Thực Hư Chuyện Xoài Trung Quốc Ngậm Hóa Chất
PV NNVN đã tìm hiểu thông tin xoài Trung Quốc “ngậm hóa chất” NK về nước đội lốt xoài Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII Lào Cai, tỏ ra bất ngờ trước những thông tin này.
Ông Nguyễn Văn Tuân cho biết: Cửa khẩu Lào Cai là nơi NK nhiều mặt hàng nông sản vào VN, trong đó có các loại hoa quả của TQ như quýt quả tươi, táo tây, dâu tây quả tươi, lựu quả tươi...
Theo thống kê từ đầu năm đến nay tại cửa khẩu Lào Cai số lượng nông sản thực phẩm NK vào Việt VN qua kiểm dịch tới ngày 31/3/2014 là 4.954 tấn, trong đó số lượng hoa quả NK thực hiện kiểm dịch bao gồm: Lựu quả tươi 89 tấn, nho quả khô 20 tấn, dâu tây quả 5 tấn, táo quả tươi 590 tấn, quýt quả tươi 54 tấn, cam quả tươi 40 tấn...
Trong số hoa quả tươi NK chính ngạch qua cửa khẩu Lào Cai không hề có mặt hàng xoài quả tươi, đặc biệt càng không có việc NK mặt hàng này qua con đường tiểu ngạch theo chân các cư dân buôn bán.
Ông Tuân khẳng định: Hàng hoá nông sản qua cửa khẩu Lào Cai đều được lấy mẫu kiểm dịch và kiểm tra lượng tồn dư thuốc BVTV, hoá chất. Những lô hàng nào phát hiện lượng hoá chất quá ngưỡng cho phép đều buộc trả lại nơi xuất xứ.
"Phía TQ hiện cũng đang NK các loại xoài của VN, nên không có chuyện “xoài TQ tắm hoá chất” NK vào VN qua cửa khẩu Lào Cai", ông Tuân nói chắc nịch.
PV NNVN đã tới một số chợ buôn bán hoa quả từ Lào Cai tới Yên Bái, các chủ hàng đều khẳng định hiện nay không có xoài TQ bán.
Bà Chi và những người buôn bán hoa quả ở chợ Yên Thịnh đều khẳng định thông tin “xoài TQ tắm hoá chất” không đáng tin cậy, thông tin đó chỉ làm khổ người SX và người tiêu dùng.
Bà Chi ở chợ Yên Thịnh (TP Yên Bái) cho biết: Chúng tôi buôn bán hàng hoa quả tại đây từ nhiều năm nay, người tiêu dùng đã biết phân biệt hoa quả VN với hoa quả TQ. Từ đầu năm nay tôi và nhiều bạn hàng ở đây chưa bán xoài TQ. Vừa rồi TQ băng giá kéo dài hàng tháng như vậy làm gì có xoài để bán?
Sáng sớm 31/3, PV NNVN cũng đã khảo sát tại chợ đầu mối nông sản Long Biên (Hà Nội).
Tại đây, các kho hàng kinh doanh hoa quả đang giai đoạn tập kết xoài với số lượng lớn.
Theo quan quan sát, hầu hết xoài tập kết về chợ là xoài xanh, được đóng vào các thùng nhựa bọc giấy báo, còn tươi nguyên cuống lá.
Trong vai người đi mua hoa quả về bán lẻ, chúng tôi gạ hỏi xem xoài tập kết về đây có phải là xoài TQ hay không, một chủ đại lý ở đây ra giá 15.000 đ/kg rồi nhìn tôi vẻ lạ lẫm thắc mắc: “Chú mới đi buôn hoa quả hay sao thế? Mùa này làm gì có xoài Trung Quốc nào...”.
Bà chủ này giải thích thêm: Xoài về chợ đầu mối Long Biên thỉnh thoảng vẫn có xoài TQ (xoài giòn, ăn xanh), nhưng số lượng thường không đáng kể. Đặc biệt do xoài TQ không thơm ngon như xoài miền Nam, giá lại cao nên từ nay đến hết tháng 6, gần như không có lô xoài TQ nào nhập về.
Trao đổi với PV Báo NNVN về thông tin xoài được ủ chín bằng “đất đèn”, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, cho biết: “Đất đèn” (canxi cacbua) mặc dù hiện nay không có trong danh mục hóa chất sử dụng trong bảo quản hoa quả tại Việt Nam, nhưng chất này đã được nông dân nước ta sử dụng từ rất lâu và gần như là một biện pháp thông dụng trong ủ chín trái cây. Về bản chất, khí Acetilen sinh ra khi “đất đèn” tác dụng với hơi nước (có tác dụng làm trái cây mau chín) nếu được đốt cháy thì không độc hại gì.
