Thức ăn của nhím
Thức ăn của nhím không cầu kỳ. Đa số các loài động vật hoang dã đều ăn tạp, nhưng chắc không có loài nào biết ăn tạp bằng nhím. Có lẽ nhờ vào khả năng ăn tạp này nên nhím mới tăng trọng nhanh.
Được biết, trong năm đầu nhím có thể mỗi tháng tăng trọng thêm một kí. Từ năm thứ hai trở về sau sức lớn của chúng chậm lại, vì vậy, dù đến già đời con nhím châu Á cũng chỉ nặng đến mức tối đa 25kg mà thôi. Trong khi đó một số loài động vật khác, sức lớn lại tỷ lệ thuận với tuổi tác của chúng.
Nhờ vào khả năng ăn tạp nên quanh năm không có mùa nào nhím bị thiếu thức ăn đến nỗi phải chịu đói khát, kể cả mùa nắng hạn. Thức ăn của nhím rất đa dạng. Nó ăn được các thứ lá cây và các loại rau cỏ trong rừng. Chúng không chỉ thích khẩu với mầm cây mà cả các loại rễ cây lớn nhỏ, cứng mềm, nhím đều đào bới lên ăn hết.
Vào rừng, thấy những gốc cây bị đào bới lên thành hang hốc thì ai cũng biết thủ phạm không ai khác ngoài nhím. Vì chính chúng mới có khả năng đào bới như vậy dể moi móc rễ cây bên dưới lên ăn.
Tất cả những thứ củ quả dại trong rừng dù có vô vị và đắng chát mà các loài thú khác đều chê, nhím vẫn ăn ngon lành. Còn các loại rau củ quả do người trồng ở các nương rẫy ven rừng nhím lại càng thích ăn hơn nữa. Đến bãi ăn, cả bầy nhím lăn xả vào đào bới, cắn phá tan hoang ăn lấy ăn để như từng bị nhịn đói lâu ngày.
Chính vì tính háu ăn và tạp ăn đó của nhím nên người dân chuyên sống với nghề nương rẫy cạnh rừng đều liệt chúng vào loại thú phá hại mùa màng, tai hại không thua gì heo rừng.
Nhím cũng ranh ma, thoắt ẩn thoắt hiện như heo rừng. Chỉ ban đêm, nhất là những đêm tối trời chúng mới tìm đến các nương rẫy để tàn sát các ruộng mạ, ruộng bắp, nương khoai sắn và tất cả các loại cây trồng khác. Ăn hết phần ngọn bên trên, chúng lại đào bới tận gốc rễ để moi hết củ rễ lên mà ăn cho thỏa thích…
Quả thật cách ăn của nhím không khác gì heo rừng: vừa ăn vừa phá. Và hai loài thú hoang này cũng thường đi án chung với nhau.
Thật ra, cũng như heo rừng, nhím phá hại mùa màng thì nhiều chứ chúng ăn đâu hết bao nhiêu. Một con nhím trưởng thành cân nặng cả chục kí, mỗi ngày chỉ có 3 kg thức ăn mà thôi, tức chỉ bằng 3/10 trọng lượng thân thể của nó.
Trong đời sống hoang dã ngoài thức ăn rau củ quả, nhím ăn cả côn trùng, xương động vật và cả muối khoáng có trong thiên nhiên như tro, than.
Khi nuôi nhốt trong chuồng, thức ăn dành nuôi chúng cũng rất đa dạng, dễ kiếm. Tuy vậy, ta cũng nên tìm nguồn thức ăn hội đủ những chất bổ dưỡng cần thiết để nuôi chúng, trong đó có chứa nhiều chất đạm, chất bột đường, chất béo, chất khoáng và cả vitamine nữa. Thành phần thức ăn dành nuôi nhím cần phải có đầy đủ các chất dinh dưỡng như vậy, nhím mới sống sởn sơ, khỏe mạnh để tăng trọng nhanh và sinh sản tốt.
Thức ăn bổ dưỡng cần thiết dành nuôi nhím cũng có bốn loại là: thức ăn xanh, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung và vitamine.
Thức ăn xanh
Lượng thức ăn xanh trong khẩu phần ăn của nhím chiếm số lượng lớn nhất, khoảng 90%, và là thứ có sẵn quanh năm tại nước ta ngay mùa nắng hạn cũng không đến nỗi thiếu hụt. Một phần nhờ nhím biết ăn tạp…
Thức ăn xanh dành nuôi nhím gồm nhiều loại lá cây, các thứ củ quả và cả phụ phế phẩm công nghiệp.
