Thủ Tướng Phê Duyệt Đề Án Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp

Ngày 10.6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008...
Đề án vừa được phê duyệt đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6-3%/năm trong giai đoạn 2011-2015, từ 3,5-4%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
Một trong những định hướng chung mà đề án xác định là phát triển nông nghiệp hướng tới thực hiện các mục tiêu ưu tiên về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng.
Trồng trọt theo hướng sản xuất quy mô lớn
Về tái cơ cấu trong lĩnh vực cụ thể, đối với trồng trọt sẽ theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Đề án xác định duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa; sản lượng lúa đạt trên 45 triệu tấn vào năm 2020; tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo...
Về giải pháp thực hiện các mục tiêu đề ra, đề án xác định 5 nhóm chính là: Nâng cao chất lượng quy hoạch; Khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công; Cải cách thể chế; Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách.
Cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân.
Phát triển chăn nuôi tập trung
Về chăn nuôi, đề án nêu rõ: Từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (trung du, miền núi), hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp để vừa tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân vừa hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
Chuyển hướng đánh bắt xa bờ, viễn dương
Về thủy sản, qua tái cơ cấu sẽ tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, nhuyễn thể); khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực ven biển Trung Bộ.
Giảm dần, tiến tới ổn định sản lượng khai thác thủy sản gần bờ; quản lý khai thác theo kích cỡ. Cùng với đó là chuyển khai thác bằng tàu công suất nhỏ hoạt động gần bờ sang khai thác bằng tàu công suất lớn hoạt động xa bờ, viễn dương; chuyển đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt; phát triển lực lượng kiểm ngư trên biển. Đề án vừa được phê duyệt (có hiệu lực từ ngày ký) cũng đề cập việc tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp; sản xuất muối; phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn.
Có thể bạn quan tâm

Mỹ Thọ là xã Anh hùng, thuộc huyện Phù Mỹ. Những năm qua, Mỹ Thọ đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. “Từ xóa đói, giảm nghèo, rồi từng bước vươn lên khá giàu nhờ tập trung phát triển kinh tế nông-ngư nghiệp là 2 ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”- ông Nguyễn Kim Trắc, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, khẳng định.

Quỹ Tín dụng nhân dân (QTD) thị trấn (TT) Diêu Trì hoạt động trên địa bàn TT Diêu Trì và 2 xã Phước An, Phước Thành (huyện Tuy Phước). Hoạt động của QTD đã góp phần giúp các địa phương này phát triển, kinh tế bình quân hàng năm từ 12 - 15,3%, thu nhập bình quân đầu người từ 34,5 - 40 triệu đồng/năm.

Ngày 31.8, Bộ NN-PTNT đã công bố báo cáo kết quả kiểm tra bước đầu chất tạo nạc trong chăn nuôi heo sau khi có đề nghị của Chi cục Thú y TPHCM cũng như thông tin dư luận cho rằng các doanh nghiệp, chủ trang trại và nông dân đang sử dụng bừa bãi chất tạo nạc Sbutamol, gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm rối thị trường.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp, giá trị xuất khẩu của ngành 8 tháng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 19,31 tỷ USD.

Chậm nhất là đến tháng 9.2015, Cục Thuế tỉnh phải đạt tỉ lệ 90% số doanh nghiệp (DN) nộp thuế điện tử (NTĐT) trên cả 3 tiêu chí: 90% DN đăng ký NTĐT với cơ quan thuế (CQT), 90% tổng số tiền nộp thuế trong tháng bằng phương thức điện tử và 90% số lượng chứng từ nộp thuế trong tháng được nộp bằng phương thức điện tử. Hoàn tất bước 1, ngành Thuế tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy trình, song khó khăn vẫn còn nhiều khi không ít DN chần chừ với NTĐT.