Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nuôi tôm nước lợ cộng đồng

Nuôi tôm nước lợ cộng đồng
Tác giả: LÂM QUANG HUY
Ngày đăng: 07/07/2016

Nuôi tôm nước lợ vùng cửa sông của thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập cao. Thành phố chủ trương phát triển nuôi tôm nước lợ như một hướng đi trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Nuôi thâm canh

Ông Nguyễn Sĩ Trong, Trưởng phòng Kinh tế TP Đông Hà cho biết, chủ trương của thành phố là tiếp tục tận dụng, khai thác tối đa diện tích mặt nước hiện có để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn khoảng 105ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 55ha, 50ha nuôi cá nước ngọt.

Năm nay là năm thứ 6 liên tiếp, HTX Đông Giang 2, phường Đông Giang được mùa tôm sú. Với diện tích 20ha ao nuôi trên tổng số 50 hộ dân tham gia, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ nuôi tôm lãi ròng khoảng 200 - 300 triệu đồng, trong đó hộ lãi cao nhất gần 500 triệu đồng.

Điểm nhấn trong nuôi tôm vùng nước lợ của Đông Hà là sự liên kết, hỗ trợ giữa các hộ với nhau nên năng suất, sản lượng tôm nuôi đều cao hơn so với nuôi nhỏ lẻ trước đây.

Vụ tôm vừa qua, với 4,2 triệu tôm giống, sau hơn 3 tháng nuôi, tổng sản lượng tôm đạt trên 60 tấn, doanh thu 26 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, một số hộ lãi lớn như hộ ông Hoàng Văn Cường lãi trên 250 triệu đồng, Lê Văn Vũ lãi 300 triệu đồng, Hoàng Kim Thìn lãi gần 400 triệu đồng...

Ông Hoàng Đình Anh, Giám đốc HTX Đông Giang 2 cho biết, một trong những yếu tố quyết định thành công trong nghề nuôi tôm là phát huy tính cộng đồng, tránh tình trạng tự phát. Trước đây, nhận thấy lợi thế địa hình gần nguồn nước sông Hiếu, diện tích ao hồ nhiều nên nhiều hộ dân đã cải tạo ao hồ, ruộng đồng để phát triển nghề nuôi tôm. Tuy nhiên do nuôi nhỏ lẻ, việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật còn hạn chế nên có vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hộ nuôi gần như mất trắng.

Nhận thấy nuôi tôm theo hình thức này kém hiệu quả, khó áp dụng đúng kỹ thuật, dịch bệnh thường xuyên đe dọa làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tôm thương phẩm, nên HTX Đông Giang 2 chuyển sang mô hình nuôi tôm thâm canh trên cơ sở phát huy tính cộng đồng.

Theo đó, tất cả các hộ nuôi thống nhất chia sẻ kinh nghiệm từ khâu chọn giống, biện pháp chăm sóc đến cách phòng chống dịch bệnh. Các khâu đều được thực hiện triệt để, đồng loạt để đảm bảo mỗi hộ tham gia đều nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các thành viên khác.

Các thành viên nuôi tôm đều được tham gia các lớp tập huấn về nuôi tôm an toàn, bền vững thông qua các kênh khuyến nông, khuyến ngư... Nhờ vậy, trong 5 năm liên tiếp, khi các địa phương trong tỉnh tôm nuôi bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì các hộ nuôi tôm ở HTX Đông Giang 2 đều được mùa tôm.

Ba yếu tố cơ bản

Theo ông Hoàng Đình Anh, cần đảm bảo 3 yếu tố cơ bản trong nuôi tôm gồm môi trường, con giống và quy trình kỹ thuật. Trước mỗi vụ nuôi, các hộ thống nhất cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, lấy nguồn nước từ sông Hiếu một lần duy nhất để đảm bảo độ mặn.

Sau đó thực hiện cấp nước ngọt bổ sung cho ao tôm từ kênh mương thủy lợi để hạn chế nguồn dịch bệnh xâm nhập. Cái quan trọng nhất nuôi theo kỹ thuật lấy nước nguồn sông Hiếu một lần là hạn chế được dịch bệnh lây lan theo nước sông.

Đặc biệt, khi tham gia nuôi tôm cộng đồng, trong quá trình nuôi các hộ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho nhau để chăm sóc tôm tốt hơn. Riêng trong việc chọn con giống, các hộ nuôi thống nhất mua con giống tại các trại nuôi uy tín của tỉnh Ninh Thuận. Sau khi nhập nguồn giống về không thả nhỏ lẻ theo từng hộ riêng biệt mà thả đồng bộ tại tất cả các ao nuôi vào một thời gian nhất định.

Hiện tại vụ nuôi tôm này ở Đông Hà đã thả nuôi được hơn hai tháng, còn gần một tháng nữa sẽ cho thu hoạch tôm. Đây là vụ chính nên bà con nuôi chủ yếu tôm sú. Sau khi thu hoạch vụ chính bà con nông dân sẽ xử lý ao hồ và nuôi tiếp tôm thẻ chân trắng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND TP Đông Hà khẳng định, mô hình nuôi tôm cộng đồng vùng nước lợ ven cửa sông đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở những kết quả đạt được, UBND đang mở rộng thêm diện tích nuôi tôm để tăng thu nhập cho người dân. Khuyến khích các hộ nuôi tiếp tục phát huy tính cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật, bảo vệ môi trường, qua đó phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững.

Nuôi tôm luôn gặp nhiều rủi ro nhưng với kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của các hộ nông dân, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ngành chuyên môn, ngành nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố Đông Hà đã đạt được những kết quả khả quan. Đây chính là điều kiện để thành phố nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và cải thiện thu nhập cho một bộ phận người dân.


Có thể bạn quan tâm

Long Xuyên (An Giang) phát triển diện tích sản xuất rau an toàn Long Xuyên (An Giang) phát triển diện tích sản xuất rau an toàn

Trước thực trạng rau quả ô nhiễm do sử dụng hóa chất độc hại để phun tưới nông sản gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, TP. Long Xuyên (An Giang) đã có những bước đi đúng đắn khi thực hiện tốt các vùng sản xuất rau màu an toàn, đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng chất lượng.

07/07/2016
Hà Nội: Xây dựng thương hiệu Đặc sản gà đồi Ba Vì Hà Nội: Xây dựng thương hiệu Đặc sản gà đồi Ba Vì

Trong những năm qua chăn nuôi gia cầm nói chung, chăn nuôi gà đồi nói riêng của huyện Ba Vì (Hà Nội) khá phát triển.

07/07/2016
Dự án nuôi bò giúp người dân thoát nghèo Dự án nuôi bò giúp người dân thoát nghèo

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thực hiện dự án cho hộ nghèo mượn vốn nuôi bò từ Quỹ Vì người nghèo của huyện, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

07/07/2016