Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thực Trạng Canh Tác Hồ Tiêu Tại Xã Đăk NDrót

Thực Trạng Canh Tác Hồ Tiêu Tại Xã Đăk NDrót
Ngày đăng: 26/08/2013

Cây hồ tiêu đã từng được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân xã Đăk N’Drót, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông. Vậy mà giờ đây, người trồng tiêu trong xã đang lâm vào tình cảnh mất ăn, mất ngủ vì cây hồ tiêu bị bệnh hàng loạt. Nhiều hộ trồng tiêu đang lỗ lực tìm đủ mọi cách chạy chữa nhưng vẫn không có hiệu quả, nên đành ngậm ngùi nhìn vườn tiêu chết dần.

Thực trạng canh tác tiêu

Theo thống kê của UBND xã Đăk N’Drót, năm 2012, toàn xã có 400 ha hồ tiêu, trong đó tiêu kinh doanh 160 ha, tiêu trồng mới và tiêu đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản là 240 ha. Năng suất trung bình đạt 2 tấn/ha. Nhưng qua 6 tháng đầu năm 2013, diện tích cây hồ tiêu tăng lên 520 ha (tăng 30% so với năm 2012). Việc phát triển cây hồ tiêu một cách ồ ạt và không theo quy hoạch làm cho người dân gặp phải những rủi ro rất lớn trong sản xuất.

Thực tế cho thấy, cây tiêu chỉ mới phát triển mạnh trong vài năm gần đây, hơn 60% diện tích đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, diện tích còn lại độ tuổi từ 4 đến 15 năm nhưng đã có biểu hiện vàng lá. Trong 12 thôn của xã Đăk NDrót, thôn 3 là thôn có diện tích tiêu bị bệnh nhiều nhất xã, khoảng 25 ha. Hiện tại, hầu như tất cả các vườn trong thôn đều có cây bị bệnh vàng lá chết chậm và chết nhanh.

Chỉ vào những trụ hồ tiêu đã chết hẳn và những trụ có dấu hiệu nhiễm bệnh, ông Bùi Thanh Huyền than thở: “Nhà tôi có 1,8 ha tiêu, những năm trước, mỗi trụ cho thu hoạch 7-8 kg. Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng loại cây khó tính này, tôi có thể chẩn đoán chính xác hầu hết các bệnh trên cây tiêu. Thế nhưng chưa bao giờ thấy tiêu chết nhiều và nhanh như thời gian gần đây. Vườn nhà tôi bị chết hơn 10% số trụ, hầu hết các trụ bị chết đều nằm trên rãnh nước chảy. Đó là chưa kể số trụ phát hiện bệnh kịp thời, đã xử lý thuốc theo hướng dẫn của cán bộ BVTV nhưng không biết có cứu vãn được không”.

Còn anh Đặng Hữu Thêm, thôn 3, xã Đăk N’Drót cho biết:“Một ha tiêu từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch tốn không biết bao nhiêu tiền của và mồ hôi nước mắt, vậy mà giờ đây, mới bước vào thu bói tiêu đã bị bệnh chết hàng loạt, nhìn nhìn vườn tiêu lòng tôi như lửa đốt, nhưng đành bất lực”

Nguyên nhân

Trong xã Đăk N’Drót có khoảng 80% số hộ trồng tiêu là sử dụng trụ gỗ. Vô tình thúc đẩy việc khai thác gỗ làm kiệt quệ rừng đầu nguồn. Ngoài ra, còn gây ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của vườn tiêu nếu như chủ hộ không trồng thêm cây che bóng, chắn gió trong vườn. Có những hộ còn sử dụng lại trụ cũ từ những vườn tiêu bị bệnh mà không qua xử lý, đây là nơi tiềm ẩn mầm bệnh, tuyến trùng… rất cao.

Khâu chọn đất và xử lý đất chưa được người dân chú trọng, có nhiều hộ trồng tiêu ngay cả trên diện tích đất trũng, không thoát nước, trong khi đó lại đào hố quá sâu và không có hệ thống mương thoát nước. Thậm chí có những hộ sau khi nhổ bỏ cây cà phê liền đào hố trồng tiêu, có những vườn tiêu bị bệnh không qua thời gian cách ly, xử lý mầm bệnh mà được người dân tái canh ngay. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm tuyến trùng, rệp sáp và chết nhanh là rất cao.

Hầu hết các hộ có tiêu bị chết đều chưa nắm vững quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, không áp dụng IPM trên đồng ruộng, bón phân không cân đối, bón không đúng cách, không sử dụng phân hữu cơ mà bón quá nhiều phân hóa học. Điều đó không những gây lãng phí tiền của mà còn làm cho môi trường nước, đất có nguy cơ bị ô nhiễm rất cao.

