Nỗ lực mở rộng thị trường
Năm 2017, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã vượt ngưỡng 8 tỷ USD, nhưng theo kinh nghiệm xuất khẩu nhiều năm, các chuyên gia cho rằng việc giữ được mạch tăng trưởng đều là không dễ dàng. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, cần phải quan tâm mở rộng các thị trường.
Giữ vững thị trường trọng điểm
Chính phủ đang kỳ vọng xuất khẩu thủy sản năm 2018 có thể đạt 9 tỷ USD, tăng 8,2% so năm 2017. Để giữ được mức tăng trưởng trong năm 2018, trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản nhiều nước đang phục hồi, sẽ cần sự nỗ lực của các ban, ngành.
Trong các thị trường, được quan tâm nhiều là Mỹ. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh trong năm 2017 sau khi Mỹ áp mức thuế chống bán giá cao hơn và tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Mỹ vẫn là một thị trường hết sức quan trọng với Việt Nam, khi Mỹ vẫn đứng thứ 2 về khối lượng thủy sản nhập khẩu năm 2017, trị giá đạt 1,4 tỷ USD (giảm 1,9% so với năm trước). EU trở thành thị trường quan trọng nhất hiện tại, bởi năm 2017, giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD tới 14 thị trường chính tại EU, tăng 22,1% so năm 2016. Song, mấu chốt của thị trường EU sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam có giải quyết được “thẻ vàng” nguồn gốc đánh bắt cá hay không? Có thể nói, thị trường EU và vấn đề “thẻ vàng” sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018.
Điều khá bất ngờ là thị trường châu Á đang nổi lên như một điểm sáng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2017, đạt giá trị 4 tỷ USD, tăng 28% so năm trước. Xuất khẩu vào Nhật tăng 18,6%, đạt giá trị 1,3 tỷ USD, tiếp sau là Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD, tăng tới 59,4% so năm 2016. Và ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2018, đây vẫn là khu vực có nhiều lợi thế cho các sản phẩm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xuất khẩu tốt ở thị trường châu Á chính là bàn đạp quan trọng nhất để Việt Nam vươn rộng ra các thị trường thế giới, đúng với phương châm “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Việc phục hồi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản trong năm 2017 cho thấy điều đó.
Khai thác thị trường nội địa
Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng 170 thị trường và hầu hết các thị trường đều có sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Tuy vậy, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là việc thị trường thủy sản nội địa chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Việt Nam có 567 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, 4.000 cơ sở chế biến nhỏ, hộ gia đình, các làng nghề thủy sản mỗi năm thu hút được khoảng 40.000 lao động. Mức tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam ở mức cao 27 kg/người/năm. Các doanh nghiệp, ngoài hướng ra biển lớn cần phải giữ vững thị trường nội địa.
Bằng chứng là việc Bộ NN&PTNT đã có chủ trương đẩy mạnh tiêu thụ cá tra tại các thị trường miền Bắc, các tỉnh miền núi, để người tiêu dùng trong nước tiếp cận được với sản phẩm cá tra cũng như các loại cá truyền thống khác.
Lạc quan
Theo VASEP, quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 3 đạt 279 triệu USD, tổng xuất khẩu 3 tháng đạt trên 719 triệu USD, tăng 16% so cùng kỳ năm trước. Với cá tra, mặc dù chịu rào cản tại nhiều thị trường trọng điểm, nhưng xuất khẩu 3 tháng đầu năm cũng đạt xấp xỉ 430 triệu USD, tăng gần 16%. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản cũng tăng khả quan, trừ nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 10%.
Theo đánh giá, những năm qua, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc… chiếm khoảng trên 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy vậy, việc quá phụ thuộc vào thị trường các nước lớn cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, vì đây là những thị trường có sự cạnh tranh rất lớn. Chính vì vậy, để tăng sức cạnh tranh, các sản phẩm Việt Nam cần phải được giảm giá thành, song trong 3 tháng đầu năm, cá tra nguyên liệu có giá khá cao, liên tục tăng. Người nuôi có lãi khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg, tuy vậy, việc giá thành tăng cao cũng tạo ra áp lực với các doanh nghiệp. Để chinh phục các thị trường, ngoài việc giữ gìn thương hiệu, việc giảm giá thành được xem như giải pháp quan trọng để duy trì tăng trưởng trong xuất khẩu.
VASEP đề xuất và kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT lấy mục tiêu giá trị gia tăng làm định hướng cho các chỉ đạo, các chương trình ở phạm vi cấp quốc gia, đặc biệt là các chương trình kết nối thị trường, thông tin sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ, tôn vinh sản phẩm, xúc tiến thương mại, truyền thông quảng bá; rà soát, bổ sung chương trình tái cơ cấu ngành hoặc xây dựng riêng chương trình “Gia tăng giá trị nông, thủy sản Việt Nam” đến năm 2025. Bên cạnh đó, một số thách thức quan trọng khác đối với sản xuất, xuất khẩu thủy sản, cũng cần được các bộ, ngành, chính quyền các địa phương quan tâm giải quyết
>> Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2011 - 2016, kim ngạch xuất khẩu bình quân nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 26,6 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng đạt 7,7%/năm. Năm 2017, nhóm hàng này là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch cao nhất từ trước đến nay, đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,9% (4,35 tỷ USD), đóng góp 9 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tiếp đà tăng trưởng, 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành này tiếp tục đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,9%.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tháng 5, giá cá tra nguyên liệu đã tăng đến mức kỷ lục trước nay chưa có, trong lúc giá tôm lại giảm khá mạnh, đặt ra các thách thức mới.
Hiện nay, mô hình nuôi lươn đang được người dân quan tâm, đồng thời việc sản xuất lươn giống bán nhân tạo thành công đã tạo nên đòn bẩy thúc đẩy phong trào
Tìm kiếm các biện pháp thay thế kháng sinh luôn được toàn thế giới quan tâm. Dưới đây là một số giải pháp được các chuyên gia đánh giá là hữu hiệu cho tôm nuôi.