Nuôi cá lồng ở Tường Phong
Trong phát triển kinh tế, việc chọn lọc mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, được xã Tường Phong (Phù Yên) đặc biệt quan tâm. Song song với việc ghép mắt nhãn chín muộn và trồng xoài giống Đài Loan trên đất dốc, bà con trong xã còn mạnh dạn phát triển nuôi cá lồng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng vùng lòng hồ, tăng thêm thu nhập và vươn lên làm giàu.
Các hộ dân bản Bèo, xã Tường Phong nuôi cá lồng.
Trao đổi với bà Hà Thị Khuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tường Phong, được biết: Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã trở thành nghề chính của không ít gia đình, xã đã định hướng cho các hộ làm lồng nuôi cá bằng sắt và trang bị thuyền máy để đánh bắt thủy sản, trồng cỏ voi làm thức ăn cho cá.
Nhờ vốn hỗ trợ của huyện, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân, các hộ gia đình được vay vốn, đầu tư kinh phí để làm lồng nuôi cá và mua dụng cụ đánh bắt thủy sản. Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật chuẩn bị lồng nuôi, kỹ thuật chăm sóc cá, được tham gia thực hành thả cá giống do Trạm Khuyến nông và các phòng chuyên môn của huyện tổ chức. Đến nay, toàn xã có 28 lồng cá với 112 hộ nuôi tập trung ở bản Bèo, Hạ Lương và bản Vặm, mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ gia đình, thu nhập bình quân đầu người toàn xã ngày càng nâng lên.
Đến bản Bèo, thăm mô hình nuôi cá lồng của hộ gia đình chị Lường Thị Tin. Khi mới bắt đầu làm lồng nuôi cá, chị gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững được quy trình kỹ thuật nuôi. Sau khi tham gia lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, chị nuôi cá phát triển ổn định. Chị Tin chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu nuôi cá từ năm 2014, đến nay gia đình có 4 lồng cá, chủ yếu các loại cá rô, trắm đen và chép. Ngoài tận dụng lá chuối, củ sắn khô, tôi còn trồng hơn 2.000 m² cỏ voi và đánh bắt các loại cá tạp làm thức ăn cho cá. Nhờ vậy, chi phí nuôi giảm đáng kể, tạo nguồn thu ổn định mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Việc nuôi cá lồng đã giải quyết được phần nào tình trạng thiếu việc làm cho người dân chúng tôi, một số hộ trong bản trở nên khá giả hơn.
Còn ông Sa Văn Hiếu, cùng bản, chia sẻ: Nhận thấy lợi ích từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, được huyện hỗ trợ làm 1 lồng, gia đình tôi vay mượn làm thêm 3 lồng để nuôi cá trắm, mè, vược, lăng, rô phi đơn tính. Việc chăm sóc cá không gặp nhiều khó khăn vì môi trường nước đảm bảo, được cung cấp đủ thức ăn nên cá lớn nhanh. Hiện, gia đình tôi có 4 đến 5 tạ cá thịt, với trọng lượng từ 2 đến 3 kg/con, theo giá bán hiện nay trị giá khoảng 50 triệu đồng. Cá chủ yếu phục vụ bữa ăn của gia đình, bán tại địa phương và các nhà hàng trong huyện. Mỗi năm gia đình tôi thu về hàng chục triệu đồng.
Nuôi cá lồng không những giúp các hộ gia đình có của ăn của để mà còn góp phần làm cho kinh tế của xã ngày càng khởi sắc. Nhân dân trong xã, nhất là những bản sống dọc lòng hồ đã mở rộng quy mô lồng cá, kết hợp đánh bắt thủy sản trên sông để tạo thu nhập. Tuy nhiên, cá lồng Tường Phong vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định. Mong rằng chính quyền địa phương cần có định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh việc phát triển ồ ạt, dẫn tới khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất, vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản đã phát triển đáng kể trong những thập niên gần đây và ngày nay đã trở thành một trong những ngành sản xuất thực phẩm
Bước vào cao điểm mùa mưa, bà con cần quan tâm các giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa những bệnh nguy hiểm trên tôm để có 1 vụ nuôi thắng lợi
Tình hình dịch bệnh, thời tiết bất thường, giá cả bấp bênh… khiến nghề nuôi thủy sản những năm gần đây gặp khó khăn.