Việc phát triển hồ tiêu ồ ạt dẫn đến các cơ sở cung cấp giống có uy tín không đáp ứng đủ nhu cầu, một số cơ sở ươm giống tự phát có cơ hội phát triển và cung cấp giống không rõ nguồn gốc, giống kém chất lượng cho người dân. Điều này dẫn đến các vườn tiêu mới trồng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao và người trồng tiêu sẽ không chỉ bị thiệt hại về kinh tế mà còn khiến bệnh lây lan từ vườn này sang vườn khác. Một nguyên nhân khác khiến nhiều vườn tiêu bị bệnh khảm lá, đó là: người dân khi cắt dây tiêu không xử lý dụng cụ, cắt dây khi trời đang mưa nên làm lây lan bệnh vi rút.

Một số vườn tiêu được trồng trên vùng đất trũng, mực nước ngầm thấp, tỉ lệ sét cao nên tiêu thường bị úng khi trời mưa.

Do chưa nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu, nhất là những hộ dân tộc thiểu số nên việc phòng trừ sâu bệnh cho tiêu không đúng cách. Các loại rệp sáp, tuyến trùng bùng phát thành dịch, chích hút rễ cây, làm bộ rễ bị tổn thương. Vào mùa mưa khi nhiệt độ thấp, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho các loại bào tử nấm nằm trong đất nảy mầm và xâm nhập gây hại trên cây tiêu.

Việc lạm dụng phân hóa học, không chú trọng bổ sung phân hữu cơ cũng là nguyên nhân khiến nhiều vườn tiêu bị bệnh.

Bài học kinh nghiệm

Việc chạy theo cái lợi trước mắt mà không tính đến hệ lụy về sau có thể khiến các hộ trồng tiêu đối diện với rủi ro rất cao như: tiêu chết hàng loạt, chi phí sản xuất tăng cao, chất lượng nông sản kém. Điều đó dẫn tới trong tương lai người dân phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương xã cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như:

Tăng cường kiểm soát các cơ sở giống nhằm hạn chế tối đa tình trạng cung cấp giống kém chất lượng cho người dân.

Cần vận động, khuyến khích người dân trồng tiêu leo bám trên trụ sống, bón nhiều phân hữu cơ và sử dụng các chế phẩm sinh học như trichoderma, Metharizhum… nhằm bảo vệ môi trường sinh thái trong vườn, hạn chế tiêu bị bệnh.

Mở thêm các lớp tập huấn hướng dẫn cho người dân về IPM trên cây tiêu, kỹ thuật thâm canh hồ tiêu theo hướng bền vững, nhất là khâu chọn giống, xử lý giống và phòng trừ sâu bệnh hại.

Nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển cây hồ tiêu, xác định rõ vùng nào trồng tiêu hiệu quả nhất, trồng giống nào là phù hợp với địa phương. Tránh tình trạng canh tác tự phát, trồng - chặt vô tội vạ như hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp Gà – Cá Sấu Cách Làm Sáng Tạo Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp Gà – Cá Sấu Cách Làm Sáng Tạo

“Thấy những sản phẩm thải ra từ trại gà phải vứt đi nghĩ cũng uổng phí”, anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương) mang niềm trăn trở đi tìm một mô hình chăn nuôi kết hợp “đặng làm sao tận dụng được nguồn thức ăn phong phú từ trại gà”!

29/06/2013
Giữ Rừng Cho Con Cháu Mai Sau Giữ Rừng Cho Con Cháu Mai Sau

Gặp chúng tôi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thanh Nưa, ông Vi Văn Nhọt phấn khởi khoe về mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh. Tuy là tự phát nhưng được duy trì và phát triển hiệu quả là nhờ tinh thần lao động hăng say, ý thức trách nhiệm, lòng kiên trì không ngại vất vả của tất cả các hội viên trong chi hội. Điều đó mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho người dân Hạ Thanh và là tấm gương trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

29/06/2013
Phát Triển Kinh Tế Nhờ Mô Hình Chăn Nuôi Vịt Phát Triển Kinh Tế Nhờ Mô Hình Chăn Nuôi Vịt

Sau 10 năm lên Điện Biên lập nghiệp, nhờ mô hình chăn nuôi, đến nay gia đình anh Phan Văn Chung ở đội 4, khu Pom Lót, xã Sam Mứn huyện Điện Biên đã có cơ ngơi khang trang. Gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá trong vùng.

29/06/2013
Người Biết Làm Giàu Nơi Biên Giới Người Biết Làm Giàu Nơi Biên Giới

Được ông Mào Văn Đào, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Nhé giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Chang Váng Sinh dân tộc Hà Nhì ở A Pa Chải, xã Sín Thầu, một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của mảnh đất vùng biên giới - nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe.

29/06/2013
Cầu Nối Giúp Hội Viên Nông Dân Làm Giàu Cầu Nối Giúp Hội Viên Nông Dân Làm Giàu

Những năm qua, Hội Nông dân xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) luôn xác định thực hiện tốt chương trình liên kết với ngân hàng chính là khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giúp nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi về lãi suất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

29/06/2013