Kỹ sư gần 30 năm dạy nông dân nuôi cá chình làm giàu
Nhờ sự hướng dẫn của kỹ sư Phan Văn Hùng, mà cá chình của nông dân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu.
Kỹ sư Phan Văn Hùng (phải) chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá chình. Ảnh: Bizmedia
Kỹ sư Hùng hiện là Phó chủ tịch Hội Cá chình Việt Nam, Chủ tịch hợp tác xã Suối Giàu (Vũng Tàu). Ông từng tư vấn kỹ thuật cho nhiều vùng nuôi cá chình trên cả nước như Sơn La, Bắc Giang…
Dưới đây là chia sẻ của kỹ sư Hùng về loại cá giàu tiềm năng kinh tế.
- Cơ duyên nào khiến ông gắn bó với loài cá chình?
- Cá chình được mệnh danh là “thủy sâm” bởi chất thịt ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Mô hình nuôi cá chình được triển khai tại nhiều địa phương, nhưng cách nuôi theo hộ cá thể khiến cá chậm lớn, tỷ lệ sống thấp.
27 năm trước, tôi bắt đầu tự tìm hiểu, nghiên cứu về tập tính con cá chình, nuôi thử nghiệm và thất bại nhiều lần. Tôi mất đến 17 năm để ươm giống thành công, sau đó nhân rộng, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều mô hình nuôi cá chình trên cả nước.
- Những nơi nào phù hợp nuôi cá chình, thưa ông?
- Tại Việt Nam, loài cá này sinh sống tự nhiên từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận, nhiều nhất là đầm Châu Trúc (Bình Định) và sông Ba (Phú Yên). Hai nơi này hàng năm cung cấp phần lớn cá chình giống cho bà con nông dân tại các vùng nuôi lớn.
Từ Bắc chí Nam đều nuôi được cá chình. Với môi trường ngoài Bắc, cần nước sâu hơn trong Nam một chút để tạo sự bình ổn cho con cá. Ví dụ, thời tiết 10 độ, nước vẫn là 18-20 độ, lòng đất làm cho tầng nước dưới không bị lạnh.
Hợp tác xã Suối Giàu cũng đang mở lớp miễn phí chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá chình vào thứ 5 và 6 hàng tuần.
- Ông có lưu ý gì khi chọn cá giống?
- Con cá nhớt nhiều, không bị trầy xước, không bị đốm trắng, da bóng láng là giống tốt. Bà còn cũng nên mua từ người bán cá giống có ký giấy bảo đảm.
Mô hình nuôi cá chình tại Suối Giàu
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của cá chình hiện nay?
- Hiện, sản lượng cá chình của hợp tác xã đạt khoảng 100 tấn mỗi năm. Đầu ra của con cá này đang mạnh, tôi có hợp đồng 100 tấn đi nước ngoài mà không đủ cá bán.
Giá bán tùy theo loại cá chình. Ví dụ, Anguilla marmorata giá 330.000-340.000 đồng mỗi kg, còn cá chình bông 440.000 đồng mỗi kg. Cá chình tương đối hiếm nên chưa bao giờ bị mất giá.
Cá Anguilla marmorata cho thịt ngon hơn, nhưng thời gian nuôi ngắn ngày hơn, khoảng 4 tháng cho thu hoạch. Còn cá chình bông phải mất hơn một năm mới được đánh bắt. Về khối lượng, cá nuôi 2-3 năm nặng 3-4 kg, có con đạt 5-6 kg.
- Vậy còn thị trường của cá thì sao?
- Cá trên 5 kg được xuất đi châu Âu, dưới 5kg thì xuất sang Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và tiêu thụ trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Dù ở tuổi 50, 60 những lão nông được mệnh danh là “vua tạo hình” trái cây ở miền Tây vẫn cần mẫn nghiên cứu cải tạo giống, hình dáng sản phẩm để tăng giá trị
Ông Lương Văn Bảy, 57 tuổi ở ấp 4, xã An Hữu, huyện Cái Bè, Tiền Giang là nông dân SXKD giỏi nhờ năng động, sáng tạo và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi
Mặc dù đã bước sang tuổi 65, nhưng ông Phạm Bá Trung (Hải Dương) vẫn đang làm ra cả tỷ đồng mỗi năm từ nghề nuôi ba ba sinh sản.