Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Cà Mau: Phát triển con tôm gắn bảo vệ môi trường

Cà Mau: Phát triển con tôm gắn bảo vệ môi trường
Tác giả: Phú Hữu
Ngày đăng: 14/03/2017

Phát triển nuôi tôm gắn với bảo bệ môi trường sinh thái - đó là chỉ đạo đầy tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau vào đầu tháng 2 vừa qua. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.

Trong ảnh: Cà Mau có 34 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu   Ảnh: Phú Hữu

Tận dụng lợi thế

Sản lượng nuôi trồng thủy sản của Cà Mau hiện đạt 282.000 tấn, trong đó, tôm đạt 146.000 tấn; năng suất tôm nuôi bình quân 521 kg/ha/năm, nuôi tôm nước lợ đạt ngưỡng 278.000 ha. Cà Mau có 34 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất 150.000 tấn thành phẩm/năm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau khoảng 1 tỷ USD. Hệ thống dịch vụ nghề nuôi tôm phát triển khá, nguồn lao động dồi dào. Nuôi tôm là nghề có thế mạnh đặc biệt nơi đây, trên đà phát triển, Cà Mau cùng các doanh nghiệp thủy sản quyết tâm xuất khẩu tôm đạt ngưỡng 2 tỷ USD vào năm 2021.

Hiện Cà Mau duy trì và phát triển các loại hình nuôi tôm, bao gồm cả nuôi công nghiệp (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) diện tích gần 9.600 ha. Trong đó, nuôi tôm công nghệ cao là 178,7 ha với 200 hộ nuôi, năng suất thu hoạch trung bình trên 20 tấn/ha/vụ nuôi. Nuôi tôm quảng canh cải tiến với 94.500 ha, diện tích thả giống đạt 100%, năng suất bình quân 540 kg/ha/năm. Việc phát triển nhanh diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong những năm gần đây là do loại hình nuôi này tương đối ổn định, hiệu quả. Cà Mau cũng duy trì sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm; đây là mô hình sản xuất bền vững, đạt hiệu quả khá cao, năng suất tôm 400 - 460 kg/ha/năm. Năm 2016, diện tích tôm - lúa toàn tỉnh là 50.000 ha, tập trung ở vùng Bắc Cà Mau (các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau).

Và loại hình nuôi tôm - rừng (tôm sinh thái) có diện tích trên 30.000 ha (chỉ tính diện tích mặt nước nuôi tôm). Trong đó, diện tích được chứng nhận khoảng 20.000 ha (Naturland, EU, ASC, Selva Shrimp, BAP...), với trên 3.700 hộ nuôi. Năng suất tôm nuôi khoảng 280 kg/ha/năm. 

Chỉ tính riêng sản lượng tôm nuôi, Cà Mau đã và đang cung ứng 80% nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh. Doanh thu từ xuất khẩu thủy sản nhiều năm qua của Cà Mau vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Chung sức vì ngành tôm cả nước

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản phẩm chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Riêng kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2015 khoảng 535 triệu USD. Ngoài nuôi tôm thâm canh và một số hình thức nuôi khác, lãnh đạo Tập đoàn cũng đang kiến nghị các ngành và địa phương về định hướng phát triển nuôi tôm rừng đước theo hướng vừa bảo vệ, phát triển rừng, vừa nuôi tôm sạch. Theo mô hình này, Minh Phú sẽ liên kết những hộ nông dân thành lập doanh nghiệp xã hội, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung cấp thức ăn hữu cơ giúp nông dân trực tiếp tham gia nuôi tôm tạo nguồn nguyên liệu sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính và có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc tôm. Đây là hướng đi mới, có thể giúp giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương, tận dụng lợi thế Cà Mau có tới 100 nghìn ha rừng và nếu phát triển tốt có thể khuyến khích nông dân trồng rừng và nâng diện tích nuôi tôm trong rừng đước lên tới 200 nghìn ha.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện cung cấp nguồn nguyên liệu mang tính xã hội, liên kết với người dân sản xuất nguồn nguyên liệu sinh thái, có chứng nhận quốc tế, từng bước xây dựng thương hiệu và nâng tầm con tôm Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Cùng đó, công bố thành lập công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng. Bước đầu, doanh nghiệp hợp đồng khoảng 100 hộ dân nuôi tôm tiêu biểu ở Ban quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển để liên kết sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật. Điều này nhằm giúp liên kết các hộ nuôi tôm lại với nhau, cùng nuôi theo quy chuẩn kỹ thuật Công ty đưa ra, tạo ra sản phẩm tôm sinh thái đa chứng nhận bán với giá cao hơn 20 - 30% so tôm không được cấp giấy chứng nhận.

Song song đó, trong năm 2016 vừa qua, tỉnh Cà Mau cũng đã triển khai nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả đã được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai. Đó là mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước, quy mô 30 ha/3 điểm; cho năng suất 380 kg/ha/vụ, lợi nhuận 59,24 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình cánh đồng lớn tôm quảng canh cải tiến ít thay nước với quy mô 250 ha/5 điểm; năng suất 350 kg/ha, lợi nhuận 59 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh năng suất cao, quy mô 1,8 ha/6 điểm; có 5/6 điểm thành công rất cao với lợi nhuận 557 triệu đồng đến 2,25 tỷ đồng. Mô hình nuôi tôm thẻ ương trong ao lót bạt, nuôi trong ao đất với quy mô 2,5 ha/5 điểm; có 3/5 mô hình đạt hiệu quả với lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Trước hiệu quả trên, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau triển khai nhân rộng 3 mô hình hiệu quả trên phạm vi rộng cho những hộ có đủ điều kiện trong toàn tỉnh. Đó là mô hình nuôi tôm thâm canh năng suất cao với diện tích 171,8 ha; nuôi tôm thẻ ương trong ao lót bạt, nuôi trong ao đất với diện tích 469,56 ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước 13.335 ha. Các mô hình này được nông dân đánh giá cao bởi tính hiệu quả bền vững, phù hợp trước biến đổi khí hậu hiện nay. 

>> Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Lê Thanh Triều: Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Cà Mau đã xác định 6 ngành hàng ưu tiên đầu tư trọng điểm. Thế nhưng, bên cạnh việc thiếu nguồn lực thì để tránh đầu tư dàn trải, trong giai đoạn 2017 - 2018, tỉnh sẽ tập trung vào 3 ngành hàng ưu tiên đầu tư, trong đó trọng điểm nhất vẫn là phát triển con tôm Cà Mau.


Có thể bạn quan tâm

Dốc lực cho năm 2017 Dốc lực cho năm 2017

Như những nhận định trong năm 2016, thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề nội tại và những thách thức của thị trường

14/03/2017
Kỹ thuật sản xuất cá biến đổi gen Kỹ thuật sản xuất cá biến đổi gen

Ngày nay, công nghệ biến đổi gen đang được phát triển nhanh chóng. Có rất nhiều ứng dụng của công nghệ biến đổi gen cá trong nuôi trồng thủy sản

14/03/2017
Công nghệ bảo quản thủy sản sau thu hoạch Công nghệ bảo quản thủy sản sau thu hoạch

Bảo quản sản phẩm sau thu hoạch là một khâu quan trọng nhằm tăng giá trị của sản phẩm. Sau đây là những hệ thống, thiết bị đã được ứng dụng thành công tại nước

14/03/2017