Trong thức ăn xanh do chứa nhiều nước, ăn ngon miệng nên nhím thích ăn và ăn được nhiều. Trong thức ăn xanh cũng có nhiều chất bổ dưỡng cần thiết như protein, đường, canxi, phosphore là những chất cần thiết cho sự sinh trưởng của nhím (và các loài vật ăn cỏ khác).
Các thứ lá
Cũng như giống dê, nhím có khả năng ăn được hầu hết tất cả các thứ cỏ lá và ăn với số lượng nhiều. Vì vậy, việc tìm kiếm cỏ lá để nuôi nhím, dù nuôi với số lượng lớn cũng không đến nỗi khó khăn vất vả lắm.
Các loại rau lang, rau muống, các thứ lá cây như lá mít, lá tre, lá chuối, lá ổi… Các loại cỏ đồng, cỏ cao sản, cỏ họ đậu… Rồi đọt mía, đọt thơm, vỏ thơm, thân và lá cây bắp… Các thứ rễ cây như rễ cau, rễ dừa, chát và cứng như củi, tưởng là bỏ đi nhím đều ăn được hết.
Các thứ củ, quả
Củ khoai lang, khoai tây, khoai môn, khoai mì (sắn), cà rốt, củ cải, và các thứ trái như bí đỏ (bí rợ), bí đao, bầu, mướp, dưa leo, chuối… đều là món ăn nhím rất ưa thích.
Thức ăn củ quả thường có vị ngon ngọt, chứa nhiều nước, vị thơm nên kích thích sự thèm ăn của nhím.
Thức ăn củ quả tuy nghèo protein và chất béo, nhưng lại chứa nhiều vitamine A, C và nhiều chất bột đường nên cần cho nhím ăn ít ra cũng đôi ba lần trong tuần. Tốt nhất, mỗi ngày nên cho nhím ăn một kí lô củ, quả, tức 1/3 khẩu phần ăn trong ngày của nó.
Các phụ phế phẩm công nghiệp
Trong trường hợp nguồn thức ăn chính là rau củ quả khan hiếm, thiếu thốn, ta có thể bổ sung thêm nguồn thức ăn là các phụ phế phẩm công nghiệp để nuôi nhím. Các phụ phế phẩm công nghiệp cho nhím ăn như hèm rượu bia, xác mì, xác đậu nành…
+ Hèm rượu bia có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều khoáng chất và sinh tố, có thể cho ăn tươi có pha trộn với cám gạo, bột bắp hay cám hỗn hợp. Chỉ có điều là ở nơi nào có nhà máy bia ta mới mua được hèm này để nuôi nhím.
+ Xác mì là phế phẩm của khoai mì (sắn) sau khi đã chắt lọc hết tinh bột, nhưng hàm lượng tinh bột cũng còn khá cao, pha trộn với cám gạo, bột bắp nuôi nhím cũng tốt.
+ Xác đậu nành là phụ phẩm của việc chế biến bột đậu nành (đậu tương) thành đậu hũ hay sữa đậu nành, có hàm lượng chất béo và protein cao, pha trộn với cám hỗn hợp, bột bắp để nuôi nhím.
Thức ăn tinh
Lượng thức ăn tinh trong khẩu phần ăn của nhím không nhiều, chỉ cần từ 5g đến 10g cho mỗi nhím trưởng thành là đủ. Thường thức ăn tinh được cho nhím ăn bố sung vào bữa tôi, sau khi được cho ăn gần no bụng với thức ăn xanh.
Thức ăn tinh rất cần thiết cho nhím mọi lứa tuổi, như nhím con ăn vào mau lớn, nhím đực tăng khả năng phối giống hăng hơn, còn nhím mang thai và nhím đang cho con bú không bị mất sức.
Nếu chỉ nuôi nhím với số lượng ít, ta nên dùng cám viên. Còn nếu nuôi nhím với số lượng nhiều thì chỉ nên pha trộn để giá thành rẻ hơn. Thức ăn tinh dành nuôi nhím có các thức ăn chính sau đây:
Cám gạo
Cám gạo là thức ăn tinh cung cấp năng lượng và chất đạm. Cám gạo có hai thứ: cám thô (còn gọi là cám to) và cám mịn (còn gọi là cám lau). Cám to còn lẫn vỏ trấu nên hàm lượng chất xơ cao hơn cám mịn, rẻ tiền hơn, nhưng bảo quản được lâu ngày hơn. Còn cám mịn có giá trị dinh dưỡng cao hơn cám to, nhưng vì nó có độ ẩm cao nên khó bảo quản, để lâu ngày sẽ bị ôi mốc, cho nhím ăn dễ bị ngộ độc.
