Theo Cánh Ong Bay
Tây Nguyên là xứ sở của các loại cây công nghiệp dài ngày với nguồn phấn hoa vô tận tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong. Bên cạnh đó, đàn ong còn là tác nhân thụ phấn hữu hiệu cho cây trồng, góp phần làm tăng năng suất (khoảng 20%) và cải thiện chất lượng nhiều loại nông sản.
Đến giờ, anh Trần Văn Huynh vẫn không quên được cái cảm giác khó tả của ngày đầu tiên anh bước vào nghề nuôi ong. Mở nắp thùng ra, một trật tự xã hội thu nhỏ và những âm thanh vo ve phát ra đều đều. Những chú ong mật bám vào tay anh nhồn nhột, rờn rợn.
Đó là chuyện của hơn mười năm trước. Năm 1995, anh rời vùng quê Hà Nam vào lập nghiệp ở thị tứ Chư Nghé, khu vực Nông trường Cà phê 705, huyện Ia Grai. Tây Nguyên đón anh bằng cái nắng chói chang và con đường bụi mù từ thị trấn huyện lỵ Ia Kha vào xã Ia Krái. Vốn quen làm ruộng nước, vào đây làm cây công nghiệp, bước đầu anh cũng hơi ngỡ ngàng nhưng rồi tính cần cù đã giúp anh sớm thích nghi.
Và cũng chính tại đây anh làm quen với một công việc mới, giúp anh từ một người làm cà phê trở thành một trong những người nuôi ong giàu có ở vùng biên giới này. Năm 1997, được người bà con hướng dẫn, anh chuyển sang nuôi ong bởi vùng này bạt ngàn cao su, cà phê và nhiều loại cây có hoa là nguồn thức ăn vô tận cho ong, đồng thời trước anh cũng có một số người nuôi ong cho thấy khả năng phát triển. Anh nuôi 20 đàn đầu tiên, sau đó nhân đàn lên dần, hiện anh có xấp xỉ 1.000 đàn.
Chuyện của anh Huynh cũng chẳng khác chuyện của anh Lê Văn Dân-một người nuôi ong nổi tiếng tại đây. Anh Dân vào nghề này sớm hơn anh Huynh 2 năm, sau khi anh rời vùng quê Hải Dương vào Chư Nghé tìm việc làm. Anh đã chọn nghề nuôi ong thay vì trồng cà phê như những người dân khác trong vùng. Bây giờ anh đã có đàn ong lên đến con số ngàn và anh còn sắm cả xe ô tô tải để vận chuyển ong và sản phẩm.
Nghề nào cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt. Đối với nghề nuôi ong, việc đầu tiên là tách đàn. Trong những tháng mưa, ong được nuôi dưỡng, cho ăn đường pha xi rô, đến mùa nắng ấm, thời tiết tốt, phấn, mật nhiều mới phát triển đàn ong. Sau 2-3 tháng dưỡng, người ta bắt đầu chia đàn, từ 1 đàn (1 thùng) nhân lên 3 đàn (3 thùng), mỗi thùng ong khi chia đàn có 2 cầu, sau 2 tháng rưỡi tăng lên 9-10 cầu ong.
Mùa khô không phải lo cái ăn cho đàn ong bởi Tây Nguyên vốn dồi dào nguồn mật, phấn hoa. Do đó, một mùa thu hoạch mật kéo dài đến mấy vụ liền. Vụ một là vào giai đoạn cây mì (sắn) khoảng cuối tháng 8 m lịch, cho thu hoạch trong 2 tháng. Vụ hai là mùa của một loại cây hoa dại khoảng 20 ngày. Vụ ba vào tháng 11, đây là vụ thu hoạch chính trong năm, thường chia thành nhiều đợt.
Huyện Ia Grai có quỹ đất rộng đến 1.122,38 km2, khí hậu ôn hòa và thảm thực vật phong phú, trong đó có gần 20 ngàn ha cao su, hơn 15 ngàn ha cà phê và nhiều loại cây, hoa màu khác, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong. Người dân trong vùng đã biết nuôi giống ong Ý và có nguyện vọng được tiếp thu tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ nguồn vốn để phát triển sản xuất.
