Liên kết nuôi chim an toàn sinh học
Đầu tư hệ thống thu dọn phân tự động, kết hợp xử lý phân sau thu gom bằng chế phẩm vi sinh là giải pháp căn cơ nuôi chim bồ câu an toàn sinh học.
Gia trại chim câu của hộ Chu Văn Tuấn.
Phải mất nhiều lần dừng xe hỏi thăm, chúng tôi mới đến được mô hình liên kết nuôi chim bồ câu an toàn sinh học của các hộ Chu Văn Tuấn, Chu Văn Hùng và Chu Văn Hợi ở thôn Phần Dương, xã Đào Dương, huyện Ân Thi, Hưng Yên.
Nhưng tới nơi các chủ trại nói trên đều đang đi giao chim thịt cho mối hàng. Lại chờ thêm 2 giờ đồng hồ nữa, anh Chu Văn Tuấn mới hối hả trở về. Để khỏi mất thời gian anh Tuấn nói ngay: Hiện 3 gia đình chúng em đang liên kết chăn nuôi 20.000 con (1 vạn đôi) chim bồ câu Pháp. Mỗi ngày đáp ứng cho thị trường được 300 con chim thịt các loại, doanh thu 2,1 triệu đồng (63 triệu đồng/tháng), lợi nhuận đương nhiên phải hấp dẫn bọn em mới phát triển nuôi chim. Còn mục đích liên kết là để chia sẻ bí quyết chăn nuôi, trao đổi thị trường, thống nhất giá bán, tránh cạnh tranh không lành mạnh và giảm cước phí vận tải khi mua chung vật tư trên cùng chuyến xe
Theo anh Tuấn, so với con gà thì nuôi chim bồ câu cho thu nhập ổn định hơn, thời gian khai cho thác kinh doanh của con giống cũng dài hơn (khoảng 3-4 năm mới phải thay mới bố, mẹ và cũng chỉ cần thay những con đẻ kém, hay làm vỡ trứng, nuôi con vụng hoặc bỏ ấp). Nuôi gà sinh sản, thời gian khai thác kinh doanh của gà bố, mẹ chỉ được 12 tháng (từ bóc trứng đến thải loại) là phải thay mới giống, giá bán gà con cũng thất thường, lại tốn diện tích chăn nuôi hơn, vì không thể ghép 3-4 tầng lồng nuôi chồng lên nhau như chim. Mặt khác khả năng chống chịu của chim cũng tốt hơn ngan, gà, vịt.
Để nuôi chim đạt hiệu quả cao, anh Tuấn khuyến cáo: Nên chọn giống bồ câu Pháp do giống này mắn đẻ, thể trọng cao (trung bình mỗi con nặng 0,5kg, nuôi tốt có thể đạt 0,7kg/ 1 con). Thức ăn cho chim gồm cám gia cầm công nghiệp kết hợp ngô hạt. Cho ăn thêm cám gà 2 để chim tăng trọng nhanh, tăng chất lượng thịt. Nhiệt độ thích hợp cho chim câu tăng trưởng là 30-32 độ C, vì vậy cần có hệ thống quạt thông gió để điều hòa không khí và lạm sạch môi trường trong gia trại.
Vacxin phòng bệnh Newcastle cho chim định kỳ 3 tháng/lần, nhưng khi thời tiết thay đổi vẫn cần bổ sung muối khoáng và kháng sinh để chim tăng sức đề kháng và phòng ngừa một số bệnh hại khác. Chuồng trại chăn nuôi, máng ăn, bình uống của chim phải luôn sạch sẽ và tẩy trùng định kỳ. Chim câu cần môi trường sống yên tĩnh, khi có tiếng động mạnh, chim sẽ hoảng loạn bay chạy trong chuồng, dễ làm vỡ trứng hoặc dẫm đạp lên nhau, ảnh hưởng tới hiệu quả chăn nuôi.
Nuôi chim với số lượng lớn cần đầu tư máy ấp trứng, băng truyền thu gom phân tự động – băng tải, và cứ 3 cặp chim nở lại tách 1 cặp con dồn cho 2 cặp nuôi, cặp còn lại 7 ngày sau sẽ đẻ tiếp. Áp dụng các giải phảp kỹ thuật này sẽ giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả chăn nuôi thêm 30%.
Thực tế nuôi chim ở hộ anh Chu Văn Tuấn cho thấy: Kể từ sau bỏ ra 120 triệu đồng mua hệ thống băng tải, đã giảm được 500.000-600.000 đồng tiền thuê công lao động vệ sinh chuồng trại mỗi ngày. Đặc biệt là chuồng trại chăn nuôi không còn mùi hôi nồng nặc như những năm trước, do phân và các chất thải từ chim được thu gom và xử lý triệt để ngay trong ngày.
Ngoài ra còn cho phép tăng số lượng đàn chim nuôi nhốt bằng ghép thêm tầng lồng. Theo đó đã tiết kiệm được đáng kể diện tích chăn nuôi, mà thời gian thu hồi vốn mua băng tải chưa hết thuê công lao trong 1 năm. Niên hạn sử dụng của băng tải cũng có thể kéo dài tới ngoài 5 năm mới phải tu sửa lại.
Anh Chu Văn Hùng (trong nhóm liên kết) cho biết: "Khi chưa có băng tải, 240m2 chuồng trại chỉ nuôi được 1.000 đôi chim đẻ, từ sau có băng tải đã nuôi được 1.400 đôi (cùng mặt bằng diện tích). Để có được đàn chim câu 2.000 đôi như hiện nay, tôi đã phải đi nuôi chim thuê gần 1 năm, để học kinh nghiệm và tích lũy thêm vốn cho phát triển đàn chim. Nhờ vậy, sau 18 tháng chăn nuôi 300 đôi chim ban đầu, tôi đã phát triển được 2.000 đôi chim các loại. Và hơn 3 năm đã thu hồi được mọi kinh phí đầu tư, có lãi bình quân 25 triệu đồng/tháng".
“Thị trường chim câu đang rất lớn, chỉ sợ sản xuất đáp ứng kịp nhu cầu. Như mô hình của chúng tôi mỗi tháng làm ra 300 con thương phẩm, riêng 1 đám cưới lớn đã lấy hết. Thành thử các nhà hàng, đám xứ khác nhiều khi bị xin lỗi, vì không còn chim thịt”, anh Chu Văn Hùng cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Người trồng thanh trà Thừa Thiên- Huế được chuyên gia của Bộ NN-PTNT hướng dẫn kĩ thuật, phương pháp khắc phục và sản xuất cây đặc sản sau lũ.
Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa để ứng phó với hạn hán là điều bức thiết của vùng Nam Trung bộ, thế nhưng cần thiết phải có những giải pháp căn cơ.
Ứng dụng công nghệ cấy máy trong sản xuất lúa là một trong những giải pháp giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí, tạo bước đột phá về năng suất.