Thu hái chọn lọc nâng giá trị cà phê
Những ngày này, nông dân tỉnh Đắk Lắk đang hối hả bước vào vụ thu hoạch cà phê.
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê chọn lọc. để vườn cà phê chín mọng mới hái. Phân loại cà phê chín-xanh.
Khác với những năm trước, người dân bắt đầu nhận thức được giá trị, lợi ích của việc thu hái chín có chọn lọc thay vì hái xô, “cào bằng” một đợt.
Mấy ngày nay, anh Y Puk Ayun (buôn Sah A, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) huy động nhân công để thu hoạch hơn 1 ha cà phê chín mọng. Đây là năm đầu tiên anh hái cà phê chín chọn lọc.
Anh chia vụ thu hoạch thành 3 đợt, đợt đầu và đợt hai anh lựa hái những cây có tỉ lệ quả chín trên 90%, đợt cuối cùng chờ hạt chín đều sẽ tuốt đồng loạt.
"Để hái được quả chín đúng chuẩn, người hái phải thật cẩn thận, không làm ảnh hưởng đến các quả xanh trên cành. Hái cà phê chín chọn lọc khá tốn công, 1 ha cà phê, thu một lần cần 5-7 công hái trong một tuần; còn thu nhiều đợt công sẽ gấp đôi.
Thu hoạch một lần tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công; còn năng suất, chất lượng cà phê bị ảnh hưởng lớn do tỉ lệ quả xanh quá nhiều. Ý thức được lợi ích lâu dài, tôi quyết định chỉ hái quả chín, lấy công làm lời để giảm chi phí thuê nhân công", anh chia sẻ.
Còn gia đình anh Y Nos Niê (buôn Sah B xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đã có một năm kinh nghiệm trong việc thu hái cà phê chọn lọc. Trước đây, nhà anh chỉ thu hoạch một lần, do “cào bằng” nên hái cả quả xanh. Năm 2018, anh liên kết với một doanh nghiệp làm cà phê chất lượng cao nên bắt đầu thu hái cà phê chín 100%.
Anh Y Nos Niê cho hay: Việc thu hoạch cà phê chọn lọc tốn công nhưng đổi lại giá bán cao hơn nhiều so với hái xô. 1kg cà phê xô tươi có giá 5-6,5 nghìn đồng; còn hái tươi chọn lọc bán được 8-10 nghìn đồng/kg.
Như vậy, sau khi trừ công cán người thu hoạch cà phê chín sẽ lời hơn người hái xô khoảng 2 nghìn đồng/kg hạt tươi; một tấn sẽ lời 1,5-2 triệu đồng.
Nếu phơi khô chế biến thành nhân (4kg cà phê tươi thu được 1kg cà phê nhân), 1 kg cà phê nhân chọn lọc cao hơn cà phê nhân xô từ 6-8 nghìn đồng/kg, tương đương 6-8 triệu đồng/tấn nhân. Đây là số tiền lời khá lớn với người nông dân trong thời điểm giá cà phê đang thấp, chi phí đầu tư cao.
Công ty TNHH Thương mại và Nông sản Thanh Toàn (thôn 1, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) hiện đang thu mua cà phê hái chín với giá 9-11 nghìn đồng/kg hạt tươi (kèm yêu cầu, tỉ lệ hạt xanh hườm, tạp chất tối đa 10%).
Anh Dương Thanh Toàn, Giám đốc Công ty chia sẻ: Gia đình có truyền thống thu mua cà phê nên anh hiểu việc hái xô, chế biến xô và bán xô không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người trồng mà còn khiến chất lượng, vị thế cà phê Việt Nam trên trường quốc tế giảm.
Năm 2018, tôi liên kết với các nông hộ chế biến thử nghiệm 5 tấn cà phê nhân chất lượng cao. Kết quả khách hàng rất ưa chuộng vì chất lượng tốt, người nông dân cũng được lợi khi bán được giá cao hơn cà phê xô. Năm nay, tôi mạnh dạn sản xuất 30 tấn cà phê nhân tại xã Ea Kpam, Ea Tul và các xã lân cận trong huyện Cư M’gar.
Trước vụ thu hoạch cà phê, anh Toàn tổ chức hội thảo tại địa phương giúp nông dân hiểu rõ lợi ích lâu dài của việc hái chín, dần dần thay đổi thói quen thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của hạt cà phê.
Ngày thu hoạch, anh còn cử người tư vấn, hướng dẫn người dân cách thu hái, bảo quản hạt cà phê. Cà phê hái trong ngày sẽ được sơ chế ngay và phơi trong nhà kính với những tiêu chuẩn khắt khe đảm bảo giữ nguyên chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Đối với nhà vườn Tây Nguyên, việc chăm sóc cà phê mùa khô chưa bao giờ là dễ dàng.
Thực tế, những năm qua tại Tây Nguyên, diện tích cà phê bị thiếu nước tưới ngày càng nhiều, còn người dân lại tưới thừa lượng nước cần thiết.
Thời tiết này phù hợp cho cà phê tích luỹ năng lượng để sẵn sàng cho một chu kỳ trỗ hoa.