Tuy nhiên do giống ong Ý ở địa phương đã nuôi qua nhiều năm nên bị cận huyết, thoái hóa, khả năng tăng đàn kém, không chống chịu được dịch, bệnh; đồng thời do kỹ thuật nuôi ong, công tác phòng trị bệnh, khai thác sản phẩm chưa đúng quy trình kỹ thuật nên sản phẩm mật ong bị nhiễm kháng sinh và đường mía gây trở ngại lớn cho việc xuất khẩu (năm 2003 toàn tỉnh tồn 900 tấn mật ong không tiêu thụ được).
Các cơ sở nuôi ong ở địa phương cũng còn nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm chưa kịp thời chế biến nên chất lượng mật ong không đồng đều... Nhìn chung nghề nuôi ong ở Gia Lai nói chung và huyện Ia Grai nói riêng trong những năm qua tuy có bước phát triển nhưng vẫn chưa ổn định.
Việc tổ chức các cơ sở nuôi ong thành một hệ thống, đồng thời tiếp tục cải thiện con giống, áp dụng quy trình phòng trị bệnh... là vấn đề cấp thiết. Trước yêu cầu đó, từ năm 2006, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và được Bộ Khoa học và Công nghệ duyệt dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu.
Dự án bắt đầu triển khai vào năm 2007 và đã hoàn thành vào cuối năm 2009 với 6 mô hình trại nuôi ong Ý tại xã Ia Krái, huyện Ia Grai và một cơ sở tinh lọc mật ong xuất khẩu công suất 1.000 tấn/năm tại huyện Đức Cơ; đào tạo kỹ thuật viên cho cơ sở và tổ chức các lớp tập huấn. Các hộ tham gia dự án đã có ít nhất 3 năm kinh nghiệm nuôi ong Ý như gia đình anh Trần Văn Huynh, Lê Văn Dân... Dự án do Trung tâm Phân tích thí nghiệm Hóa Sinh Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh chuyển giao công nghệ với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, khép kín từ khâu nuôi dưỡng, khai thác, vận chuyển, sơ chế, bảo quản đến xuất khẩu.
Những tiến bộ kỹ thuật này đã được ứng dụng thử nghiệm ở các cơ sở nuôi ong tại Đak Lak, Đồng Nai, Lâm Đồng. Dự án đã chuyển giao 6 quy trình công nghệ; đào tạo 15 kỹ thuật viên cơ sở; mở 2 lớp tập huấn cho 80 người tham gia; đồng thời đã chuyển giao 6 mô hình nuôi ong giống cho 6 hộ ở xã Ia Krái, giao 300 đàn ong giống gốc (tương đương 15.000 cầu) và đã nhân rộng mô hình cho 15 hộ khác trong vùng. Đã đi vào vận hành nhà máy hạ thủy phần mật ong tại thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ), xuất mật sang thị trường châu u.
Tây Nguyên là xứ sở của các loại cây công nghiệp dài ngày với nguồn phấn hoa vô tận tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong. Bên cạnh đó, đàn ong còn là tác nhân thụ phấn hữu hiệu cho cây trồng, góp phần làm tăng năng suất (khoảng 20%) và cải thiện chất lượng nhiều loại nông sản.
Dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu tại Gia Lai không chỉ cải thiện nghề nuôi ong mà còn trực tiếp tác động tích cực đến nền kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2013, nước mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng 50km, độ mặn cao hơn và kéo dài. Vụ Đông Xuân 2012 - 2013, tỉnh Bến Tre có 9.600ha lúa bị thiệt hại nặng, trong đó có 760ha bị mất trắng.
Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có gần 5.000 ha trồng cà phê, trong đó hơn 4.400 ha cà phê đã cho thu hoạch, sản lượng hàng năm gần 48.000 tấn, mang lại nguồn thu gần 200 tỷ đồng.
Bên cạnh những loại cây cho trái chính vụ mùa Tết, nhiều loại cây để cho thu hoạch đúng thời điểm chuẩn bị mừng năm mới, nhà vườn phải chăm sóc, xử lý từ nhiều tháng trước đó.
Bên dòng Phước Giang trù phú, nhiều nông dân ở các xã Hành Nhân, Hành Minh (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) hiện đang hối hả vào mùa thu hoạch chôm chôm. Bà con phấn khởi vì chôm chôm được mùa, giá bán cũng khá ổn định.
Hiện nay, các nhà vườn trồng thanh long ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang thu hoạch lứa trái cuối cùng của vụ chính; so với cùng kỳ năm trước thì nông dân trồng loại cây này vừa mất giá vừa mất mùa.