Nuôi nhím để hạ giá thành thức ăn, ta có thể cho chúng ăn loại cám to, nhưng phải chọn thứ cám còn mới, có mùi thơm vị ngọt mới nhiều dưỡng chất.
Bột bắp
Bột bắp là thức ăn tinh có hàm lượng tinh bột cao, cung cấp năng lượng và đạm. Trong bột bắp có chứa nhiều nhất là chất khô, kế đó là protein thô, một ít khoáng chất và chất béo. Giới chăn nuôi thường chuộng bột bắp vàng vì có chứa carotène nên tốt hơn bột bắp trắng. Bột bắp là thứ nông sản rẻ tiền lại thường không bị khan hiếm trên thị trường. Ta nên nuôi nhím bằng thức ăn này, bằng cách cho ăn sống, trộn chung với cám gạo, tấm gạo, lúa nảy mầm, phụ phẩm công nghiệp…
Thức ăn bổ sung
Thức ăn bổ sung trong khẩu phần ăn của nhím chỉ với số lượng nhỏ gồm chất khoáng, chất béo và vitamine. Tuy số lượng cần không lớn nhưng không thể thiếu được, vì như ta đã biết thức ăn chủ yếu nuôi nhím là thức ăn xanh có nguồn gốc thực vật nên từ chất khoáng, chất béo đến vitamine đều thiếu đến mức không bổ sung không được đối với nhím nuôi chuồng.
Chất khoáng
Cần cung cấp vào khẩu phần thức ăn của nhím là phosphore (P) và calci (Ca). Phosphore có nhiều trong bột xương và calci có nhiều trong bột sò. Hai thứ khoáng chất này ngoài thị trường lúc nào cũng có sẵn và bán với giá rất rẻ. Trong khẩu phần ăn của nhím trưởng thành chỉ cần 1g P và 1g Ca là đủ.
Chất béo
Cung cấp nhiệt lượng và nhiệt năng cho nhím, nhờ đó mà chúng sống sởn sơ và mập mạnh được.
Nếu trong khẩu phần ăn của nhím đã có đầy đủ thức ăn tinh thì việc cho ăn bổ sung chất béo không là vấn đề đáng quan tâm nữa, vì trong cám gạo, bột bắp, đậu nành… thành phần dinh dưỡng chất béo tuy không cao nhưng cũng đủ cho nhím phát triển rồi. Nếu cần bổ sung thêm thì nên cho ăn thêm khô dầu phộng, khô dầu dừa, khô dầu đậu nành.
Vitamine
Nhu cầu của nhím về vitamine không lớn. Trong số đó vitamine A,D,E được coi là cần thiết.
+ Vitamine A có nhiều trong lá cây, rau lang, rau muống, cỏ tươi non và các loại củ quả. Vì vậy, nếu khẩu phần ăn của nhím có đầy đủ những thức ăn xanh này thì chúng không thiếu chất này.
+ Vitamine D đồng hóa chất khoáng, giúp bộ khung xương cứng cáp. Thiếu vitamine D nhím con bị còi xương, chậm lớn, đi lại khó khăn, nhím lớn xương mềm xốp, dễ gãy. Nếu chuồng nhím quay mặt về hướng đông thì nhím nuôi không sợ thiếu vitamine D, vì trong ánh nắng ban mai có tia cực tím tác động lên chất cholesterol trong mỡ sinh ra sinh tố D giúp nhím sống khỏe mạnh cả đời.
+ Vitamine E ảnh hưởng đến sự sinh sản của nhím đực, cái. Vítamine E có trong cám nhuyễn, bột bấp, khô bánh dầu, lúa nảy mầm, giá sống. Ta nên thường xuyên cung cấp cho nhím nuôi những thức ăn cần thiết này. Vì nếu thiếu Vitamine E nhím đực phối giống kém, tinh trùng yếu khiến nhím cái khó thụ thai. Còn nhím cái có thụ thai đi nữa, sau này nếu không đẻ non thì nhím con cũng bị chết yểu trong bụng mẹ.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi nhím, dù là giống hoang dã hay đã được thuần hóa nhiều đời, ta cũng phải nuôi nhốt chúng trong lồng hay trong chuồng nuôi nhím, nếu không chúng sẽ sổng mất
Với loài nhím, giống thú hoang dã nhút nhát chỉ xuất hiện vào ban đêm, vì đó là thời khắc chúng kéo cả bầy đàn đi kiếm ăn, nhưng lại kiếm ăn trong vùng yên tĩnh
tính nhím rất nhát, dù nó ở vào tuổi trưởng thành, thân mình đã to đến mười lăm, hai mươi kí lô cũng không dám gây thù chuôc oán với ai