Thu nhập tiền tỷ nhờ trồng mâm xôi sạch
Mỗi năm, gia đình anh Quân thu về lợi nhuận 5-6 tỷ đồng và tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 30 lao động địa phương từ mô hình trồng mâm xôi sạch.
Trong ảnh: Anh Huỳnh Trung Quân đang thu hoạch mâm xôi. Ảnh: nhanonglamgiau.
Quả mâm xôi (phúc bồn tử) là một loại thảo dược quý, có tác dụng chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư, tăng cường trí nhớ và được trồng nhiều ở châu Âu. Tại Việt Nam, một trong những nơi đầu tiên trồng mâm xôi là vùng Đức Trọng (Lâm Đồng) và người đầu tiên thành công với loại cây này là anh Huỳnh Trung Quân.
Trước khi gắn kết với trái mâm xôi, anh Quân từng là thầy giáo dạy Hóa, Sinh tại một trường THCS ở tỉnh Kon Tum. Năm 1998, khi cảm thấy đồng lương giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống, anh quyết định nghỉ việc và đến Lâm Đồng làm thuê kiếm sống. Tại đây, anh làm việc cho một công ty nông nghiệp nước ngoài và được giao trọng trách quản lý trang trại mâm xôi.
Tới năm 2008, công ty nông nghiệp này bị sang nhượng và chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Tiếc nuối công sức mình đã bỏ ra trong suốt một thời gian dài, anh mua lại một số cây mâm xôi rồi đem về trồng lấy giống trên diện tích 2.000m2, khoảng 90% số cây được trồng ở ngoài trời, 10% còn lại trồng trong nhà kính. Tuy nhiên, thời điểm ban đầu, do thiếu vốn để đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo nên cây bị chết nhiều do sức đề kháng kém.
Không nản lòng, anh Quân cố gắng tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của giống cây này và hoàn thiện cách thức canh tác. Cụ thể, do cây mâm xôi có bộ rễ có thể sinh ra nhiều cây con, nên khi cây nào bắt đầu ra quả thì anh đem cắt bỏ những cây con ốm yếu bên cạnh, giúp bộ rễ cây tập trung nuôi dưỡng những cây đang có quả, giúp năng suất, chất lượng mâm xôi cao hơn. Hơn nữa, quy trình tưới tiêu, bón phân được đầu tư và kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt tự động.
Trong khi ở nhiều nơi khác, người dân phải dùng thuốc diệt cỏ để bảo vệ cây thì tại trang trại của mình, anh Quân lại để cỏ mọc um tùm. Theo lý giải của anh, có khá nhiều loại thiên địch sống trong cỏ có thể giúp tiêu diệt sâu bọ gây hại cho cây mâm xôi. Do đó, vườn mâm xôi phát triển tự nhiên, khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh.
Mâm xôi được đóng hộp trước khi xuất xưởng. Ảnh: nongdanlamgiau.
Ngoài ra, anh còn mở rộng diện tích để giống mâm xôi đột biến gen mới, một loại không có lông gai xù xì, quả nhiều, chất lượng cao như nông sản nhập khẩu cùng loại. Tại thời điểm này, anh cùng 3 hộ khác liên kết diện trồng tích mâm xôi khoảng 3,2ha trong nhà kính theo hướng an toàn, mỗi năm thu hoạch khoảng 60 tấn quả tươi.
Ngoài sản xuất mâm xôi tươi, anh Quân còn đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến thêm nhiều loại sản phẩm khác từ mâm xôi như mứt, trà, rượu, nước cốt... Nhờ những mặt hàng này, mỗi năm gia đình anh đem về 5-6 tỷ đồng lợi nhuận, giúp hơn 30 lao động địa phương có việc làm ổn định với mức thu nhập 4-9 triệu đồng một tháng.
Câu chuyện khởi nghiệp của anh Huỳnh Trung Quân chỉ là một trong số những tấm gương vượt khó để làm giàu và là nguồn động lực để bà con Đức Trọng đi theo mô hình này.
Có thể bạn quan tâm
Việc tăng cường áp dụng các biện pháp sinh học, đặc biệt, dùng nấm xanh để quản lý các loài sâu, rầy hại lúa ngày càng được chú ý.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi xuống khá thấp. Heo quá lứa, vốn chỉ xuất bán sang Trung Quốc, giá hiện còn 34.000đ/kg
Bò sữa lâu nay vẫn là vật nuôi chủ lực của TP.HCM. thành phố không chủ trương tăng đàn bò sữa, mà đẩy mạnh phát triển đàn bò thịt, nhất là bò thịt cao sản