Thoát nghèo nhờ kỹ thuật chăn nuôi mới
Nuôi lợn nái phát triển kinh tế gia đình
Trong lần công tác mới đây tại Bắc Kạn, chúng tôi có dịp làm việc với Điều phối viên của Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật về giảm nghèo bền vững Nguyễn Văn Mạnh để tìm hiểu về các mô hình hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững và lựa chọn mô hình nuôi lợn nái sinh sản tại một nơi cách trung tâm thị xã Bắc Kạn 60 km…
Ngày hôm sau, chúng tôi xuất phát đến xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới. Ngồi trên xe anh Mạnh chia sẻ: “Rất may là hôm nay trời không mưa nên chúng ta mới có cơ hội “mục sở thị”, nếu không dù có muốn thì cũng chịu bởi đường xá trơn trượt cộng sạt lở hoặc có vào được thì khi ra cũng mất đến 5 - 7 ngày… Nhà báo đến rồi mới thấy được những khó khăn của công tác giảm nghèo cũng như nỗ lực của rất nhiều thành phần, đặc biệt là tính chủ động của chính người nghèo…”.
Mai Lạp có tổng số 7 thôn thì có tới 4 thôn với 24 hộ dân được thụ hưởng chương trình hỗ trợ nuôi lợn nái sinh sản, tổng kinh phí gần 154 triệu đồng… Ông Nông Văn Bích - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Đối tượng hỗ trợ là những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện (trình độ, sức khỏe, kinh nghiệm và điều quan trọng là ý thức tự vươn lên) sẽ nhận hỗ trợ 1 con lợn nái trên 20 kg nuôi khoảng 4 tháng, sau khi lợn sinh sẽ nhường lại 2 con cho hộ nghèo khác nhằm nhân rộng mô hình…”
Có mặt tại nhà anh Lý Văn Hoan (thôn Khau Ràng) cách trung tâm xã 5 km, đại diện lãnh đạo UBND xã cho hay: “Trước năm 2012 gia đình anh thuộc diện đói kinh niên, nhà tranh tạm bợ với 6 nhân khẩu chỉ dựa vào 2 sào lúa nước, thời điểm giáp hạn chủ yếu trông chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước. Đầu năm 2013, gia đình anh được hỗ trợ 13 triệu đồng để dựng nhà, rồi mạnh dạn nhận thêm 1 ha trồng rừng... Đặc biệt, tháng 3/2013, Dự án hỗ trợ Kỹ thuật về giảm nghèo bền vững hỗ trợ 1 con lợn nái gần 20kg, trị giá trên 8 triệu đồng làm kế sinh nhai…
Có được phương tiện sản xuất là chính con lợn nái, gia đình họp bàn và giao cho vợ của anh Lý Văn Hoan phụ trách chăn nuôi cùng với sự hỗ trợ của cả nhà với các đầu mối liên hệ là bác sỹ thú ý xã, cán bộ khuyến nông và lãnh đạo UBND xã phụ trách mảng này… Sau hơn 5 tháng, đến thời điểm lợn nái động dục, cán bộ thú y đến tận nhà hướng dẫn phương pháp chăm sóc, tăng khẩu phần ăn… và hơn 3 tháng sau lứa lợn đầu tiên có 13 con. Theo hợp đồng, anh Hoan chuyển giao 2 con cho hộ nghèo gần nhà và bán 8 con khác thu về trên 5 triệu đồng. Hiện trong chuồng của gia đình còn 1 lợn nái mẹ và 3 lợn con 3 tháng tuổi…
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Hoan chia sẻ: “Để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài sự quan tâm động viên trực tiếp của Điều phối viên dự án PRPP, UBND xã, cán bộ khuyến nông, thì những kiến thức được phổ biến trong các buổi tập huấn, hướng dẫn chăm sóc, phòng dịch cho lợn là rất cần thiết. Đặc biệt là vai trò của cán bộ thú y đã trợ giúp rất nhiều cho gia đình, từ khâu chọn giống, công đoạn phối giống, thức ăn cho lợn mang thai, chăm sóc và nuôi lợn con…”
Nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo
Cũng tại Bắc Kạn, nuôi bò vỗ béo là mô hình đang được người dân ở thôn Củm Nhá, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn triển khai với những kết quả đáng ghi nhận. Được biết, Lãng Ngâm là một xã vùng cao, đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, tốc độ rửa trôi, xói mòn mạnh. Diện tích đất canh tác phân bố không đều và ít có khả năng mở rộng, trong khi đó lại chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, nóng lạnh thất thường, nắng hạn, rét đậm, rét hại… ảnh hưởng nhiều đến cây trồng, vật nuôi.
