Thúc đẩy nông nghiệp vùng khó vươn lên
Hơn 200 gian hàng bày các mặt hàng nông lâm, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, làng nghề, hàng tiêu dùng... góp mặt tại đây. Đây là hội chợ thứ 3 trong chuỗi 8 hội chợ và là sự kiện thứ 15 trong chuỗi 30 sự kiện khuyến nông trung ương năm 2016 đã được Bộ NNPTNT phê duyệt.
Tạo động lực để vượt khó khăn
Hội chợ triển lãm Nông nghiệp – Thương mại vùng Bắc Trung Bộ năm 2016 có sự tham gia của các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm các tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước... Đây là hoạt động được tổ chức thường niên hàng năm nhằm giới thiệu, quảng bá những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ trong quá trình phát triển sản xuất, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đây là cơ hội thuận lợi để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và bà con nông dân gặp gỡ trao đổi, giao lưu hợp tác, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chất lượng.
“Để phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành đã tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn Bắc Trung Bộ có cơ hội vươn lên. Cơ cấu sản xuất, cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ trong vùng đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các tiến bộ về giống và khoa học kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
Từ thực tiễn cho thấy, ngành nông - lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã thể hiện vai trò nhất định và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của vùng (khoảng 38%), góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc...” - TS Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết.
Giúp nông dân mở mang kiến thức
Hội chợ triển lãm Nông nghiệp – Thương mại vùng Bắc Trung Bộ lần này được tổ chức rất quy mô và mức độ xứng đáng tầm cỡ của một hội chợ cấp vùng miền với trên 200 gian hàng, trong đó có trên 80 gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của các địa phương.
Bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hội chợ còn tổ chức nhiều hoạt động phong phú và thiết thực như: Triển lãm, giới thiệu thành tựu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Nghệ An và các tỉnh, các đơn vị kinh tế lớn trong vùng; trưng bày, giới thiệu các máy móc, thiết bị do nông dân phát minh, sáng chế...
Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh, tuy nhiên sản xuất nông lâm nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Quy mô sản xuất của nông hộ nhìn chung còn manh mún, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều; nhiều nơi tỷ suất hàng hóa còn thấp, mức độ giao thương còn kém, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc còn cao nhất so với các vùng khác trong cả nước.
Bắc Trung Bộ là vùng có khí hậu khắc nghiệt. Nhiệt độ luôn có xu hướng tăng, số đợt nắng nóng tăng lên khiến tình trạng hạn hán ở vùng này vốn đã khắc nghiệt, nay càng khắc nghiệt hơn; đồng thời số trận mưa lớn tăng lên làm sạt lở đất và gây lũ quét, lũ lụt.
Ngành nông nghiệp vùng này cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng khô hạn, nhiều diện tích không thể canh tác được. Lần đầu tiên, trong năm 2015 tỉnh Nghệ An đã phải công bố thiên tai hạn hán.
TS Trần Văn Khởi cho biết thêm: Để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của vùng, đồng thời khắc phục giải quyết những hạn chế thách thức, nhằm đưa kinh tế nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ phát triển nhanh, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, cần kiên trì thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và sản lượng nông sản hàng hóa.
Đồng thời cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm cung cấp thông tin thị trường, tạo điều kiện cho nông dân trực tiếp giao lưu, nắm bắt thông tin thị trường, mở mang kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, chủ động hội nhập quốc tế để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thực hiện dự án cho hộ nghèo mượn vốn nuôi bò từ Quỹ Vì người nghèo của huyện, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, khi tham gia nuôi tôm cộng đồng, trong quá trình nuôi các hộ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho nhau để chăm sóc tôm tốt hơn.
Trong khi nhiều người đua nhau trồng rừng kinh tế, anh nông dân Phan Thanh Nhàn ở xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại làm việc ngược lại là... phá hàng chục ha rừng keo để đưa cây sim hoang dại về trồng.