Thu Nhập Gần 1 Tỷ Đồng Từ Nuôi Cá Tai Tượng An Toàn Sinh Học
Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi, ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.
Xã Phú Kiết được xem là "cái nôi" của nghề nuôi cá bởi địa phương có dòng sông Bảo Định chảy qua cung cấp nước ngọt quanh năm, nông dân biết tận dụng diện tích mặt nước mương vườn sẵn có và đầu tư đào ao nuôi cá các loại, trong đó chủ lực là con cá tai tượng có giá thành hấp dẫn, ít tiêu tốn thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ phong trào nuôi cá, đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi nuôi cá làm giàu, trong số này có ông Liêm là "kiện tướng" nuôi cá ở địa phương.
Là người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá, nên ông Liêm rất am hiểu và nắm vững kỹ thuật nuôi cá, đặc biệt là áp dụng nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Từ quan niệm "muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo", trước đây, ông Liêm từng nuôi các loại cá tra, trê lai kết hợp chăn nuôi heo nhưng do giá cả bấp bênh nên gần đây, ông bắt đầu chuyển sang nuôi cá tai tượng. Hiện tại, với diện tích mặt nước khoảng 3.000m2, trung bình mỗi vụ nuôi, ông thu được hơn 20 tấn cá thương phẩm. Với giá bán từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi vụ nuôi (khoảng 2 năm), cho thu nhập gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí ông còn lãi trên dưới 50%.
Để tăng hiệu quả sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, gần đây ông áp dụng mô hình nuôi cá tai tượng theo hướng an toàn sinh học. Ông Liêm cho biết, năm 2011, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, ông bắt tay đầu tư con giống thả nuôi cá tai tượng thương phẩm theo mô hình an toàn sinh học. Trên diện tích 3.000 m2 mặt nước, với 6 ao (mỗi ao từ 300-500 m2 mặt nước) xen trong vườn, ông thả nuôi 20.000 con cá tai tượng giống, kết hợp với cá sặc rằn.
Cá được nuôi theo hai giai đoạn gồm: Ao nhỏ ông thả cá giống ương nuôi khoảng 8-10 tháng để cá đạt trọng lượng khoảng 0,3 - 0,5 kg/con rồi tiếp tục san qua ao lớn nuôi đến đạt kích cỡ thương phẩm. Mật độ thả từ 7-10 con/m2 (ghép thêm cá sặc rằn để giúp ổn định môi trường nước). Đến nay, cá đã đạt trọng lượng khoảng 1kg/con và chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Ông Liêm nhẩm tính, vụ cá nuôi theo mô hình an toàn sinh học đầu tiên này, ông thu về không dưới 20 tấn cá, thu nhập gần 1 tỉ đồng.
Ông Liêm chia sẻ "Để nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt theo qui trình từ khâu chọn lọc con giống, thứ ăn, mật độ thả mà cán bộ kỹ thuật khuyến nông đưa ra. Nuôi cá theo mô hình an toàn sinh học, mỗi ngày phải có sổ sách ghi chép về liều lượng thức ăn trong ngày, các chế phẩm theo dõi xử lý ao, lượng rau cho cá ăn hàng ngày".
Theo ông Liêm nuôi cá an toàn sinh học có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống lồng ghép với chuồng trại trước đây là bảo vệ được nguồn nước không bị ô nhiễm, quản lý được dịch bệnh trên đàn cá nuôi và hơn hết là cung cấp sản phẩm "sạch" cho người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài nuôi cá, trên diện tích 17.000 m2 đất vườn, để tăng thêm thu nhập, ông Liêm còn kết hợp trồng các loại cây ăn trái có giá trị như: Nhãn tiêu da bò, bưởi da xanh, dừa dứa...
Mô hình của ông Đỗ Hiếu Liêm đang được nhiều nông dân ở địa phương học hỏi, nhằm đa dạng hoá sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới làm giàu ở vùng đất thuần nông. Ông Liêm nhiều năm liền được công nhận là "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" cấp tỉnh và được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Phú Kiết.
Có thể bạn quan tâm
Khi mới khởi nghiệp nghề nông, anh Nguyễn Thành Cung ở thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) đã thất bại và mất một khoản tiền lớn. Thế nhưng, nhờ bền chí, anh quyết tâm làm lại từ đầu và đến nay cuộc sống gia đình đã trở nên khấm khá.
Nhờ được đào tạo nghề bài bản, nhiều hộ nông dân (ND) vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã có thu nhập cao từ mô hình vườn - ao - chuồng.
1 can nhựa nuôi được khoảng 1 kg lươn giống, khi xuất bán có thể đạt từ 15-16kg lươn thành phẩm. Trung bình 1 can lươn cho lợi nhuận gần 1 triệu đồng.
Nông nghiệp đang nổi lên là ngành rất "hot" trong năm qua và cả những năm sắp tới. Ngành nông nghiệp không bi quan với những nhà tiên phong sản xuất theo chuỗi.
Về xã biển Hải Đông (Hải Hậu, Nam Định) hỏi thăm Cường “tôm” thì ai ai cũng biết. Anh là người đầu tiên nuôi tôm thẻ chân trắng của xã và đã có cuộc sống giàu có từ mô hình này.