Làm giàu từ nghề nuôi cua đinh
Chịu khó học hỏi và áp dụng thành công mô hình nuôi cua đinh (ba ba Nam bộ) thương phẩm, anh Tô Văn Tân (37 tuổi, ngụ ấp Hoàng Minh, xã An Trạch, H.Đông Hải, Bạc Liêu) từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Anh Tô Văn Tân thoát nghèo, làm giàu từ mô hình nuôi cua đinh. Ảnh Trần Thanh Phong
Anh Tân kể sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định nên quanh năm anh phải đi làm thuê kiếm sống. Năm 2010, anh Tân cưới vợ, tài sản của hai vợ chồng chỉ có căn nhà lá ọp ẹp và phần đất nhỏ do cha mẹ cho làm của.
Vợ chồng anh Tân làm đủ mọi nghề. Ban ngày, cả hai đi lột tôm mướn cho các cơ sở chế biến tôm nguyên liệu; tối đến đi đặt đục tôm cá, soi ba khía bán kiếm tiền. Sau nhiều năm vất vả mưu sinh, hai vợ chồng dành dụm được ít tiền, anh Tân quyết tâm khởi nghiệp để thoát nghèo.
Năm 2015, nhận thấy mô hình nuôi cua đinh ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp, đầu ra thuận lợi..., vợ chồng anh Tân dùng số tiền dành dụm trên 50 triệu đồng mua hơn 100 con cua đinh giống, xây hầm thả nuôi. Do không có tiền mua thức ăn, hằng ngày anh phải mò cá dưới sông để cho cua đinh ăn. Chỉ sau 18 tháng thả nuôi, mỗi con cua đinh đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg/con. Anh Tân xuất bán cho thương lái với giá bình quân 500.000 đồng/kg, thu lãi trên 200 triệu đồng.
“Vụ nuôi đầu tiên thắng lợi lớn, vợ chồng tôi quyết định mở rộng đầu tư xây dựng 5 hầm mới và thả nuôi gần 300 con cua đinh giống. Vụ nuôi sau tiếp tục thành công, lợi nhuận trên 250 triệu đồng. Sau 2 vụ nuôi có thu nhập khá, vợ chồng tôi quyết định nộp đơn lên UBND xã xin thoát nghèo”, anh Tân kể.
Sau nhiều năm thả nuôi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, anh Tân tiếp tục mở rộng mô hình và nhân số lượng nuôi cua đinh thương phẩm lên gấp đôi. Cùng với đó, anh mạnh dạn nghiên cứu thực nghiệm mô hình cho cua đinh đẻ nhân tạo để bán con giống, nuôi gối đầu cho các vụ mùa tiếp theo. Nhiều hộ dân, đặc biệt là thanh niên ở xã An Trạch đến tham quan, học hỏi, áp dụng nhân rộng mô hình này theo tổ hợp tác, hợp tác xã. Đến nay, ở xã An Trạch có gần 30 đoàn viên thanh niên áp dụng mô hình nuôi cua đinh.
Anh Huỳnh Văn Danh, Phó bí thư Xã đoàn An Trạch, cho biết ngoài giỏi giang, chịu khó phát triển kinh tế gia đình, anh Tân còn là đoàn viên tiêu biểu trong các hoạt động công tác xã hội, đóng góp nhiều sáng kiến hay để phát triển công tác Đoàn . và phong trào thanh niên tình nguyện tại địa phương. Bằng nghị lực vượt khó, hiện gia đình anh Tân có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cua đinh. Anh là tấm gương sáng để đoàn viên, thanh niên nuôi khát vọng khởi nghiệp làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi 3.000 con thỏ các loại, anh Lê Quang Hãnh ở Thanh Miện, Hải Dương cho biết, mỗi năm thu lãi trên 700 triệu đồng.
Dấn thân vào nghề trồng rau hữu cơ, anh Trịnh Hữu Công nghiên cứu, tự chế ra thuốc phòng trừ sâu bệnh cho rau từ cây cỏ, thảo dược mang lại hiệu quả tốt.
Lập trang trại nuôi dê lấy sữa kết hợp làm du lịch trải nghiệm, mỗi tháng ông Nguyễn Văn Đua (42 tuổi, ngụ ấp 2B, xã Tân Hòa, H.Châu Thành A, Hậu Giang)