Thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ vườn cam VietGap
Vườn cam canh 50 ha của ông Lâm Thành Thương (Bình Dương) có thể cho trái đến 60 năm.
Cam canh sai trĩu quả trên đất Bắc Tân Uyên.
Ông Lâm Thành Thương (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) bắt đầu trồng cam canh từ năm 2015. Theo ông, mỗi ha tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng chi phí đầu tư cho giống, nhân công, bạt nilon phủ gốc, phân bón hàng năm. Hiện, lão nông còn thuê thêm 200 nhân công chăm bón, làm cỏ, tỉa cành cho vườn cam 50 ha.
Cam có mã đẹp, quả ngon, nên giá bán ổn định và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Vụ cam năm 2016, giá bán ổn định ở mức 45.000-50.000 đồng mỗi kg mang về cho lão nông thu nhập khoảng 2,5 tỷ đồng.
Ông Thương cho biết, cây cam canh sinh trưởng mạnh, khả năng chống sâu bệnh tốt, ít phải chăm sóc hơn các giống cây có múi khác. Với kinh nghiệm trồng canh sành nhiều năm, ông Thương học hỏi thêm các mô hình trồng cam canh, tham gia lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng theo chuẩn VietGap do Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Dương tổ chức.
Lão nông trồng cam canh tuân thủ theo các yêu cầu VietGap từ cách đào hố, bón lót, tỷ lệ lân và phân vi sinh để cây sinh trưởng tốt. Mùa nắng kéo dài, ông Thương chủ động dẫn nguồn nước tưới từ sông Bé về vườn.
Ông còn dùng tấm bạt nilon phủ lên gốc cây để kiểm soát nguồn nước tưới, phân bón và tăng năng suất trái vụ. Từ khi trồng đến nay, cây cam canh phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, nên mỗi năm chỉ xịt thuốc sinh học một lần để loại bỏ nhện.
Thời điểm thu hoạch cam từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch hàng năm.
Thời điểm thu hoạch từ tháng 3-9 dương lịch hàng năm. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, giữ giá cam ổn định, ông cho thu hoạch từng đợt. Cứ cách 15-20 ngày, nhân công sẽ thu hái đồng loạt 5 ha cam.
Cam cũng cho quả trái vụ, nên có thể cung cấp quanh năm và bảo quản tự nhiên trong nửa tháng, đáp ứng những các đơn đặt hàng đi TP HCM, Hà Nội…
Nhận thấy mô hình trồng cam canh cho tiềm năng kinh tế cao, Bình Dương đang có chủ trương khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cam canh tiêu chuẩn VietGap. Về lâu dài có thể xây dựng được vùng chuyên canh và thương hiệu cam canh địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ sự hướng dẫn của kỹ sư Phan Văn Hùng, mà cá chình của nông dân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu.
Bằng tâm huyết và áp dụng đúng kỹ thuật, đến nay, số lượng đàn vịt trời của ông đã tăng lên đến gần 7.000 con gồm vịt trời giống, vịt đẻ và vịt bán thương phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh đã nhân giống, mở rộng được quy mô đàn lên hàng nghìn con gà sao kết hợp nuôi vịt trời, chim trĩ, heo rừng…, lãi 250 - 300 triệu đồng/năm.