Thoát nghèo nhờ trồng ngô
Nhờ trồng ngô trên đất bán ngập nhiều hộ dân của xã đã thoát nghèo, bộ mặt kinh tế nơi đây đang ngày càng khởi sắc.
Chúng tôi đã không khỏi choáng ngợp khi tận mắt chứng kiến một cánh đồng ngô mênh mông chạy dài vài km ven Sông Chảy.
Đứng trên quả đồi nhìn từ xa người nông dân như những tí hon lọt thỏm giữa mênh mông của cây ngô.
Để cận cảnh thu hoạch ngô của những người nông dân, chúng tôi phải rất vất vả len lỏi, chui qua những vườn ngô thân to và giày đặc.
Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được gia đình anh Phan Văn Dũng.
Gần tháng trời nay, cả nhà anh tập trung hết sức lực cho việc thu ngô.
Cả ngày vật lộn với ngô trong cái nắng gay gắt, thế nhưng không ai thấy mệt mỏi vì ngô được mùa ai cũng vui mừng.
Anh Dũng nói dí dỏm: “ Nhìn thấy những quả ngô to và chắc hạt người lại khoẻ ra ngay, chẳng thấy mệt mỏi gì cả, thu ngô 1 tháng chứ vài tháng cũng vẫn vui”.
Vụ này gia đình anh gieo cấy được 6kg ngô giống.
Nhờ được chăm sóc chu đáo và đất tốt nên ngô của gia đình anh phát triển nhanh, ước tính năm nay a sẽ thu khoảng 4-5 tấn ngô hạt.
Đã gần chục năm nay, nhờ trồng ngô trên đất bán ngập kinh tế gia đình anh dần ổn định.
Trồng ngô tạo ra một nguồn thức ăn lớn giúp gia đình anh phát triển chăn nuôi, đồng thời ngô cũng là một mặt hàng rất dễ được tiêu thụ.
Nhận thấy trồng ngô trên đất bán ngập thuận lợi vì không đầu tư nhiều công chăm sóc, tốn ít phân bón nên gia đình anh đã tận dụng hết diện tích bán ngập của gia đình để trồng ngô.
Trao đổi với chúng tôi anh Dũng cho biết: “ Trồng ngô trên hồ rất thuận lợi, đất tốt nên không phải đầu tư nhiều phân.
Có nhiều ngô sẽ giảm chi phí chăn nuôi, hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
Chỉ tính riêng bán ngô mỗi năm gia đình tôi cũng có trên 20 triệu đồng”.
Còn với gia đình chị Tăng Thị Xuân, những năm trước đây kinh tế rất khó khăn vì thiếu đất sản xuất.
Thấy nhiều hộ dân trong xã đổ xô ra hồ trồng màu cho nhiều ngô, lúa gia đình chị cũng mạnh dạn ra hồ vỡ đất trồng màu.
Ngay từ những vụ đầu, tuy trồng ít, nhưng gia đình chị cũng thu được tấn ngô, riêng năm nay nhờ mở rộng diện tích nên ước tính gia đình thu về khoảng 4 tấn ngô hạt, nếu bán đi cũng có trên 20 triệu đồng.
Có nhiều ngô chị tập trung vào chăn nuôi lợn, gà, vịt...
giảm được chi phí chăn nuôi nên kinh tế gia đình từng bước ổn định.
Vừa thoăn thoát bẻ ngô, chị vui mừng cho biết: “ Chẳng đất nào mà tốt bằng đất hồ đâu, làm không vất vả mà hiệu quả rất cao.
Nếu năm nào cũng thuận lợi như năm nay thì nhiều nhà trồng ngô cũng đủ sức mua được xe máy”.
Chia tay gia đình chị Xuân, khi trời đã quá trưa chúng tôi trở về bến Thuỷ Văn thuộc thôn Thuỷ Văn xã Phan Thanh, những ngày này nơi đây được ví như một “Cảng hàng Hải”.
Những chiếc ca nô cập bến với đầy ngô, trên bờ nào là xe trâu, xe máy, máy đầu kéo...mọi phương tiện đã được huy động tối đa để chở ngô.
Hầu hết những ruộng ngô đều nằm gần sông nên ngô được đóng vào bao và chất lên thuyền chở ngược Sông Chảy về bản.
Riêng trong vụ xuân năm nay xã Phan Thanh đã trồng được 165 ha ngô, năng suất ước đạt 33,8 tạ trên ha, sản lượng ước đạt 540 tấn.
Nếu nhân với giá hiện nay là 6,5 nghìn đồng/ 1 kg sẽ cho khoảng 400 triệu đồng, là cây trồng cho hiệu quả cao nhất đối với xã Phan Thanh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Đình Vân - Bí thư Đảng uỷ xã Phan Thanh nói: “ Những năm đầu chúng tôi phải rất vất vả để vận động người dân, thậm chí phải ra nghị quyết, giao chỉ tiêu cho từng thôn bản.
Đến nay không phải vận động, cứ đến mùa nước rút là nhân dân trong xã lại tập trung ra hồ canh tác.
Nhờ trồng ngô trên đất bán ngập mà nhiều hộ dân của Phan Thanh đã thoát nghèo”.
Có thể bạn quan tâm
Là một trong những xã nghèo nhất của huyện miền núi Bác Ái, Phước Thành đang tìm kiếm và áp dụng nhiều mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nhân dân từng bước thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
10 năm qua (2003 - 2012), các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.
Những năm trước đây, gia đình ông Chí A Câu là một trong những hộ thuộc diện nghèo ở Cây Gáo. Dù làm nhiều nghề khác nhau nhưng cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Năm 2009, ông bắt đầu nghề nuôi dê nhờ được hỗ trợ 4 con dê theo Chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo của tỉnh.