Tuy nhiên, do “đất đèn” thường được khai thác tự nhiên nên một số ít nước đã cấm sử dụng chất này làm chất bảo quản hoa quả vì họ cho rằng hoa quả sẽ có nguy cơ nhiễm các tạp chất kim loại nặng trong “đất đèn”. Nhưng rất nhiều nước hiện nay vẫn cho phép sử dụng chất này để ủ chín hoa quả.
Anh Lê Văn Phúc, một lái xe lâu năm chuyên chở hàng hoa quả (thanh long, xoài, dưa hấu, ớt...) cho các chủ hàng từ miền Nam ra Hà Nội và lên các cửa khẩu Lạng Sơn XK sang TQ cũng cho biết: "Hiện miền Nam đang bắt đầu mùa xoài chính vụ nên đa số xoài chuyển ra Hà Nội là xoài xanh.
Đối với xoài tượng, xoài cát thích hợp ăn chín, nếu chủ hàng ở Hà Nội yêu cầu đặt hàng xoài chín, chỉ có xoài thu hoạch còn xanh (như đầu vụ), các chủ hàng phía Nam mới phải cho vào các thùng xoài ít đất đèn khi đóng thùng để đảm bảo trong thời gian vận chuyển ra Bắc, xoài sẽ chuyển sang chín ngả vàng.
Còn đối với các loại xoài giòn, thích hợp ăn xanh như xoài Tứ Quý, xoài Đài Loan, xoài Thái Lan..., khi thu hoạch sẽ được đóng thùng, không cần phải ủ đất đèn, lá và cuống vẫn còn tươi nguyên khi ra tới Hà Nội".
Khi được hỏi về xoài Trung Quốc, anh Phúc ngạc nhiên: “Tôi chở hàng hoa quả này từ Nam ra Bắc quanh năm, kể cả lên Lạng Sơn nên rành lắm. Thời điểm này vẫn có xoài Thái Lan, loại xoài chuyên ăn xanh chuyển về do Thái Lan cũng có mùa xoài giống miền Nam, nhưng số lượng cũng không nhiều. Còn xoài Trung Quốc thì nghe nói cũng có như số lượng hình như rất ít”.
Liên lạc với chị Hoàng Thị Thoa, một chủ buôn hoa quả lớn tại Khu kinh tế cửa Tân Thanh (Lạng Sơn), chị Hoa tiết lộ: "Xoài Trung Quốc vẫn có nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh, nhưng số lượng rất ít. Hiện tại mỗi ngày chỉ nhúc nhắc một xe ô tô nên gần như không đáng kể".
“Xoài Trung Quốc quả rất to, có quả tới hàng kilogam nhưng ăn không ngọt, không thơm nên nhập về rất khó bán, vì thế các chủ buôn chỉ nhập về chủ yếu từ tháng 6, tháng 7 âm lịch trở đi đến khoảng tháng 10 âm lịch do lúc đó xoài miền Nam chưa có mùa, chứ từ khoảng tháng 11 đến tháng 6 âm lịch năm sau thì nhập về không đáng kể”, chị Hoa cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt, việc người nông dân đưa nhiều giống cây, con đặc sản vào nuôi, trồng không phải là chuyện hiếm gặp.
Giá heo hơi giảm ở mức thấp, người chăn nuôi heo liên tiếp thua lỗ nặng trong thời gian qua. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2013, giá heo hơi chỉ còn 3,3-3,7 triệu đồng/tạ và duy trì trong thời gian dài và tăng lên mức 4,7-4,9 triệu đồng/tạ vào những tháng cuối năm.
Với mục đích giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, góp phần giảm chi phí đầu vào, hạn chế sâu bệnh hại, tăng năng suất cây tiêu… Trạm Khuyến nông huyện Chư (Gia Lai) Sê phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND các xã Dun, Ia Tiêm thực hiện “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel kết hợp bón phân qua nước cho cây hồ tiêu”.
Các giống lúa được Viện sản xuất thuộc nhóm giống lúa chủ lực, nhóm giống lúa nếp và thơm, nhóm giống lúa chất lượng cao và nhóm giống lúa chống chịu mặn phục vụ bố trí sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo đề nghị của Cục Trồng trọt, các doanh nghiệp đang thực hiện cánh đồng lớn ở ĐBSCL, Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Trang trại 5 ha cây - con khép kín ở thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương (Lâm Đồng) không chỉ là nơi trao đổi kinh nghiệm của nông dân quanh vùng, mà còn là nơi nghiên cứu thực tế của sinh viên nhiều trường đại học trong nước.