Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Tồn tại và giải pháp khắc phục tôm giống

Tồn tại và giải pháp khắc phục tôm giống
Tác giả: Sáu Nghệ
Ngày đăng: 05/12/2024

Ngày 31/10/2024, báo cáo của Cục Thủy sản cho biết, hoạt động sản xuất tôm giống còn nhiều tồn tại, cần các giải pháp khắc phục trong những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025 để đạt mục tiêu đủ tôm giống tăng trưởng nhanh, chống chịu với điều kiện môi trường và sạch bệnh/kháng bệnh.

Những tồn tại trong sản xuất tôm giống

Cả nước hiện có 1.949 cơ sở sản xuất tôm giống, gồm 6 cơ sở sản xuất tôm bố mẹ và 1.943 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống. Trong đó, 6 cơ sở sản xuất tôm bố mẹ đã được Cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; còn 1.943 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống mới có 1.551 cơ sở được các địa phương kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 79,82%. 

Trong 9 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu 32.660 con tôm bố mẹ, gồm 31.968 con tôm thẻ chân trắng và 692 con tôm sú. Sản xuất 136,6 tỷ con tôm giống, gồm 94,6 tỷ con tôm thẻ chân trắng và 42 tỷ con tôm sú. Tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 93 % số cơ sở và 63 % sản lượng giống.

Những con số cho thấy, tôm bố mẹ chủ yếu phải nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, việc nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn hạn chế; tỷ lệ gia hóa thấp; giống sạch bệnh, kháng bệnh thiếu. Công tác quản lý cũng còn phân đoạn, thiếu sự thống nhất để đảm bảo chất lượng giống và kiểm dịch.

Đặc biệt đáng quan tâm, còn 20,18% cơ sở sản xuất và ương dưỡng tôm giống chưa được cấp giấy đủ điều kiện.

Dự báo và giải pháp quản lý sản xuất tôm giống

Dự báo, sản xuất tôm toàn cầu tăng trở lại cuối năm 2024, sang năm 2025 duy trì ổn định. Trong đó, tôm sú tiếp tục được nuôi phát triển mạnh trở lại ở Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ. Cạnh tranh gay gắt giữa các nước sản xuất tôm và một số nước tiêu thụ tôm có chiến lược phát triển thủy sản nội địa sẽ tăng các yêu cầu chất lượng.

Giá cả thị trường, chi phí thức ăn, dịch bệnh và chất lượng tôm giống là những quan tâm hàng đầu. Sản phẩm tôm Việt Nam có thể lợi thế khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp đối với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia vào cuối tháng 12/2024.

Tôm giống chất lượng cao từ mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ Bioflocs

Tình hình trên đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp quản lý sản xuất tôm giống. Trước hết, tập trung nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước; phát triển hệ thống sản xuất giống tôm chất lượng cao, kháng bệnh. Quản lý, cấp giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng. Các cơ sở sản xuất giống phải áp dụng tốt biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Chú trọng tuyên truyền người dân sử dụng con giống rõ nguồn gốc.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, ương dưỡng, lưu thông giống trên thị trường. Thực hiện quy chế phối hợp giữa các địa phương cung cấp giống – mua giống – hợp tác, liên kết các cơ sớ sản xuất tôm giống nhỏ thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Chú trọng liên kết vùng tiêu thụ tôm giống /nuôi để kiểm soát chất lượng.

Giải pháp chính các tháng cuối năm 2024

Khôi phục ngay sản xuất sau bão tại miền Bắc, miền Trung, tổ chức sản xuất tôm vụ đông. Quản lý tốt chất lượng giống, vật tư thuỷ sản để phục vụ sản xuất.

Quản lý điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường, cấp giấy chứng nhận cơ sở đạt điều kiện. Quản lý sử dụng kháng sinh, hóa chất, truy xuất nguồn gốc nuôi trồng thủy sản. Nâng cao chất lượng giống, tổ chức hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị.

Phối hợp giữa cơ quan thuỷ sản và thú y, khuyến nông để triển khai, hướng dẫn làm tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh, nuôi trồng thủy sản và an toàn dịch bệnh. Quản lý tốt các yếu tố môi trường.

Giải pháp trọng tâm năm 2025

Thú y thủy sản triển khai quy chế phối hợp trong quản lý, chia sẻ thông tin phòng chống dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiếm soát chất lượng tôm nhập khẩu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường. Xây dựng, phát triển vùng an toàn dịch bệnh.

Các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất – ương dưỡng giống; điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn, xử lý môi trường. Tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, các tổ chức, người nuôi. Hướng dẫn, kiểm tra, quản lý chặt chẽ sử dụng, buôn bán, lưu thông hóa chất, kháng sinh, kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất giống.

Các doanh nghiệp, người nuôi tôm áp dụng công nghệ mới, nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả. Thực hiện cam kết/hợp đồng liên kết sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát tam giác gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản Kiểm soát tam giác gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Theo Cục Thủy sản, mục tiêu đến năm 2030, giá trị nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL sẽ tăng trưởng 4% mỗi năm, với sản lượng đạt trên 4,8 triệu tấn.

02/12/2024
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

03/12/2024
Hiệu quả mô hình tôm – lúa ở Cà Mau Hiệu quả mô hình tôm – lúa ở Cà Mau

Bằng ý chí quyết tâm, học hỏi, không ngại khó khăn, ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước đã áp dụng thành công mô hình xen canh lúa – tôm.

05/12/2024