Thoát nghèo nhờ nuôi cá trong hồ thủy lợi
Từ năm 2005, anh Trần Công Bảo (SN 1986) ở khối Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đầu tư xây dựng lồng bè trên lòng hồ thủy lợi Thiết Đính nuôi cá. Hiệu quả của việc nuôi cá lồng đã giúp gia đình anh thoát khỏi cảnh nghèo.
Anh Bảo dùng xuồng đi kiểm tra lồng cá hàng ngày
Trên chiếc xuồng nhỏ, anh Trần Công Bảo đưa chúng tôi ra dãy lồng nuôi cá trên hồ Thiết Đính. Vừa cho cá ăn, anh Bảo vừa vui vẻ cho biết, trước đây anh đã nuôi cá trên các hồ đập tự nhiên, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, độ rủi ro cao dẫn đến thu nhập bấp bênh.
Sau một thời gian tìm hiểu, đầu năm 2005, từ số vốn tích lũy từ nuôi heo, bò, anh đầu tư hơn 50 triệu đồng làm 1 bè nuôi cá với 3 ô lồng. Mỗi ô lồng hình vuông có thể tích hơn 36m3. Mỗi ô lồng anh thả nuôi từ 4.000 - 4.500 con, chủ yếu là cá diêu hồng và cá trê lai.
Theo anh Bảo, mặt hồ thoáng rộng, lưu lượng nước thay đổi liên tục nên cá hầu như được “vô nhiễm” với dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp, chỉ khoảng 5%. Để hạn chế sự thất thoát thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, anh Bảo cho cá ăn toàn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, có hàm lượng đạm từ 20 - 30%.
Để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, mỗi ngày anh phải dùng xuồng đi kiểm tra “sức ăn” của cá, đồng thời làm vệ sinh lồng bè sạch sẽ và phòng bệnh cho cá bằng cách treo túi vôi và trộn thêm vitamin C vào thức ăn cho cá.
“Đặc biệt, để tăng sức đề kháng cho cá, khi được 1 tháng tuổi tôi đã tập cho cá ăn thêm tỏi để quen mùi, sau đó mới tăng dần liều lượng tỏi phù hợp, giúp cá không còn mắc những bệnh trên mang, vảy đồng thời tiêu hóa tốt hơn, tránh được những bệnh do vi khuẩn, virus, nấm gây ra”, anh Bảo chia sẻ.
Cũng theo anh Bảo, nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,7 - 0,8 kg/con. Trung bình mỗi ô lồng cho sản lượng từ 800 - 950kg cá thịt, với giá bán hiện nay từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh, mỗi ô lồng cho lợi nhuận từ 10 - 15 triệu đồng.
Từ năm 2011 đến nay, anh Bảo làm thêm 3 ô nuôi, nâng tổng số ô nuôi lên 6 ô rồi chuyển sang hình thức nuôi gối đầu để tháng nào cũng có cá cung ứng cho các chủ vựa, nhà hàng và các dịch vụ tiệc cưới trong và ngoài huyện, mỗi năm thu khoảng 180 triệu đồng lãi ròng. Ngoài nuôi cá, anh Bảo còn nuôi thêm 6 bò thịt và sinh sản, trồng 300 trụ tiêu và 3ha keo lai trên vùng đất ven hồ. Hiện hồ tiêu và keo lai của anh cũng đã cho thu hoạch.
Anh Bảo cho cá ăn
Từ việc nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy lợi kết hợp trồng trọt, vốn từng là hộ nghèo nhưng hiện gia đình anh Bảo đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang, bề thế. “Để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tôi đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, học hỏi thêm kinh nghiệm để tiếp tục đầu tư thả nuôi thí nghiệm giống cá Koi Nhật Bản”, Bảo cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Tú, Chủ tịch UBND thị trấn Bồng Sơn chia sẻ: “Hồ thủy lợi Thiết Đính có diện tích gần 30ha, độ sâu trung bình từ 6 - 8m nên nguồn nước dồi dào quanh năm. Hiệu quả từ mô hình của anh Bảo cho đã thấy điều kiện nguồn nước hồ rất phù hợp để phát triển nghề nuôi cá lồng. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ dân khác nhân rộng mô hình để từng bước hướng tới sản xuất hàng hóa”.
Có thể bạn quan tâm
Bước vào cao điểm mùa mưa, bà con cần quan tâm các giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa những bệnh nguy hiểm trên tôm để có 1 vụ nuôi thắng lợi
Tình hình dịch bệnh, thời tiết bất thường, giá cả bấp bênh… khiến nghề nuôi thủy sản những năm gần đây gặp khó khăn.
Trong phát triển kinh tế, việc chọn lọc mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, được xã Tường Phong (Phù Yên) đặc biệt quan tâm