Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Thương lái giành mua lúa vừa gieo sạ để xuất sang Trung Quốc?

Thương lái giành mua lúa vừa gieo sạ để xuất sang Trung Quốc?
Tác giả: Huỳnh Xây
Ngày đăng: 02/04/2016

Mới lên cây mạ đã được đặt mua

Ngày 30.3, lão nông Nguyễn Văn Tám, ngụ ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết: Vụ lúa hè thu năm nay có điều vô cùng kỳ lạ chưa từng xảy ra ở địa phương là các thương lái đã đến đặt cọc mua lúa khi người dân vừa mới giống xuống được vài ngày.

“Thông thường, các thương lái chỉ đặt cọc khi lúa đã chín, cách ngày thu thu hoạch khoảng 1 tuần. Ai ngờ, vụ lúa hè thu này, khi tôi mới xuống giống được 10 ngày, các thương lái đã ùn ùn đến đòi đặt cọc mua trước với số tiền 300.000 đồng/công (1.000m2)” - ông Tám nói.

Theo GS Bùi Chí Bửu, để giải quyết khó khăn về tiêu thụ lúa, người dân phải hợp tác với nhau thành hợp tác xã kiểu mới. Theo đó, có người đại diện làm việc với doanh nghiệp, thoả thuận về mọi mặt cả trong sản xuất và tiêu thụ. Tiền thu được sau khi trừ mọi chi phí sẽ chia cho nông dân như một cổ đông chứ không phải mạnh ai nấy bán, mạnh ai nấy làm đơn độc, nhỏ lẻ như hiện nay.

Cũng theo ông Tám, các thương lái đến đặt cọc trước nói mua lúa với giá 4.250 đồng/kg trong khi đó giá lúa hè thu các vụ trước đây khoảng 4.000 đồng/kg nên ông và nhiều người dân trong ấp đã đồng ý. Tuy nhiên, hiện giá lúa đã lên đến 4.700 đồng/kg và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo. “Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, tôi đã lỗ gần 500 đồng/kg lúa rồi còn gì” – ông Tám than thở.

Cũng như ông Tám, ông Trần Văn Điền - ngụ cùng xã Vị Bình cho biết, ông vừa nhận được tiền đặt cọc 5 công lúa hè thu vì thấy nhiều người trong xã đã nhận tiền của thương lái. “Tôi có 5 công lúa sạ giống IR 50404 và đã nhận của thương lái 1,5 triệu đồng tiền cọc. Không riêng gì gia đình tôi, cả cánh đồng khoảng 90 công lúa  này cũng đã được các thương lái đặt cọc mua từ khi cây lúa mới được gieo sạ”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ dân khác có sản xuất lúa hè thu ở xã Vị Bình (huyện Vị Thủy), xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp) tỉnh Hậu Giang và nhiều địa phương thuộc TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu…cũng đã “trót lỡ” nhận tiền của thương lái.

Những hộ dân nào không đồng ý nhận tiền đặt cọc thì các thương lái nhiều lần tìm đến năn nỉ. “Tôi có 1,2ha diện tích trồng lúa AB 2010 và IR 50404. Từ lúc mới gieo sạ cho đến nay (cây lúa đã 21 ngày), thương lái đến năn nỉ đòi đặt cọc mua nhưng tôi không chịu. Sợ bị lỗ (khi thu hoạch, giá bán ngoài thị trường cao hơn giá nhận tiền cọc) nên tôi quyết không lấy cọc” - ông Nguyễn Văn Luận ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, cho hay.

Tích trữ lúa xuất sang Trung Quốc?

Theo phóng viên tìm hiểu, các thương lái đặt cọc mua khi cây lúa còn non vì cho rằng do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, sản lượng lúa ra thị trường không nhiều, nhiều nơi không gieo sạ được lúa hè thu hoặc gieo sạ chậm nên giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo đó, người nào có nhiều lúa sẽ có lãi nhiều. Hiện các thương lái chỉ chọn mua những giống có phẩm cấp thấp.

Ông Lê Văn Hai - một thương lái thu mua lúa ở tỉnh Hậu Giang cho biết đã đặt cọc mua được trên 100ha lúa hè thu của người dân và đang dự định mua thêm. Khi đến cuối tháng 4 thu hoạch, sẽ đưa lượng lúa mua được bán cho các thương lái lớn hơn đem đi tiêu thụ ở Trung Quốc. “Do giá lúa có chiều hướng tăng nên tôi mạnh dạn đặt cọc mua lúa khi nó còn ở giai đoạn mạ. Không riêng gì tôi, nhiều thương lái ở các địa phương khác, kể cả các “cò lúa” cũng vay tiền ngân hàng, đầu tư đặt cọc tiền để “xí phần” trước. Không làm vậy, đến lúc thu hoạch, giá cao mình sẽ không cạnh tranh lại các thương lái khác, không có lúa bán”- ông Hai nói.

Khi được hỏi về việc người dân nhận tiền đặt cọc của thương lái khi lúa còn non, bà Trần Hồng Tim – Trưởng phòng NNPTNT huyện Vị Thủy cho biết, chưa nhận được thông tin trên. Bà Tim cũng cho rằng, nếu có, cũng là do thoả thuận 2 bên, chính quyền địa phương rất khó can thiệp. Bà Tim thông tin: “Lâu nay, tôi chỉ nghe khi gần thu hoạch lúa, các thương lái đến đặt cọc, chưa hay việc đặt cọc mua lúa khi người dân chỉ vừa mới xuống giống như vậy. Việc này khó can thiệp, người dân đã nhận tiền thì phải bán cho thương lái theo giá đã thống nhất trước đó”.

Liên quan đến việc các thương lái tranh mua lúa của người dân khi giá lúa tăng, GS Bùi Chí Bửu – nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: “Đây là cơ hội để các thương lái, doanh nghiệp làm ăn, kiếm lời và người dân – người trực tiếp canh tác cây lúa  vẫn luôn chịu nhiều rủi ro trước thiên tai, thụ động về đầu ra, nhất là giá bán”.


Có thể bạn quan tâm

Tưới tiết kiệm hiệu quả vẫn ít dùng Tưới tiết kiệm hiệu quả vẫn ít dùng

Hạn hán đang đe dọa sản xuất các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên. Dự kiến, diện tích cây trồng chính bị hạn hán, thiếu nước lên tới 167.000ha. Vì thế, việc tìm ra giải pháp chống hạn hữu hiệu cả trước mắt và lâu dài đang là điều mong mỏi của người dân, doanh nghiệp cũng như các địa phương.

01/04/2016
Sẵn sàng rót vốn nếu sử dụng tiền hiệu quả Sẵn sàng rót vốn nếu sử dụng tiền hiệu quả

Đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ, vừa được tổ chức tại Hà Nội.

02/04/2016
Hai lúa góp tiền bơm nước cứu lúa Hai lúa góp tiền bơm nước cứu lúa

Trước tình hình hạn mặn diễn ra ngày càng gay gắt, để cứu hàng nghìn ha lúa đông xuân chuẩn bị thu hoạch, một số nông dân huyện Tiểu Cần, Trà Vinh đã cùng nhau góp vốn bơm nước, đắp kênh.

02/04/2016