Thị trường lúa gạo Châu Á: Giá tăng ở Việt Nam, giảm ở Ấn Độ và vững ở Thái Lan
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần do nhu cầu gia tăng trên thị trường nội địa và lo ngại khô hạn ở khu vực sản xuất lúa chính, trong khi đó giá tại các trung tâm xuất khẩu khác ở Châu Á giảm do nội tệ yếu đi.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá tăng lên 360 – 370 USD/tấn, từ mức 360 USD/tấn kéo dài suốt nhiều tuần trước đó.
“Nhu cầu mua gia tăng và các nhà xuất khẩu đang cố gắng thu gom gạo để thực hiện những hợp đồng đã ký từ hồi đầu năm”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Giá gạo tăng cũng bởi các tỉnh ĐBSCL đang bị khô hạn trúng thời điểm nông dân bắt đầu gieo trồng lúa vụ Hè Thu.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giá giảm xuống khoảng 375-378 USD/tấn, từ mức 377-380 USD/tấn cách đây một tuần.
“Nhu cầu từ khách hàng Châu Phi và Châu Á đều yếu, mặc dù giá đã giảm”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) cho biết.
Trung Quốc đang tích cực bán gạo dự trữ từ những vụ trước cho khách hàng Châu Phi và điều này càng khiến giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ bị cạnh tranh mạnh hơn. Đồng rupee đã giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần so với USD vào ngày 25/5/2019 cũng góp phần gây áp lực lên giá gạo xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ giai đoạn tháng 4 /2018 – 2/2019 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 10,57 triệu tấn, do khách hàng Bangladesh giảm mua bởi trong nước được mùa.
Trong khi đó, do giá giảm, Chính phủ Bangladesh đang xem xét xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Nước này cấm xuất khẩu một số loại gạo thường từ tháng 5/2018, và đến cuối năm 2018 cấm xuất tất cả các loại gạo.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện ở mức 385 – 388 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 390 – 411 USD/tấn cách đây một tuần, chủ yếu do đồng baht yếu đi so với USD.
“Mặc dù giá giảm song gạo Thái Lan vẫn khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ hay Việt Nam”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Tuy nhiên, nước này năm nay có thể bị hạn hán nên các nhà kinh doanh lúa gạo vẫn lo ngại thiếu hụt nguồn cung mặt hàng này.
Một số thông tin lúa gạo khác
Campuchia xem xét khiếu nại quyết định áp thuế gạo của EU
Theo Bộ Thương mại Campuchia, nước này đang thảo luận với các chuyên gia pháp lý về việc có nên khiếu nại chống lại quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về việc áp thuế nhập khẩu đối với gạo Indica của hay không.
Hãng tin Reuters ngày 11/4/2019 đưa tin Campuchia đã đệ trình một đơn phản đối lên Tòa án Công lý châu Âu về việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế nhập khẩu đối với gạo của nước này.
EU áp thuế quan trong thời hạn 3 năm liên tiếp (kể từ tháng 1/2019) đối với gạo xuất khẩu từ Campuchia và Myanmar như một biện pháp bảo vệ các nhà sản xuất trong khối, chẳng hạn như Italia, sau khi phát hiện ra gạo Indica nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar đã tăng 89% trong 5 mùa vụ vừa qua. Đồng thời, nhập khẩu gạo giá rẻ cũng tăng mạnh làm giảm thị phần của các nhà sản xuất EU tại Châu Âu từ 61% xuống 29%.
Gạo Indica từ hai nước trên phải chịu mức thuế 175 EUR (tương đương 197,31 USD)/tấn trong năm đầu tiên, giảm xuống 150 EUR trong năm thứ hai và 125 EUR trong năm thứ ba.
Myanmar đổ lỗi cho công ty Singapore về thiệt hại của ngành gạo
Vietnambiz đưa tin, các nhà kinh doanh gạo của Myanmar đang đổ lỗi cho Olam International - Tập đoàn sản suất các sản phẩm nông sản hàng đầu thế giới, có trụ sở chính tại Sinhgapore – vì gây thiệt hại cho danh tiếng của ngành lúa gạo nước này. "Chúng tôi sẽ thành lập một nhóm làmviệc và gặp gỡ các quan chức liên quan của Olam để xem có thể làm gì để khắc phục tình hình", ông U Aung Soe, Thư kí thường trực của Bộ Thương mại Myanmar (MOC), phát biểu tại buổi gặp mặt giữa các công ty xuất khẩu gạo địa phương và cơ quan chính phủ có liên quan tại Nay Pyi Taw trong ngày 22/4/2019. Olam đã không có mặt tại cuộc họp.
Tháng 9 năm ngoái, ba công ty Myanmar đã bán hơn 20.000 tấn gạo cho Olam. Số gạo này được Olam vận chuyển trên tàu chở hàng MV Ocean Prince đến Guinea, Tây Phi, nơi gạo được Công ty phân phối lại cho các thị trường trên khắp Châu Phi, theo Myanmar Times.
Ngày 17/4/2019, các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin rằng Bờ Biển Ngà đã hủy 18.000 tấn gạo từ Myanmar sau khi các quan chức y tế tuyên bố lô gạo không đáp ứng tiêu chuẩn làm lương thực cho người. Theo ông U Aung Soe, số gạo từ Myanmar bị hư hại do điều kiện vận chuyển kém, bị thiệt hại do mưa. "Hành trình dài từ Myanmar đến châu Phi cũng làm giảm chất lượng hàng hóa khi bị chính quyền Bờ Biển Ngà kiểm tra, khiến họ hủy toàn bộ lô hàng", ông nói. Các quan chức MOC lo ngại thiệt hại gây ra cho danh tiếng của đất nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu gạo trong tương lai.
Gạo đặc sản Philippines tìm kiếm cơ hội tại Nhật Bản
Philippines đang yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường gạo đặc sản như một phần của các cuộc đàm phán một hiệp định thương mại song phương hoàn thiện. Ceferino Rodolfo, một thành viên của ủy ban Philippines trong Hiệp định đối tác kinh tế Philippines - Nhật Bản (PJEPA), cho biết Manila sẽ cố gắng thuyết phục Nhật Bản mở cửa thị trường cho xuất khẩu gạo đặc sản của Philippines.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường trái cây tuần đến ngày 19/4/2019 chứng kiến lô xoài đầu tiên của Việt Nam chính thức xuất khẩu sang Hoa Kỳ - trở thành loại quả tươi thứ 6
Giá lúa mì Nga trong tuần kết thúc ngày 19/4/2019 giảm, do triển vọng cây trồng năm 2019 cải thiện, trong khi nhu cầu yếu.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo giảm xuống khoảng 2 triệu bao (60 kg/bao) trong tháng 4/2019 từ 2,87 triệu bao trong tháng trước do nông dân không muốn bán