Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thiết Thực Từ Việc Trao Cần Câu

Thiết Thực Từ Việc Trao Cần Câu
Ngày đăng: 30/07/2014

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt Đề án 1956) thực hiện trên địa bàn tỉnh ta với nhiều giải pháp đồng bộ đã cơ bản đạt được một số mục tiêu, kết quả đề ra. Quan trọng nhất đó là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Sau khi học nghề, nông dân phường Sông Đà, TX. Mường Lay chuyển sang trồng nấm tăng thu nhập. Trong ảnh: Mô hình trồng nấm của gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, tổ dân phố 6, phường Sông Đà. Ảnh: Minh Thùy

Tuyên truyền, hướng nghiệp đi trước một bước

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khi trao đổi với chúng tôi về cách làm trong quá trình thực hiện Đề án 1956.

Lý giải vấn đề này, ông Nghị cho rằng: Để người dân, nhất là đối tượng cần tuyên truyền hiểu mục đích, ý nghĩa của việc học nghề, từ đó tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia việc tuyên truyền phổ biến, tư vấn học nghề và định hướng việc làm đóng vai trò quan trọng.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh thường xuyên tuyên truyền tới người dân bằng nhiều hình thức, như: thông qua các buổi tư vấn, tuyên truyền của các hội, đoàn thể, các cấp, ngành và chính quyền địa phương về nội dung chính sách của Đề án; định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phổ biến cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với nông dân tham gia học nghề; cung cấp thông tin hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm hiệu quả cho lao động nông thôn…

Hơn 4 năm qua, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho trên 22.000 lượt người; đồng thời, lồng ghép với các chương trình phối hợp, tổ chức tuyên truyền, tư vấn công tác đào tạo nghề cho trên 29.000 lượt lao động nông thôn.

Qua đó, góp phần từng bước nâng cao nhận thức cho nhân dân các dân tộc, đặc biệt là định hướng cho lao động nông thôn hiểu được lợi ích của việc học nghề để chủ động lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội.

Cùng với việc tư vấn, hướng nghiệp, tỉnh đã tiến hành khảo sát, bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu thực tế của người lao động; nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp.

Từ đó, giúp việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm sát thực tế; đồng thời có định hướng phát triển đào tạo nghề của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Trong quá trình khảo sát, chú trọng tuyên truyền, vận động người lao động thay đổi việc lựa chọn nghề phù hợp theo nhóm tuổi, phù hợp định hướng phát triển kinh tế gia đình và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động từng địa phương.

Bên cạnh đó là gắn trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ việc điều tra, khảo sát nhu cầu, xác định nghề cần đào tạo đến việc tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng lao động; xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo

Có thể khẳng định, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo trong thực hiện Đề án 1956 đã góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Sau hơn 4 năm thực hiện, toàn tỉnh có 27 ngành nghề được đào tạo theo nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Trong đó, nhóm ngành nông nghiệp với 19 nghề được phần lớn học viên theo học, như: kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho lợn, thủy cầm, trâu, bò; kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây cao su, cà phê, ngô; trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn…

Từ năm 2010 - 2013, trong số 20.638 lao động nông thôn được đào tạo nghề có tới 15.436 người học nghề nông nghiệp, chiếm 74,8%. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2014, trong số 2.495 lao động được đào tạo, chiếm tới trên 80% nghề đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo, lao động sau học nghề đã áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Qua thống kê cho thấy, trên 72% lao động sau học nghề có việc làm, tăng thu nhập; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40,02%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 21,12%.

Tại huyện Điện Biên Đông - tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề còn khá cao so với các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, bắt tay vào thực hiện đề án, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện theo đúng quy trình từ khâu khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề; trong đó, chú trọng tư vấn, định hướng việc làm cho nông dân.

Sau hơn 4 năm triển khai, chất lượng lao động nông thôn qua đào tạo đã có những chuyển biến rõ nét, không chỉ đơn thuần là tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo mà còn thể hiện qua chất lượng lao động sau đào tạo, hơn 80% lao động sau học nghề có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

Chia sẻ về cách làm, ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: Trình độ dân trí còn hạn chế; vì thế, việc đả thông tư tưởng cho người dân học cái gì và làm gì sau học nghề là vấn đề mấu chốt. Vì vậy, cán bộ làm công tác dạy nghề phải nắm chắc nội dung, chính sách để giải đáp, tuyên truyền cho người dân, giúp bà con tin tưởng và tạo động lực đăng ký học nghề, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã mở 12 lớp đào tạo nghề cho 412 lao động nông thôn; 100% nông dân theo học nghề nông nghiệp, như: trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị các bệnh cho trâu, bò, lợn… phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của gia đình và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 

Trên thực tế, trong điều kiện đời sống của lao động nông thôn tỉnh ta còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế. Do đó, cùng với việc đổi mới và mở rộng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, tăng cơ hội tìm việc làm, ổn định cuộc sống của lao động sau đào tạo, rất cần có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp sử dụng lao động; cơ chế tiếp cận nguồn vốn tín dụng… để người lao động tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Ngăn Chặn Kịp Thời Ổ Dịch Cúm Gia Cầm Ngăn Chặn Kịp Thời Ổ Dịch Cúm Gia Cầm

Như tin đã đưa, trong những ngày qua, tại trang trại chăn nuôi gà của ông Dương Văn Hoàng (làng Ia Tông, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm trên đàn gà. Nhờ phát hiện sớm, ổ dịch cúm gia cầm này đã được các cơ quan chuyên môn tiêu hủy, không để lây lan trên diện rộng.

21/01/2014
Đẩy Mạnh Tái Đàn, Khôi Phục Chăn Nuôi Sau Tết Đẩy Mạnh Tái Đàn, Khôi Phục Chăn Nuôi Sau Tết

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) vừa có công văn đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư triển khai các giải pháp đẩy mạnh đầu tư tái đàn, khôi phục sản xuất sau Tết Nguyên đán.

21/01/2014
Người Nuôi Gà Thương Phẩm Gặp Khó Vì Giá Người Nuôi Gà Thương Phẩm Gặp Khó Vì Giá

Sắp Tết nhưng người chăn nuôi gà đang lo… mất Tết vì bù lỗ, nhất là tại Yên Thế (Bắc Giang), huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất cả nước hiện nay.

21/01/2014
Làm Giàu Từ Nuôi Chim Cút Làm Giàu Từ Nuôi Chim Cút

Năm 2007, sau khi đi tham quan mô hình nuôi chim cút của một người quen ở xóm Mỹ Trọng, anh Hoàng Trung Sơn, thôn Thượng, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) đã mở trang trại nuôi chim cút. Trải qua nhiều gian truân và thất bại, giờ đây anh Sơn đã có 4 giàn chuồng nuôi chim cút khá quy mô với số lượng lúc cao điểm lên đến trên 1 vạn con.

21/01/2014
Nuôi Lợn Bán Hoang Dã Công Nhỏ Lãi Lớn Nuôi Lợn Bán Hoang Dã Công Nhỏ Lãi Lớn

Ngay tại thị xã Bắc Kạn, những mô hình nuôi lợn lai rừng theo hình thức bán hoang dã đã được thực hiện hiệu quả. Nông hộ bỏ vốn đầu tư không quá lớn; công chăm sóc ít mà thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nuôi lợn bán hoang dã đang hứa hẹn trở thành hướng làm kinh tế hiệu quả cao.

21/01/2014