Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Thị trường hải sản: Mát lòng mùa mở biển

Thị trường hải sản: Mát lòng mùa mở biển
Tác giả: Thanh Nhị
Ngày đăng: 15/03/2017

Một đêm đánh bắt gần bờ, mỗi tàu cá có thể thu vài chục triệu đồng. Cá biệt, có tàu trúng đậm các loại đặc sản, số tiền thu được phải đến hàng trăm triệu đồng. Nghề khơi rộn ràng, nghề bờ cũng có thu nhập không kém...

Trong ảnh: Sơ chế cá cơm mờm xuất khẩu tại cơ sở chế biến cá khô của ông Võ Văn Pháp (Bình Châu - Bình Sơn)

Vui vì được mùa, được giá

Tại cảng cá Sa Kỳ, Tịnh Kỳ vào những ngày này, tàu vừa cập cảng, ngư dân cùng các  bạn thuyền nhanh chóng chuyển cá lên bờ tiêu thụ. Giá cả có giảm hơn những ngày sau Tết, nhưng bù lại sản lượng đánh bắt tăng cao, nên trừ chi phí, ngư dân  và bạn thuyền có thu nhập khá.

Ngư dân Huỳnh Văn Phương, thôn Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: "Cách đây một tháng, giá cá nục khoảng 50.000 đồng/kg. Còn hiện tại từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. So với mọi năm, giá này là tốt lắm rồi!". Nhiều ngư dân khác thì bảo: "Khai thác sản lượng đạt hơn những năm trước, giá bán ổn định ở mức cao. Mùa mở biển như vầy, bà con ngư dân sống khỏe!".

Chủ vựa cá Lực Lệ Trương Quang Lực (cảng cá Sa Kỳ), cho biết: "Thời điểm này, ngư dân đánh bắt sản lượng đạt cao, chất lượng cá rất tốt, giá cả cũng ổn định". Mỗi ngày vựa cá Lực Lệ thu mua hàng trăm tấn cá các loại, chủ yếu là cá nục và cá chuồn. Được mùa, được giá, những con tàu khi chở cá về bến, vừa bán xong lại quay mũi thẳng tiến ra khơi.

Mùa của "hàng xuất khẩu"

Sản lượng đánh bắt gần bờ ở vùng biển Quảng Ngãi hiện tại một phần cung cấp cho một số tỉnh Tây Nguyên, còn phần lớn chế biến xuất đi Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ông Võ Văn Pháp, chủ cơ sở chế biến cá khô ở thôn Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: "Ba bốn năm nay, vùng biển này mới có cá cơm mờm xuất hiện. Đây là loại cá thị trường Đài Loan rất ưa chuộng. Cá mua về, chỉ cần sơ chế theo cách hấp chín, đưa vào lò sấy cho vừa cứng con cá là đem ra, đóng gói, thương lái đến nhập hàng ngay. Giá dao động từ 250.000 - 400.000 đồng/kg, tùy chất lượng hàng và tùy từng thời điểm".

Các loại cá nục phục vụ xuất khẩu cũng có giá hơn bán trên thị trường trong nước. Hiện tại, cá nục qua sơ chế xuất khẩu giá dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Để có cá đạt tiêu chuẩn sơ chế xuất khẩu, các cơ sở thu mua chế biến cá ở Bình Sơn phải sắm ghe chạy theo tàu đánh bắt cá để mua ngay khi cá vừa vớt lên, rồi tăng tốc chở cá vào bờ, đưa vào lò hấp, sấy...

Hiện tại, những loại cá không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được các chủ cơ sở sản xuất mắm, đặc biệt là ở Đức Lợi (Mộ Đức) và các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận thu mua ồ ạt. Vì thế sự cạnh tranh về giá cũng diễn ra khá gay gắt. Ngư dân không còn nỗi lo thiếu nơi tiêu thụ, giá thấp như những mùa biển đầu năm của những năm trước. Giá thu mua cá để chế biến mắm hiện nay dao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại cá.

Những phiên biển đánh bắt gần bờ đầu năm được mùa, được giá đã tạo niềm vui, động lực cho ngư dân bám biển không ngơi nghỉ. Nghề khơi phát triển kéo theo nghề bờ như cung ứng nhiên liệu, đá lạnh, lưới, lương thực, thực phẩm... cũng gia tăng mạnh.


Có thể bạn quan tâm

Công nghệ bảo quản thủy sản sau thu hoạch Công nghệ bảo quản thủy sản sau thu hoạch

Bảo quản sản phẩm sau thu hoạch là một khâu quan trọng nhằm tăng giá trị của sản phẩm. Sau đây là những hệ thống, thiết bị đã được ứng dụng thành công tại nước

14/03/2017
Cà Mau: Phát triển con tôm gắn bảo vệ môi trường Cà Mau: Phát triển con tôm gắn bảo vệ môi trường

Phát triển nuôi tôm gắn với bảo bệ môi trường sinh thái - đó là chỉ đạo đầy tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm

14/03/2017
Rủi ro từ buôn lậu tôm sang Trung Quốc Rủi ro từ buôn lậu tôm sang Trung Quốc

Buôn lậu tôm sang Trung Quốc ngày càng nóng. Nếu Chính phủ Trung Quốc quyết tâm tăng cường kiểm soát biên giới để triệt phá tôm nhập lậu, lúc đó, ngành tôm toàn

14/03/2017