Làm giàu từ trồng sen
Những cánh đồng sen xanh mướt, trải dài suốt 3 xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Nam (H.Đông Hòa) trong những ngày này khá rộn ràng, tấp nập cảnh thu hoạch sen, buôn bán sen.
Vào mỗi mùa thu hoạch sen, người dân ra đồng từ 4 giờ sáng. Vai mang giỏ, chân lội nước, những người hái sen bước xuống ao, trông gương sen nào đã mập mạp thì bứt cho vào giỏ. Thông thường, người ta hay hái sen vào buổi sáng cho mát trời. Mặt khác, lúc này sen còn tươi nên đỡ hao hụt khi cân. Đến 11 giờ trưa, sen được gom thành đống, sau đó phân loại thành sen khô, sen vàng mơ, sen xanh để thương lái tới mua.
Bà Nguyễn Thị Nưng (ở thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây), là người trồng sen lâu năm, cho biết: Sen khô có giá cao nhất, sau đó mới đến sen vàng và sen xanh. Còn bán xô thì giá khoảng 15.000 đồng/kg. Những thương lái sau khi gom xong sẽ để nguyên gương sen cho vào bao và gửi xe đưa vào TX.Cam Ranh (Khánh Hòa). Tại Cam Ranh, sen sẽ được lột vỏ, lấy tâm, sơ chế sau đó mới theo những chuyến xe bắc - nam đi khắp cả nước. Theo bà Nưng, trước kia sen không nhiều như bây giờ. Những chân ruộng nào ngập úng, hồi trước người ta bỏ hoang giờ được chuyển sang trồng sen nên diện tích sen tăng nhanh, nhiều hồ sen nhìn rất đẹp.
Được người quen mách nước, ông Võ Xuân Nam thuê lại phần đầm trước đây hoang hóa để trồng sen. Chỉ vài năm sau, một hồ sen rộng 3 ha đã hình thành. Vào mỗi vụ thu hoạch, gia đình ông phải thuê người hái sen. Người hái sen thuê được trả công cao hơn so với lao động phổ thông, khoảng 200.000 đồng/ngày. Ông Nam cho hay: “Sen rất dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí phân bón thấp mà cho lợi nhuận cao. Với 3 ha sen, mỗi mùa, gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng”.
Đa số người dân ở H.Đông Hòa trồng sen lấy gương. Chỉ ở những chân đầm trồng sen đã nhiều năm, năng suất giảm, phải thay sen mới, người dân mới đào sen lấy củ rồi trồng mới. Để tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất canh tác, nhiều người nuôi thêm cá, vừa có thêm thu nhập vừa giúp cải tạo môi trường.
Ông Nguyễn Điệp ở xã Hòa Xuân Tây cho biết, ưu thế của cây sen là dễ trồng, thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch chỉ mất khoảng 3 - 4 tháng, chi phí đầu tư thấp, giá sen thường ổn định và thời gian thu hoạch dài. Bên cạnh đó, ao sen rất phù hợp với các loại cá tự nhiên như cá tràu, cá trê, cá rô... là nguồn cung cấp thực phẩm cho gia đình. Với những ao sen có diện tích lớn, nhiều người đầu tư mua cá giống thả thêm. Sau khi kết thúc vụ sen, người ta tiếp tục thu cá, nhờ vậy mà lợi nhuận nhiều hơn.
Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó trưởng phòng Nông nghiệp H.Đông Hòa, đánh giá: “Đông Hòa có diện tích sen tập trung khá lớn, trong đó có một số hộ trồng sen kết hợp với nuôi cá. Việc chuyển đổi diện tích lúa ở vùng thấp trũng không hiệu quả để chuyển sang trồng sen là phù hợp với quy hoạch địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Vì vậy, ở các xã có ao, hồ, bàu, đầm... thuận lợi cho việc trồng sen hoặc trồng sen xen cá thì chính quyền địa phương khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư”.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ chịu khó làm ăn và biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông Đỗ Hữu Bạch ở thôn Đông Phước, xã Hòa An (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đã thoát nghèo, có thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Giống lợn DuDa - S500 là một trong những dòng lợn siêu nạc mới nhất được Công ty TNHH Lợn giống hạt nhân Dabaco (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) nhập và chọn tạo thành công từ Đài Loan (Trung Quốc). Ưu điểm nổi trội của giống lợn này là tỷ lệ nạc cao, lên tới 64%; khi nuôi từ lúc có trọng lượng 8kg tăng lên 120kg, chỉ mất từ 130 đến 136 ngày, tương đương với giống lợn Duroc Mỹ và Ca-na-đa.
Đi nhiều nơi nhưng khi đến thôn Măng Đen, xã Đăk Long, H.Kon Plông (Kon Tum), ông Tôn Thất Nhị thấy đất phù hợp với khoai tây, hoa lay ơn và chanh dây nên bỏ công sức ra làm, đến nay đã thu quả ngọt.