Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ cá bống bớp
Từ trại sản xuất cá giống, anh Sơn mạnh dạn mở rộng trang trại, tăng số lượng giống ươm đồng thời chuyên môn hóa quy trình sản xuất với lợi nhuận cả tỷ đồng mỗi năm.
Anh Sơn đang ngồi bên cạnh mô hình ao cá bống bớp của mình. Ảnh: bizmedia.
Từng đầu tư phát triển trại nuôi cua từ năm 1998 nhưng không hiệu quả, anh Nguyễn Văn Sơn (ở khu 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) quyết tâm chuyển nghề, tìm hướng đi mới để làm kinh tế. Nhận thấy cá bống bớp có nhiều tiềm năng phát triển ở Nghĩa Hưng, anh mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi cá bống bớp và thu được nhiều thành quả. Từ chỗ gặp khó khăn về nguồn giống, vốn ban đầu, đến nay, doanh nghiệp tư nhân sản xuất giống và kinh doanh thủy hải sản Sơn Nguyệt của anh đã vào nhịp phát triển với lợi nhuận đến cả tỷ đồng.
Nghề nuôi cá bống bớp bắt đầu xuất hiện ở Nghĩa Hưng từ hơn 20 năm trước. Loài cá này vốn sống ở nước mặn, đánh bắt tự nhiên ở ngoài biển. Sau này, người dân xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng mới đem về thuần hóa thành loài nước lợ.
Những năm đầu, các hộ nuôi chủ yếu theo cách tự đánh bắt cá giống tự nhiên và thu mua thêm ở các xã ven biển, do vậy, có thời điểm giống cá bị khan hiếm. Hơn nữa, giống này không đáp ứng được kích cỡ, số lượng và mùa vụ nên người dân muốn triển khai nuôi cá với quy mô lớn cũng gặp khó khăn.
Nắm bắt điều đó, năm 2012, anh Nguyễn Văn Sơn quyết tâm đầu tư gần một tỷ đồng bắt tay xây dựng trại sản xuất giống cá bống bớp đầu tiên có diện tích rộng trên 1.000m2 với 18 bể ương, có khả năng sản xuất 2 triệu con giống một năm.
Cá bống bớp đang được người dân đánh bắt. Ảnh: bizmedia.
Theo anh Sơn, số tiền vốn ban đầu này chủ yếu do vay mượn và huy động bạn bè, người thân hỗ trợ. Để bảo đảm chất lượng con giống, ngày từ những ngày đầu, anh không quản ngại mời đội ngũ kỹ sư thủy sản từ Hải Phòng về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nhân giống cá bống bớp.
Sau một năm, trại giống của anh Sơn đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và ươm giống cung ứng cho bà con trong vùng. Triển khai được khoảng 3 năm, nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình trại giống, anh Sơn tiếp tục mở rộng trang trại, số lượng ươm tăng dần và chuyên môn hóa quy trình sản xuất. Đến nay, cơ sở của anh đã sở hữu 3 trại sản xuất giống với công suất 10 triệu con giống một năm, trong đó, vụ mùa sản xuất 2-3 triệu con, vụ chiêm dao động 6-7 triệu con.
Mô hình nuôi và sản xuất cá bống bớp rộng trên 1.000m2 do anh Sơn đầu tư. Ảnh: bizmedia.
Hiện, cơ sở của gia đình anh là một trong số ít đại lý thu gom tiêu thụ cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Cá bống bớp có đặc tính ít bệnh, khả năng thích nghi cao hơn nhiều loài cá khác, không cần phải ướp đá, ướp lạnh trong quá trình vận chuyển. Bởi vậy, cá được bán chạy ở các nhà hàng lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá… với sản lượng tiêu thụ bình quân khoảng 1,5 tấn một ngày. Ngay cả thương lái Trung Quốc cũng ưa chuộng mặt hàng thủy sản này. Lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thời điểm đạt 8 tạ một ngày.
Trước đây, công việc nuôi cua của gia đình cho thu nhập không cao. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, tiền lời anh thu về chỉ khoảng 40-50 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2014, sau khi trại cá bống bớp đi vào hoạt động ổn định, tiền lãi mỗi năm thu về gần nửa tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi cua trước đây.
"Trong thời gian tới, tôi mong sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng sẽ ngày càng được biết đến nhiều hơn để địa phương vừa thu lợi về kinh tế, vừa phát triển được nghề cho bà con", anh Sơn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Tìm kiếm các biện pháp thay thế kháng sinh luôn được toàn thế giới quan tâm. Dưới đây là một số giải pháp được các chuyên gia đánh giá là hữu hiệu cho tôm nuôi.
Năm 2017, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã vượt ngưỡng 8 tỷ USD, theo kinh nghiệm xuất khẩu nhiều năm, Để đạt mục tiêu tăng trưởng, cần phải quan tâm mở rộng
Tùy theo từng loại cá, kích thước cá, phương tiện vận chuyển mà ta chọn phương pháp vận chuyển cho phù hợp (kín hoặc hở) nhằm giảm tỷ lệ chết của cá.