Hai lúa góp tiền bơm nước cứu lúa
Góp tiền cứu lúa
Đứng trên ruộng lúa nhà mình, bà Thạch Thị Lùn, ngụ ấp Trung Tiến, xã Tân Hùng vui ra mặt: “Hiện lúa của tôi đã gần chín, chờ vài ngày nữa là thu hoạch được 3.000m2 lúa đông xuân. Tuy năng suất không bằng những năm trước nhưng có thể hoà vốn đầu tư ban đầu”.
Theo bà Lùn, thời gian qua, nhờ cán bộ ấp vận động, bà đã cùng nhiều hộ dân lân cận hùn tiền để đắp những đoạn kênh mương, bơm chuyền nước lên mới cứu được những diện tích lúa đang có. Cũng như bà Lùn, nhờ hùn vốn bơm chuyền nước mà gia đình ông Nguyễn Văn Thòn cứu được 4.000m2 lúa đông xuân, ước năng suất đạt khoảng 700kg/1.000m2. Còn gia đình ông Trương Văn Tươi cứu được 1,2ha trong tổng số 1,5ha gieo sạ và cho năng suất ước đạt 500kg/1.000m2…
Ông Trương Văn Giảng - Trưởng ban nhân dân ấp Trung Tiến thông tin: “Ấp Trung Tiến có khoảng 30ha lúa được cứu. Có được kết quả này là do nguồn nước được bơm chuyền sông lớn Cần Chông vào kênh mương nội đồng Út Thòn. Từ kênh nội đồng này, bà con tiếp tục đặt máy bơm vào ruộng lúa của từng hộ gia đình”.
"Cùng với mô hình hùn vốn của nông dân, ngành nông nghiệp địa phương đã bỏ ra hàng tỷ đồng để nạo vét kênh mương, khai thông nguồn nước phục vụ sản xuất. Huyện cũng đang phân công cán bộ trực kiểm tra độ mặn trong nội đồng, đồng thời khẩn trương thống kê thiệt hại của bà con để có hướng hỗ trợ kịp thời trong thời gian tới”.
Ông Trần Văn Quân
“Người dân sẵn lòng đóng góp, không đủ sẽ góp thêm. Cụ thể, mỗi hộ dân góp 70.000 đồng cho 1.000m2 đất lúa, số tiền này sẽ dùng vào việc mua dầu, thuê người trực bơm nước (5 ngày bơm truyền 1 lần). Nếu không có mô hình này, hàng chục ha lúa của bà con xem như mất trắng” - ông Giảng nói.
Cũng theo ông Giảng, đúng ra với mô hình hùn vốn trên, năng suất lúa của bà con sẽ được đảm bảo, không giảm so với năm trước nhưng do bản thân nước bơm chuyền lên là nước mặn từ 0,8‰ trở lên, một số diện tích lúa ở khu vực gò cao, nước không “bò” tới được nên bị giảm một phần năng suất.
1.669ha lúa được cứu
Anh Hồ Công Quẩn - cán bộ nông nghiệp xã Tân Hùng cho biết: “9/9 ấp trên địa bàn xã có diện tích lúa đều bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Ngoài ấp Trung Tiến, một số ấp lân cận, bà con cũng tự hùn vốn hoặc cá nhân tự bỏ tiền túi để bơm nước cứu ruộng lúa của các hộ trong cùng cánh đồng, sau đó sẽ thu tiền của người dân từ từ”.
Ngoài xã Tân Hùng, người dân các xã lân cận như Tạp Ngãi, Ngãi Hùng, Tân Hòa… đều áp dụng mô hình hùn vốn, bơm chuyền nước cứu lúa. Theo đó, mỗi xã sẽ có 1 hoặc 2 điểm bơm nước. Ngành nông nghiệp huyện Tiểu Cần cho biết, nhờ mô hình này mà huyện đã cứu được hàng nghìn ha lúa đông xuân.
“Từ tháng 12.2015, theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, có đến 2.369ha lúa có nguy cơ bị mặn tấn công, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất. Thế nhưng đến nay, thống kê cho thấy chỉ có 700ha bị ảnh hưởng, thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau. Sở dĩ 1.669ha được cứu là do người dân đoàn kết một lòng trong việc thực hiện mô hình góp vốn để bơm chuyền nước vào ruộng” – ông Trần Văn Quân – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiểu Cần nói.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020.
Xuất phát là 1 hộ nghèo “rớt mồng tơi”, được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), vợ chồng anh Lường Văn Phớ không chỉ nâng cao đời sống cho gia đình mà còn giúp bà con trong bản cùng vượt khó.
Tốt nghiệp đại học nhưng chàng thanh niên Bùi Gia Định (SN 1989) lại có đam mê làm nông nghiệp an toàn. Trang trại của Định nằm ở giữa cánh đồng bao la ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (Hà Nội).