Thừa Thiên Huế chuyển lúa sang trồng cây chịu hạn
“Nhận diện” những vùng khô hạn
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, mùa hè năm nay nắng hạn sẽ kéo dài, phức tạp hơn mọi năm. Các đợt mưa lũ cuối năm trước và đợt lũ cuối tháng 3 vừa qua, các chủ hồ chứa tranh thủ tích nước đạt cao trình thiết kế; tuy nhiên, nắng nóng kéo dài thời gian gần đây khiến mực nước tại các hồ chứa lớn, nhỏ giảm, khả năng đáp ứng nhu cầu tưới cho vụ hè thu; đặc biệt với những vùng không chủ động nguồn nước tưới sẽ gặp khó khăn.
Trước tình hình nắng hạn như dự báo, việc chuyển đổi các loại cây trồng đảm bảo chịu hạn tốt, thích ứng với thời tiết trong vụ hè thu là rất cần thiết đối với các địa phương và ngành nông nghiệp. Có thể “nhận diện” một số vùng thường xảy ra hạn hán, không chủ động nguồn nước tưới cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, là: Khu 3 (Phú Lộc), Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền), Hải Dương, Hương Phong (TX Hương Trà), Hương Hòa, Hương Sơn, Hương Giang (Nam Đông), Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Hà, Vinh Thái (Phú Vang) và một số địa phương của huyện Phong Điền...
Trong thực tế mấy vụ hè thu vừa qua, nhiều diện tích ở các địa phương từng bị bỏ hoang, hoặc phải chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác. Chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp đang tập trung vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quyết tâm không bỏ ruộng hoang. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), vụ hè thu năm nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000 ha đất trồng lúa phải chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác vì không chủ động nguồn nước tưới.
Vẫn hiệu quả
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công (Quảng Điền) Võ Đông Thi cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 50 ha không chủ động nguồn nước tưới, chỉ sản xuất lúa vụ đông xuân, còn vụ hè thu thường bỏ hoang. Vụ hè thu này, xã Quảng Công vận động người dân chuyển đổi sang trồng khoai lang đỏ, ớt, dưa hấu... Đây là các loại cây không chỉ phù hợp với các vùng đất khô hạn, mà sản phẩm còn có giá trị kinh tế.
Dưa hấu, dưa lê cũng là đối tượng phù hợp được người dân xã Quảng Công và một số địa phương có vùng cát ven biển lựa chọn đưa vào trồng trong vụ hè thu năm nay. Trên địa bàn xã Hải Dương có khoảng 30 ha không chủ động nguồn nước, phải chuyển sang trồng dưa hấu, dưa lê. Hộ anh Nguyễn Văn Cảnh ở xã Hải Dương, trồng 7 sào lúa, riêng vụ hè thu chỉ trồng 5 sào, còn lại trồng dưa hấu. Anh Cảnh cho biết, dưa hấu chịu hạn rất tốt, thích hợp với những vùng đất khô hạn. Mỗi sào dưa hấu, tính thời điểm giá thấp cũng cho thu nhập trên dưới 3 triệu đồng, gấp 2 lần trồng lúa, lúc giá cao cho thu nhập trên 5 triệu đồng.
Một số địa phương, như Phong Hiền, Phong Hòa (Phong Điền), hay Vinh Xuân, Vinh Hà (Phú Vang)... người dân chuyển đổi các diện tích lúa khô hạn sang trồng ớt trong vụ hè thu 2015. Riêng tại huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng NNPTNT huyện cho biết, diện tích gieo cấy lúa hè thu trên địa bàn huyện giảm khoảng 200 ha so với vụ đông xuân. Diện tích khô hạn được người dân chuyển sang trồng ớt, đậu lạc... Giá ớt hiện nay dù thấp, nhưng nhờ năng suất cao nên cũng có lãi. Bình quân mỗi ha ớt có thể cho thu nhập từ 100 triệu đến 120 triệu đồng, cao gấp 2,5 - 3 lần so với lúa. Đối với cây lạc dù thu nhập không cao nhưng cũng gấp rưỡi, gấp đôi so với lúa...
Cùng với việc chuyển đổi sang trồng cây khác, thời gian qua, một số đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trồng khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa mới, chống chịu rất tốt trong điều kiện hạn mặn, đổ ngã. Tại xã Hương Phong (TX Hương Trà) sản xuất thành công giống lúa chịu mặn và sẽ nhân rộng trong vụ hè thu năm nay. Hay một số giống lúa SV181, Thiên ưu 8, RG3.3, TBR117, ML48... dự kiến đưa vào gieo trồng trên một số chân đất, trong đó có các vùng đất thường khô hạn với diện tích khoảng 100ha. Các giống lúa này không chỉ đạt năng suất, chất lượng sản phẩm cao, mà còn chống chịu rất tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt…
Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NNPTNT, không nên sản xuất lúa hè thu ở những vùng khô hạn bằng mọi giá. Tổng diện tích gieo cấy lúa hè thu sẽ giảm khoảng 3.000 ha so với vụ đông xuân, đó là diện tích không chủ động nguồn nước tưới. Sở NNPTNT khuyến cáo các địa phương nên chuyển đổi các diện tích khô hạn sang trồng các loại “cây trồng cạn” có hiệu quả cao hơn. Ngành nông nghiệp, phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu, sản xuất thí điểm, khảo nghiệm một số mô hình cây trồng làm cơ sở để chuyển đổi, đưa vào sản xuất đại trà trong các vụ sau...
Có thể bạn quan tâm
Sau nhiều tháng xuất khẩu gặp khó khăn, kéo theo giá thấp, hiện tôm nguyên liệu tại ĐBSCL có dấu hiệu tăng giá khá mạnh.
Cách đây không lâu, tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận), tình trạng tôm, cá chết gây bất ngờ cho những người đang nuôi tại khu vực này. Cá, tôm chết không rõ nguyên nhân đã khiến người dân bất an và vẫn chờ đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.
Ngày 3/11/2015 tại Thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp phát triển thủy sản bền vững các tỉnh miền Trung”.
Tuy chính quyền địa phương không khuyến khích nhưng nghề lặn khai thác thủy sản ở đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) ngày càng có nhiều ngư dân tham gia...
Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp với Trạm KNKN TP. Bà Rịa triển khai dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nuôi gà ta thả vườn an toàn sinh học” tại xã Long Phước (TP.Bà Rịa). Đến nay, mô hình này bước đầu đã đạt những kết quả tốt.