.
Ông Nguyễn Minh Phồi (ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới) cho biết: Vụ vừa qua gia đình thả hơn 4.000 con cua giống, ước đạt tỷ lệ sống 25%. Hiện sản lượng cua trong vuông ít nhất có 3 tấn, đã dư kích cỡ thu hoạch nhưng không dám thu.
Theo tính toán của ông Phồi, nếu bây giờ bắt cua, chưa tính công gia đình ông chắc chắn sẽ lỗ không dưới 3 triệu đồng. “Chẳng ai muốn thu hoạch lúc này cả, bà con đang đợi đến Trung thu, thị trường tiêu thụ sẽ tăng trở lại, hy vọng giá cua được đẩy lên mới thu hoạch”, ông Phồi nói.
Huyện Cái Nước có diện tích nuôi cua hơn 6.000 ha, tập trung nhiều tại các xã Trần Thới, Đông Thới,… “Tình hình nuôi năm nay cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, thương lái Trung Quốc ngừng mua, giá cả quá thấp gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Ngay cả những doanh nghiệp tiêu thụ cũng đang điêu đứng”, ông Đoàn Văn Chính - Phó trưởng Phòng NN&PTNN huyện Cái Nước cho biết.
Người nuôi cua ở Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn khi giá cua đang thấp.
Ông Võ Ngọc Hùng (chủ cơ sở thu mua cua biển lớn ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) cho biết: Trước đây, hàng ngày ông xuất sang Trung Quốc 1 tấn cua biển các loại, thì nay chỉ còn khoảng vài trăm kg/ngày. Giá cua giảm đang tác động mạnh đến thị trường thu mua và xuất khẩu của các địa phương. Người nuôi luôn đang chịu áp lực lớn nhất.
“Doanh nghiệp có thể chủ động dừng mua khi thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng người nông dân ít vốn thì khó có thể dừng thu hoạch khi cua tới đợt khai thác”, ông Hùng nói.
Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng: Đồng nhân dận tệ của Trung Quốc bị phá giá xuống thấp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các mặt hàng thủy sản xuất vào thị trường này rớt giá, trong đó có cua biển Cà Mau.
“Ngành nông nghiệp đang theo dõi sát sao mọi biến động của các mặt hàng thủy sản trên địa bàn để có hướng xử lý và khuyến cáo người dân khi cần thiết”, ông Bằng nói.
Có thể bạn quan tâm

Theo số liệu từ Cục Thống kê Cần Thơ, tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 850 triệu USD, tương đương 8,3% kế hoạch năm, chiếm 75,2% tổng kim ngạch hàng hóa đã xuất của khu vực này trong tháng đầu năm.

Vượt qua mọi khó khăn, mạo hiểm ban đầu, đến nay giấc mơ chinh phục “vàng trắng” với người trồng cao su ở Điện Biên đang dần hiện thực hóa khi dòng “vàng trắng” đầu tiên sắp chảy về. Với người dân góp đất trồng cao su cũng như những người “đứng mũi chịu sào” thì ngày “hái quả” đang đến gần.

Cả hợp tác xã có 53 ha, cứ 5 - 8 ha lại có một ao lắng để cấp nước đã qua xử lý cho các ao nuôi tôm, theo chỉ đạo của Hợp tác xã, khi con nước lớn và sạch mới lấy nước vào ao lắng, sau đó khử trùng bằng Iodine, sau 5 - 7 ngày mới lấy nước vào ao nuôi tôm, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao nuôi và ao lắng.

Những năm qua, bên cạnh việc trồng lúa, nhiều nông dân huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã lựa chọn những mô hình sản xuất kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Trinh (xã Vĩnh Phú Đông), nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá nên thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong tháng 01/2015, thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, các đội tàu đánh bắt xa bờ tích cực ra khơi và đánh bắt được mùa. Mặt khác, giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng là yếu tố làm cho các chủ tàu tích cực ra khơi bám biến nên sản lượng tăng mạnh so với cùng kỳ.