Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Lợn
Với bản tính siêng năng, dám nghĩ, dám làm, chị Poòng Thị Luyến, khối 13, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi lợn.
Chị Luyến cho biết: Trước đây, gia đình tôi ở thị xã Mường Lay, thu nhập chủ yếu dựa vào 2.000m2 nương chỉ trồng được 1 vụ lúa. Do sản xuất trên nương, năng suất thấp, thu hoạch chưa đến 4 tạ thóc, gia đình để lại một ít để sử dụng dần, số còn lại bán lấy tiền trang trải cuộc sống, vì vậy mọi chi phí sinh hoạt phải tằn tiện từng đồng.
Năm 1997, gia đình tôi chuyển về thị trấn Mường Chà. Không cam chịu đói nghèo, với số vốn ít ỏi giành dụm được, tôi đầu tư vào nuôi lợn. “Vạn sự khởi đầu nan”, khi mới bắt đầu chăn nuôi do tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên lợn thường mắc dịch tả; có lứa nuôi 14 con thì chết tới 12 con.
Nhiều lúc nản lòng, nhưng cứ nghĩ đến cuộc sống nghèo khó “ăn bữa nay lo bữa mai”, vợ chồng tôi lại quyết tâm làm lại từ đầu. Nghĩ là làm, chị Luyến tiếp tục vay vốn, xây dựng chuồng trại kiên cố, chịu khó học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, tivi, tham quan các hộ nuôi lợn hiệu quả trên địa bàn.
Ban đầu, vốn ít chị Luyến chăn nuôi với quy mô nhỏ 5 con/lứa. Nhờ thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng định kỳ, đàn lợn không mắc bệnh, lớn nhanh. Từ số tiền lãi bán lợn tích lũy dần, chị phát triển quy mô chăn nuôi, đến nay gia đình chị nuôi gần 40 con lợn thịt, mỗi năm cho xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 1,2 tấn lợn thịt.
Cuối năm 2013, chị đầu tư xây hầm chứa biogas để xử lý toàn bộ chất thải từ lợn vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại tiết kiệm chi phí mua củi. Ngoài chăn nuôi lợn, chị Luyến còn nấu rượu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con trong phố, nhằm tăng nguồn thu nhập.
Bỗng rượu được tận dụng làm thức ăn cho lợn. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị thu lãi gần 60 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống ngày càng khấm khá. Ngôi nhà nhỏ trước đây giờ đã được thay bằng ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi; nhiều tiện nghi mới được sắm sửa, hai con của chị có điều kiện ăn học đàng hoàng.
Là người phụ nữ năng động, tháo vát, không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình, chị Poòng Thị Luyến còn là hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân huyện Mường Chà, thường xuyên giúp các hội viên xóa đói giảm nghèo. Năm 2011, chị Luyến được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Rừng ngập mặn Cà Mau chiếm ½ tổng diện tích rừng ngập mặn Việt Nam, đồng thời Cà Mau cũng là tỉnh chiếm ½ tổng diện tích nuôi và ¼ tổng sản lượng tôm của cả nước. Tuy vậy, nuôi tôm cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng.
Tất cả các biến động bất lợi trong ngành sản xuất và chế biến cá tra thời gian qua dẫn đến nhu cầu phải tái cấu trúc ngành này để đảm bảo phát triển bền vững, và theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), việc tái cấu trúc cần phải bắt đầu từ khâu phân phối.
Theo ông Hai, chanh tứ quý phát trưởng mạnh, trái to, nhiều nước và đặc biệt là không hạt. Tuy dễ trồng nhưng muốn đạt năng suất và chất lượng, người trồng phải biết cách chăm sóc, bón phân, tưới nước đầy đủ trong mùa nắng. Ngoài ra còn phải chú ý đề phòng sâu đục thân, sâu vẽ bùa và các bệnh phấn trắng, bệnh đốm đen có thể làm cho cây suy thoái.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay Việt Nam đã có 44 sản phẩm đạt chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices) của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu - Global Aquaculture Alliance (GAA); trong đó có 17 sản phẩm đạt chứng nhận 1 sao, 12 sản phẩm đạt 2 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, Việt Nam là nước có số lượng sản phẩm đạt 4 sao nhiều nhất trên thế giới.
Đại úy Nguyễn Ngọc Ry, Phó trạm kiểm soát Biên phòng Đà Rằng cho biết, hiện còn 161 tàu của ngư dân phường 6 đang khai thác cá ngừ đại dương tại khu vực quần đảo Trường Sa. Dự kiến từ ngày 20 đến 28 tháng Chạp (ngày 8 đến 16/2) các tàu này sẽ cập cảng để ngư dân đón Tết Nguyên đán Ất Mùi.