Thu Nhập Khá Từ Trồng Cam, Quýt
Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.
Gia đình anh Trần Văn Cán là người dân tộc phía Bắc vào định cư tại thôn 6B, xã Cư Elang từ năm 2003 nhưng nhiều năm vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo. Trước đây, trên 3,2 ha đất vườn, gia đình anh đã trồng nhiều loại cây như: cà phê, tiêu, điều, đậu, ngô… nhưng hiệu quả thu được rất thấp.
Đến năm 2007, thấy nhiều gia đình trong xã trồng cam, quýt thu được lợi nhuận cao, vợ chồng anh đã quyết định mua về trồng thử. Tuy cam, quýt là các loại cây dễ trồng, ít phải đầu tư chăm sóc, nhưng do cây giống kém chất lượng, nên toàn bộ diện tích cam, quýt gia đình anh Cán trồng đã không cho kết quả cao và phải phá bỏ. Năm 2011, gia đình anh Cán đã trồng lại 600 cây cam, quýt. Và lần này, nhờ đúc kết được kinh nghiệm của những người đã thành công khi trồng cam, quýt, gia đình anh Cán đã thu được kết quả.
Năm 2013, chỉ với 400 cây cam và 200 cây quýt trồng trong vườn nhà cho quả bói, gia đình anh Cán đã thu được 4,2 tấn quả, bán ra thị trường thu về hơn 70 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, sang đầu năm 2014, gia đình anh đã trồng thêm 1.200 cây cam, quýt, đưa tổng số cam, quýt đã trồng lên 1.800 cây. Anh Cán chia sẻ kinh nghiệm: Từ khi trồng đến khi cho quả, cây cam và cây quýt cần thời gian sinh trưởng khoảng 3 năm.
Từ khi ra hoa đến khi đậu quả phải mất thời gian 6 tháng. Đây là giai đoạn phải bổ sung thêm phân chuồng hay phân vi sinh cùng với lân, kali để cây nuôi quả to và cho quả ngọt. Chính nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, nên vườn cam, quýt của gia đình anh phát triển khá tốt.
Ông Đỗ Văn Hưu, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Elang cho biết: Mấy năm gần đây, nhiều gia đình nông dân trong xã đã chuyển một số diện tích đất vườn, đồi sang trồng cây cam và cây quýt. Tổng diện tích cam, quýt do người dân trồng tự phát trên địa bàn xã đã lên đến hàng trăm héc-ta và nhiều gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nhờ đó đã thoát được nghèo.
Do giá cam, quýt được thương lái vào địa bàn xã mua tương đối ổn định ở mức 18.000-20.000 đồng/kg bán tại vườn, vì vậy ngày càng có nhiều gia đình trên địa bàn xã trồng các loại cây này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Ea Kar, đến nay, huyện Ea Kar chưa có chủ trương phát triển loại cây này trong cơ cấu chuyển đổi cây trồng, mặc dù hầu hết những diện tích cam, quýt trồng trên địa bàn huyện đã và đang đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Song, do đầu ra đối với quả cam, quýt ở huyện Ea Kar lâu nay vẫn phụ thuộc vào thương lái từ nhiều nơi đến mua, nên người trồng các loại cây này cần phải thận trọng, không nên trồng theo phong trào, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.
Có thể bạn quan tâm
Gần đây, trên một số tuyến đường Hà Nội xuất hiện các điểm bán trái cây đổ đống với đủ loại mặt hàng và có giá thành rất rẻ nên thu hút đông đảo người mua.
Hiện nay, công tác xây dựng nông thôn mới tại các xã miền núi của huyện Vĩnh Thạnh đang gặp nhiều khó khăn. Các tiêu chí như nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo, môi trường, chợ nông thôn… đang trở thành những thách thức khó vượt qua đối với các xã đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, trong năm 2015 này huyện Phù Cát đã quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng, đồng thời tập trung vận động nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả đưa vào sản xuất các loại cây trồng cạn.
Hơn một tháng qua, nhiều hộ nuôi tôm hùm xuất khẩu ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hoang mang, lo lắng do tình trạng tôm chết không rõ nguyên nhân có chiều hướng gia tăng.
Ngành thủy sản Việt Nam nên thành lập một liên minh trách nhiệm xã hội (CSR), với mục tiêu giúp ngành này phát triển bền vững thông qua việc hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm xã hội.