Thí nghiệm thành công nhiều dòng lúa chịu hạn
Viên Nghiên cứu phát triển ĐBSCL vừa tổ chức hội thảo đánh giá khả năng chịu hạn của các dòng lúa thí nghiệm, để có kết quả triển khai rộng trong năm 2021.
Mô hình thực hiện thí nghiệm 26 dòng lúa chịu hạn được cung cấp bởi dự án CROP TRUST và 4 giống đối chứng IR64, IR50404, OM5451 và IR42. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Vụ hè thu 2020, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang và hộ ông Trần Thanh Hùng ở Tổ sản xuất lúa giống ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, An Giang thực hiện thí nghiệm 26 dòng lúa chịu hạn được cung cấp bởi dự án CROP TRUST và 4 giống đối chứng gồm IR64, IR50404, OM5451 và IR42.
Ruộng thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, 3 lần lặp lại trên diện tích 900m2, mỗi lô khoảng 10m2.
Tại hội thảo, ông Trần Thanh Hùng báo cáo kết quả ruộng thí nghiệm với các nội dung chính như sau: Thời gian gieo mạ cấy lúa thử nghiệm lúc 15 ngày tuổi khoảng cách 20 x 20, cấy 1 tép/buội. Tất cả các giống lúa trên được bón phân theo công thức: 74N + 39P2O5 + 30K2O. Thời gian sinh trưởng, chiều cao cây và số chồi sâu bệnh hại được theo dõi, ghi nhận mỗi tuần, thành phần năng suất và năng suất thực tế được thu mẫu 5m2 được đánh giá trên đồng ruộng.
Để đánh giá khả năng chịu hạn của các giống lúa, ruộng được đào mương thoát nước xung quanh ruộng (ngang 30cm và sâu 40cm) để mặt ruộng luôn được khô nước, và ghi nhận khả năng chịu hạn của các dòng lúa được áp dụng theo thang đánh giá của IRRI, 2014.
Sau khi cấy và bón phân đợt 1 (3 ngày sau cấy), bắt đầu xử lý hạn bằng cách để ruộng tự khô dần và đánh giá chỉ tiêu cuốn lá và khô lá từ ngày thứ 14 đến ngày thứ 21 sau khi xử lý hạn. Ngay ngày sau đó trời có mưa và bón phân (bón khi ruộng khô nước) để đánh giá khả năng phục hồi (10 sau khi mưa). Từ 21 ngày sau cấy ruộng thí nghiệm được tưới bằng những cơn mưa đến khi thu hoạch (cả vụ không bơm nước).
Kết quả ghi nhận khả năng nảy chồi của các dòng lúa rất tốt (14 – 18 chồi/buội) và chiều cao phát triển trung bình từ 32 – 36cm tại 21 ngày sau sạ, và chống chịu hạn của các dòng lúa dao động từ cấp 3 đến cấp 5, khi đó giống đối chứng IR64 là cấp 7.
Khi tham quan, đánh giá ruộng thí nghiệm, nhiều đại biểu và nông dân rất ngạc nhiên vì mặt đất ruộng khô cứng mà cây lúa vẫn phát triển tốt. Khả năng đẻ nhánh, chiều cao cây bình thường và số bông, số hạt chắc trên bông (khá cao), dạng hình cây lúa chắc cứng. Các đại biểu đã chọn ra 8 dòng lúa triển vọng: L123-2, L180-3, L188-2, L38-4, L51-3, L96-3, L30-1-3B, L112-2-2 với năng suất ước tính đạt từ 4.5 – 6 tấn/ha.
PGS.TS. Huỳnh Quang Tín, Đại học Cần Thơ cho biết: Tất cả các giống/dòng lúa thí nghiệm do nông dân các tỉnh ĐBSCL tham gia chọn lọc từ nguồn vật liệu từ dự án CROP TRUST cung cấp và đã được Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam đánh giá kháng tốt với bệnh đạo ôn và rầy nâu. Các dòng được chọn tại hội thảo cần được trồng khảo nghiệm ở diện rộng và nhiều vùng trong khu vực ĐBSCL.
Cũng trong buổi hội thảo ThS. Huỳnh Đào Nguyên – Phó giám đốc phục trách Trung tâm Khuyến nông An Giang đánh giá cao về mô hình thử nghiệm và đề nghị dự án cung cấp các giống triển vọng cho Trung tâm đưa vào bộ giống lúa trình diễn của tỉnh để thực hiện khảo nghiệm tại một số vùng sinh thái khác nhau trong năm 2021.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa để ứng phó với hạn hán là điều bức thiết của vùng Nam Trung bộ, thế nhưng cần thiết phải có những giải pháp căn cơ.
Ứng dụng công nghệ cấy máy trong sản xuất lúa là một trong những giải pháp giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí, tạo bước đột phá về năng suất.
Đầu tư hệ thống thu dọn phân tự động, kết hợp xử lý phân sau thu gom bằng chế phẩm vi sinh là giải pháp căn cơ nuôi chim bồ câu an toàn sinh học.