Nuôi ốc bươu đen lấy trứng
Chỉ vỏn vẹn 4.000m2 đất nhưng hàng tháng cho thu nhập gần cả trăm triệu đồng. Đây chính là hiệu quả của mô hình Nuôi ốc bươu đen lấy trứng của gia đình bà Nguyễn Thị Thu, ngụ ấp Láng Đao, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.
Gia đình bà Thu hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc bươu đen lấy trứng cho người dân địa phương
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm; đồng thời, ngán ngẩm với điệp khúc “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu lên mạng tìm tòi học hỏi các mô hình làm kinh tế hiệu quả. Sau thời gian tìm tòi, vợ chồng bà Thu quyết định chuyển 4.000m2 đất trồng lúa cho năng suất thấp sang nuôi ốc bươu đen lấy trứng.
Bà Thu cho biết: “Những năm nay, ốc bươu đen trở thành đặc sản và ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên. Nhận thấy đặc điểm của ốc bươu đen rất dễ nuôi, không cần phải bỏ vốn nhiều và ít công chăm sóc, thức ăn chủ yếu tận dụng từ thiên nhiên; đồng thời, trên địa bàn chưa có nơi nào nuôi ốc bươu đen lấy trứng mà chủ yếu nuôi ốc thương phẩm, con giống phải nhập từ nơi khác về thường không rõ nguồn gốc dẫn đến hao hụt rất nhiều nên tôi mạnh dạn trồng bông súng kết hợp nuôi ốc bươu đen lấy trứng. Với 4.000m2, chỉ sau 6 tháng nuôi, mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch được 5-6kg trứng, bán với giá 1,5 triệu đồng/kg, thời gian thu hoạch kéo dài 5-6 tháng. Ngoài bán trứng, gia đình tôi còn đem ấp để bán con, với giá bán 400 đồng/con, bình quân mỗi kilôgam trứng nở từ 8.000-10.000 ốc con. Bên cạnh đó, hàng ngày, gia đình tôi còn thu hoạch khoảng 50kg bông súng, bán với giá 5.000 đồng/kg. Có lợi nhuận khá cao từ mô hình thí điểm, vợ chồng tôi quyết định chuyển gần 3ha đất trồng lúa sang nuôi ốc bươu đen lấy trứng”.
Kỹ thuật nuôi ốc bươu đen lấy trứng không quá khó. Với đặc điểm của ốc bươu đen là "ở sạch”, do đó người nuôi cần chú ý đến nguồn nước và cách thức cho ăn. Cụ thể, nguồn nước phải sạch, cho ốc ăn không được quá no, không được cho ăn bầu, mướp quá nhiều, chủ yếu cho ăn lá bông súng hay bèo. Còn việc lấy trứng phải canh sáng sớm, không được lấy khi nắng gắt sẽ làm cho tỷ lệ hao hụt trứng cao. Bên cạnh đó, để tỷ lệ ốc con nở đạt cao, sau khi lấy trứng phải để ngay vào thùng ấp, tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên.
Ông Nguyễn Văn Đực (chồng bà Thu) cho biết: “Do không để ý nguồn nước người dân mới xịt thuốc mà gia đình tôi bơm nước vào ao nuôi ốc dẫn đến ốc chết hơn 80%. Mô hình Nuôi ốc bươu đen lấy trứng tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng khá "mạo hiểm", chỉ cần sơ suất một chút là thiệt hại nặng nề. Hiện nay, gia đình tôi đang ươm lại từ đầu nhưng tin chắc mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp mấy lần so với diện tích trồng lúa cho năng suất thấp”.
“Tiếng lành đồn xa”, thấy mô hình Nuôi ốc bươu đen lấy trứng mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân ở ấp Láng Đao tìm đến nhà vợ chồng bà Thu học hỏi cách nuôi. Tại đây, vợ chồng bà Thu nhiệt tình hướng dẫn; đồng thời, làm đầu mối ký kết với người nuôi bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Bà Thu cho biết thêm: “Hiện nay, nhu cầu mua trứng ốc hoặc ốc giống rất nhiều, thương lái từ Bắc vào Nam đều có nhu cầu nhưng gia đình tôi vẫn không cung cấp đủ cho thương lái. Do đó, tôi hướng dẫn 5 người ở cùng xã nuôi ốc và thu mua lại, với khoảng 5ha. Bình quân 1ha chỉ cần bỏ vốn khoảng 35 triệu đồng và sau thời gian ngắn đã bắt đầu có lợi nhuận mà lại nhàn rỗi, không phải vất vả nhiều”./.
Có thể bạn quan tâm
Bước đầu, ông Tuấn đã thành công với mô hình nuôi ba ba thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiên phong đưa hoa cúc Đà Lạt về trồng tại Gia Lai theo hướng công nghệ cao, 2 thanh niên đã gặt hái được nhiều thành công với thu nhập hàng tỷ đồng.
Một công việc ổn định để lập nghiệp - anh Nguyễn Ngọc Thạch (SN 1996, ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đang khá thành công với việc kinh doanh cá cảnh.