Thí Điểm Thành Công Mô Hình Chợ An Toàn Đầu Tiên
Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại chợ Hà Vị, TP. Bắc Giang” được coi là mô hình chợ an toàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Mô hình thành công
Sau thời gian ngắn tích cực thực hiện dự án, đến nay mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATVSTP tại chợ Hà Vị đã hoàn thành với tổng kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng (từ nguồn vốn của Nhà nước, doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại chợ), bố trí cho 200 hộ có điểm kinh doanh thuận lợi, bảo đảm vệ sinh, đủ diện tích theo quy chuẩn.
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chờ Hà Vị, TP. Bắc Giang, ngày 17/7, ông Trần Văn Lộc- Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong xây dựng mô hình chợ an toàn, chuyên kinh doanh các sản phẩm bảo đảm VSATTP. Trong khi hệ thống siêu thị chưa phát triển thì đây chính là một điểm sáng trong hoạt động thương mại.
Cũng theo ông Lộc, chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng giúp công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ tốt hơn, thức tỉnh ý thức của nhà quản lý, hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng về tầm quan trọng của thực phẩm an toàn đối với cuộc sống; tạo điều kiện phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chợ đối với khâu lưu thông hàng hóa thực phẩm; giúp cho cuộc sống của người dân được đảm bảo và nâng cao hơn, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.
Bà Dương Thị Hải Vân- Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hải Âu, đơn vị quản lý khai thác chợ mô hình thí điểm- cho biết: Chợ an toàn thực phẩm Hà Vị bảo đảm 4 tiêu chí về thực phẩm, người trực tiếp kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật và thanh tra, kiểm tra định kỳ.
Tuy nhiên, mô hình chợ thí điểm bảo đảm VSATTP tại chợ Hà Vị đi vào hoạt động, trước mắt vẫn còn một số khó khăn như: công tác bảo đảm nguồn cung mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn cho các thương nhân kinh doanh trong chợ chưa ổn định; công tác kiểm tra, giám sát, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm an toàn còn bất cập.
Đại diện ban quản lý chợ đang khẩn trương làm việc với các cơ sở giết mổ, các trại chăn nuôi tập trung, các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng nguồn cung cấp hàng đều đặn, bảo đảm nhu cầu cũng như chất lượng sản phẩm và VSATTP.
Ông Bùi Văn Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang- khẳng định: “Mô hình này hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, từng bước hình thành thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, nói "không” với những sản phẩm không hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân”.
Tập trung nhân rộng
Bà Lê Việt Nga- Vụ phó Vụ Thi trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã hướng dẫn được 27 địa phương xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, một số địa phương đã đạt kết quả cao trong công tác này là: Bắc Giang, An Giang, Đà Nẵng, Quảng Ninh…
Đặc biệt tuyên dương các địa phương đã huy động vốn từ ngân sách địa phương và xã hội hóa để xây dựng mô hình như Bắc Giang, Quảng Ninh, Bến Tre…
Cũng theo bà Nga, để thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn nữa, Bộ Công Thương đề nghị Bắc Giang nói riêng và các địa phương nói chung tiếp tục huy động các nguồn vốn từ ngân sách địa phương và đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp khác xây dựng và nhân rộng mô hình, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng như của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh cũng đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cần làm tốt công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện để mô hình chợ bảo đảm VSATTP ngày càng phát triển; trong đó quan tâm quản lý tốt thị trường, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, quảng bá hình ảnh…
Qua đó rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, góp phần tạo môi trường kinh doanh văn hoá, bảo đảm VSATTP, dần hình thành thói quen đến với mô hình chợ an toàn VSATTP trong nhân dân.
Related news
Trong những năm qua, huyện Pác Nặm luôn xác định phát triển chăn nuôi là một trong những hướng đi quan trọng giúp người dân xoá đói, giảm nghèo và thực tế đã cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, công tác phát triển chăn nuôi hiện nay ở Pác Nặm còn gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy hơn nữa.
Ngày 22/5/2013, Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu (Ban chỉ đạo tỉnh) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm nuôi năm 2013 trên địa bàn.
Để thả nuôi 3.900 ha tôm sú và 120 ha tôm he chân trắng vụ xuân - hè năm 2013 theo kế hoạch, các chủ ao đầm trong tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu 250 triệu con giống tôm sú và 190 triệu con giống tôm he chân trắng.
Vụ tôm xuân hè 2013 vừa qua, nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đạt năng suất, sản lượng cao, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
4 năm qua người nuôi tôm đã mất hẳn nụ cười. Và cũng chừng ấy thời gian, câu hỏi “vì sao tôm chết ?” vẫn còn bỏ ngỏ và bài toán đang đặt ra là làm thế nào để cứu hàng loạt ruộng tôm đang rơi dần vào cõi chết.