Củm Nhá cách trung tâm xã Lãng Ngâm khoảng 8 km nhưng chúng tôi phải mất gần 3 tiếng đồng hồ đi xe máy và lội bộ vào đến tận nơi Dự án PRPP hỗ trợ nuôi bò vỗ béo với mức 20 triệu đồng/con/hộ. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Lãng Ngâm, ông Chu Văn Hân nhận xét: “Trên địa bàn xã hiện có 28 hộ được hỗ trợ từ dự án nuôi bò vỗ béo, đây là sự giúp đỡ rất cần thiết giúp bà con giải quyết trước mắt về thu nhập. Từ khi mua bò gầy đến lúc bán bò khi đã vỗ béo khoảng 5 tháng sẽ thu về cho gia đình từ 8 - 12 triệu đồng. Tuy nhiên, điều kiện để được hỗ trợ, trước tiên phải là hộ nghèo, cận nghèo, tiếp đó phải có kinh nghiệm và ý thức trong việc phát triển kinh tế gia đình cũng như tham gia đầy đủ các buổi tập huấn kỹ năng nuôi và cách phòng, chữa bệnh cho gia súc…”
Nhà của gia đình anh Hoàng Việt Hùng (sinh năm 1987, dân tộc Mông) nằm cheo leo trên vách núi. Chỉ tay vào chuồng bò, hiện đang có 3 con, anh Hùng cho biết: “Mình nhận bò của dự án từ tháng 3/2013, sau 5 tháng nuôi vỗ béo, bán được lời 9 triệu đồng, mua lại con khác giá 19 triệu và thêm tiền đầu tư 1 con bê với giá 8 triệu… Trong thời gian nhận bò về nuôi, cán bộ thú y và khuyến nông thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và có những chỉ dẫn bổ sung thức ăn giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh.
Trưởng thôn Củm Nhá, anh La Văn Pi A khoe: Gia đình anh Hùng dành dụm được trên 15 triệu đồng cộng với vay mượn trong dòng họ cũng như sự trợ giúp công sức của hàng xóm láng giềng dựng được ngôi nhà gỗ với diện tích trên 40m2 trị giá trên 30 triệu đồng. Hiện tại, thôn có 29 hộ với 127 nhân khẩu, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn trên 30% song trong thời gian tới cùng với định hướng tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch kết hợp với việc nhân rộng mô hình phát triển kinh tế phù hợp như gia đình anh Hùng hy vọng người dân Củm Nhá sẽ từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững…
Có thể bạn quan tâm
Niên vụ cà phê 2014-15 mới qua. Một năm mua bán mới vừa bắt đầu. Nhìn lại hoạt động một năm qua, Hiệp hội Cà phê & Ca Cao Việt Nam cho rằng đây là một niên vụ cà phê “đau buồn”. Thử tìm hiểu lý do vì sao.
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối cho biết, từ nay đến năm 2020 và định hướng 2030, cả nước chưa cần xây dựng thêm các cơ sở chế biến mới càphê, hồ tiêu, chỉ chú trọng đầu tư bổ sung,...
Vị Xuyên là một trong 3 huyện trọng điểm phát triển cây cam sành của tỉnh Hà Giang. Theo kế hoạch, năm 2015, huyện sẽ trồng mới 200ha cam sành. Trong tháng 7 và tháng 8, Vị Xuyên đã trồng mới được 150ha cam sành trên địa bàn 9 xã, thị trấn, nâng tổng diện tích cam sành lên 480ha.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Lai Châu tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho 30 học viên là cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông đến từ các huyện trong tỉnh.
Thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống sấy lúa năng suất 30 - 50 tấn/mẻ tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2013 - 2015, trong năm 2015.