Thu lãi cả trăm triệu đồng nhờ nuôi ba ba
Ba ba là động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh. Nhờ nuôi ba ba thương phẩm, mỗi năm anh Thuận thu lãi cả trăm triệu đồng.
Năm 2012, anh Lê Văn Thuận (sinh năm 1985, thôn Chấn Long, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) quyết định bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội để về quê lập nghiệp.
Ban đầu, anh Thuận thuê thầu hơn 3 sào ruộng tại cánh đồng chiêm trũng của xã để làm trang trại chăn nuôi lợn, bò, thả cá. Thế nhưng, sau thời gian ngắn thử nghiệm, những vật nuôi trên cho lợi nhuận không đáng kể. Không lâu sau đó, anh Thuận chuyển một phần diện tích ao cá sang nuôi ba ba.
Anh Thuận cho biết: “Cách đây hơn chục năm, nhiều địa phương rộ lên việc nuôi con đặc sản, trong đó có người dân xã Thiệu Hợp. Quá trình tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi ba ba từ những mô hình nuôi hiệu quả cao, tôi nhận thấy, đây là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư không đáng kể nhưng cho lợi nhuận cao nên quyết định nuôi thử nghiệm".
Khu vực nuôi ba ba của gia đình anh Thuận được xem là “rốn” nước của huyện Thiệu Hóa. Mùa nước lên, các tôm đổ về đây rất nhiều. Bởi vậy, thay vì phải mua thức ăn công nghiệp, người dân có thể tận dụng nguồn lợi có sẵn ngoài tự nhiên để làm thức ăn cho ba ba. Bên cạnh đó, anh Thuận còn đào thêm ao để thả cá tạp để chủ động nguồn thức ăn cho con đặc sản, phòng khi cá, tôm ngoài tự nhiên khan hiếm.
Là người nuôi ba ba có thâm niên, anh Thuận chia sẻ kinh nghiệm: "Ba ba là động vật dễ nuôi nhưng cần lưu ý cho cho chúng ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, cần phải thay nước định kỳ để tránh đáy ao bị nhiễm bẩn, gây bệnh cho ba ba. Nguồn thức ăn của ba ba dễ kiếm, có thể là ốc bươu vàng, tôm, cá tạp xay nhuyễn…".
Ao nuôi ba ba của anh Thuận được vệ sinh sạch sẽ để tránh đọng thức ăn thừa dưới đáy. Ảnh: Quốc Toản.
Theo anh Thuận, ba ba sau khi nuôi hơn 3 năm có thể xuất bán, với trọng lượng mỗi con từ 3-4kg. Mỗi đợt thu hoạch, anh Thuận xuất bán khoảng 4 tạ ba ba, với giá bán có thời điểm lên tới 450.000-500.000 đồng/kg, thu về khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, tại trang trại của anh Thuận luôn duy trì khoảng 500 con ba ba thương phẩm. Ba ba đến kỳ khai thác được thương lái bao tiêu toàn bộ.
Từ thành công ban đầu, mô hình nuôi ba ba của anh Thuận được nhiều nông hộ trong và ngoài xã đến tham quan học tập. Ngoài ra, anh Thuận còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi ba ba và giúp bà con bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Quản Văn Hải, Chủ tịch Hội làm vườn xã Thiệu Hợp cho biết, mô hình nuôi ba ba của gia đình anh Thuận là điển hình về phát triển kinh tế hộ tại địa phương. Không chỉ gia đình anh Thuận, nhiều hộ dân trong xã cũng đổi đời nhờ nuôi con đặc sản này. Nhiều gia đình xây được nhà cao cửa rộng, tích lũy được tài sản nhờ nuôi ba ba.
Hiện nay toàn xã Thiệu Hợp có khoảng 70 hộ nuôi ba ba, đồng thời cũng là địa phương nuôi con đặc sản này nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa: "Nhiều địa phương trên cả nước phát triển mạnh nghề nuôi ba ba, thế nhưng chất lượng không thể so sánh với ba ba tại xã Thiệu Hợp. Ba ba thương phẩm tại xã Thiệu Hợp phải mất 3-4 năm mới xuất bán và sử dụng thức ăn có sẵn ngoài tự nhiên nên thịt chắc, thơm, dinh dưỡng cao hơn so với nuôi ba ba công nghiệp", ông Hải cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Bằng ý chí quyết tâm, học hỏi, không ngại khó khăn, ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước đã áp dụng thành công mô hình xen canh lúa – tôm.
Ngày 31/10/2024, báo cáo của Cục Thủy sản cho biết, hoạt động sản xuất tôm giống còn nhiều tồn tại, cần các giải pháp khắc phục.
Mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần cải thiện môi trường.