Thí Điểm Thành Công Mô Hình Chợ An Toàn Đầu Tiên
Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại chợ Hà Vị, TP. Bắc Giang” được coi là mô hình chợ an toàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Mô hình thành công
Sau thời gian ngắn tích cực thực hiện dự án, đến nay mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATVSTP tại chợ Hà Vị đã hoàn thành với tổng kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng (từ nguồn vốn của Nhà nước, doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại chợ), bố trí cho 200 hộ có điểm kinh doanh thuận lợi, bảo đảm vệ sinh, đủ diện tích theo quy chuẩn.
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chờ Hà Vị, TP. Bắc Giang, ngày 17/7, ông Trần Văn Lộc- Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong xây dựng mô hình chợ an toàn, chuyên kinh doanh các sản phẩm bảo đảm VSATTP. Trong khi hệ thống siêu thị chưa phát triển thì đây chính là một điểm sáng trong hoạt động thương mại.
Cũng theo ông Lộc, chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng giúp công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ tốt hơn, thức tỉnh ý thức của nhà quản lý, hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng về tầm quan trọng của thực phẩm an toàn đối với cuộc sống; tạo điều kiện phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chợ đối với khâu lưu thông hàng hóa thực phẩm; giúp cho cuộc sống của người dân được đảm bảo và nâng cao hơn, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.
Bà Dương Thị Hải Vân- Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hải Âu, đơn vị quản lý khai thác chợ mô hình thí điểm- cho biết: Chợ an toàn thực phẩm Hà Vị bảo đảm 4 tiêu chí về thực phẩm, người trực tiếp kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật và thanh tra, kiểm tra định kỳ.
Tuy nhiên, mô hình chợ thí điểm bảo đảm VSATTP tại chợ Hà Vị đi vào hoạt động, trước mắt vẫn còn một số khó khăn như: công tác bảo đảm nguồn cung mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn cho các thương nhân kinh doanh trong chợ chưa ổn định; công tác kiểm tra, giám sát, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm an toàn còn bất cập.
Đại diện ban quản lý chợ đang khẩn trương làm việc với các cơ sở giết mổ, các trại chăn nuôi tập trung, các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng nguồn cung cấp hàng đều đặn, bảo đảm nhu cầu cũng như chất lượng sản phẩm và VSATTP.
Ông Bùi Văn Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang- khẳng định: “Mô hình này hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, từng bước hình thành thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, nói "không” với những sản phẩm không hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân”.
Tập trung nhân rộng
Bà Lê Việt Nga- Vụ phó Vụ Thi trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã hướng dẫn được 27 địa phương xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, một số địa phương đã đạt kết quả cao trong công tác này là: Bắc Giang, An Giang, Đà Nẵng, Quảng Ninh…
Đặc biệt tuyên dương các địa phương đã huy động vốn từ ngân sách địa phương và xã hội hóa để xây dựng mô hình như Bắc Giang, Quảng Ninh, Bến Tre…
Cũng theo bà Nga, để thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn nữa, Bộ Công Thương đề nghị Bắc Giang nói riêng và các địa phương nói chung tiếp tục huy động các nguồn vốn từ ngân sách địa phương và đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp khác xây dựng và nhân rộng mô hình, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng như của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh cũng đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cần làm tốt công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện để mô hình chợ bảo đảm VSATTP ngày càng phát triển; trong đó quan tâm quản lý tốt thị trường, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, quảng bá hình ảnh…
Qua đó rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, góp phần tạo môi trường kinh doanh văn hoá, bảo đảm VSATTP, dần hình thành thói quen đến với mô hình chợ an toàn VSATTP trong nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, nhiều người trồng xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã tiến hành bao trái xoài từ khi trái còn non. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu chống côn trùng gây hại và nâng cao chất lượng quả.
Nguồn thanh long đưa về hai chợ đầu mối này chủ yếu là của Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, sau đó chuyển đi tiêu thụ ở các chợ nội thành hay khu vực lân cận. Còn tại Hà Nội, hiện cũng có hai chợ đầu mối gồm Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (Khu đô thị Đền Lừ) và chợ đầu mối Long Biên.
Theo định hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tỉnh ta xác định cơ giới hóa sản xuất là một trong những khâu then chốt, nhằm giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ông Phan Thanh Sơn, ấp Quý Thạnh, xã Tân Hội (TX. Cai Lậy) được người dân nơi đây biết đến bởi sự cần cù, siêng năng, chịu khó. Từ 2 bàn tay trắng, đến nay ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, nhờ mô hình nuôi gà nòi thả vườn.
Đến cuối tháng 9-2014, Tiền Giang đã thu hoạch được trên 73.000 ha/77.000 lúa hè thu. Năng suất bình quân 50,9 tạ/ ha, tăng hơn 0,6 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước và sản lượng đạt trên 372.000 tấn lúa . Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các huyện trong vùng ngập lũ khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu còn lại, không để thiệt hại do lũ lụt gây ra.