Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Thêm nhiều loài thủy sản được sản xuất giống nhân tạo thành công

Thêm nhiều loài thủy sản được sản xuất giống nhân tạo thành công
Tác giả: Tiên Minh
Ngày đăng: 28/09/2017

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay dày” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III chủ trì thực hiện.

Móng tay dày (hay còn gọi ốc móng tay) là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: dantri

Kết quả này đã bổ sung thêm một loài thủy sản có thể nuôi trồng cho người dân Khánh Hòa nói riêng và mở rộng ra các vùng nuôi có điều kiện thích hợp trong cả nước. 

Móng tay dày (hay còn gọi ốc móng tay) là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao do thịt thơm ngon, giá bán hiện nay khoảng 450.000 đồng/kg. Loài này sử dụng thức ăn là sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ nên có tác dụng làm sạch môi trường sinh thái biển. 

Với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, đề tài được thực hiện từ tháng 7/2015 và kéo dài 2 năm, bao gồm các nội dung: Xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo móng tay dày; chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống móng tay dày cho ngư dân và thử nghiệm các mô hình nuôi thương phẩm tại đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều. 

Nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 50.000 con giống cỡ 2 - 3mm và 5.000 con giống cỡ 10 - 15mm; đưa vào nuôi thương phẩm đạt 20kg/mô hình, sau đó chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân để đi vào sản xuất. 

Trong khi đó, Doanh nghiệp tư nhân Phương Hải (thành phố Nha Trang) cũng vừa nghiên cứu thành công việc sinh sản nhân tạo cá khế vằn (còn gọi là cá bè vàng), qua đó sản xuất được hơn 400.000 con cá giống đạt kích cỡ 4 - 6cm/con, đã xuất bán cho nhiều hộ nuôi ở tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Kiên Giang… 

Đây là loại cá thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao nhưng lâu nay việc nuôi thương phẩm chỉ dựa vào nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên. Việc nuôi thử nghiệm cho thấy, loại cá biển này còn có khả năng sống trong vùng nước lợ; cá sống theo bầy đàn, ăn nổi nên dễ quan sát, dễ quản lý môi trường nuôi, tiện cho việc chăm sóc hơn so với nhiều đối tượng nuôi khác. 

Khánh Hòa là địa phương tập trung các cơ quan nghiên cứu khoa học về biển như Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III, Trường Đại học Nha Trang… 

Hơn 10 năm qua, các cơ quan này đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu, mở ra việc sản xuất nhân tạo giống nhiều đối tượng thủy hải sản như: Cá ngựa, cá cổ khoang, cá chẽm, ốc hương, tu hài… sau đó chuyển giao cho người dân đưa vào sản xuất thương phẩm.


Có thể bạn quan tâm

Cà Mau nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng thủy sản xuất khẩu Cà Mau nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Với hơn 300 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, tỉnh Cà Mau xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó con tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực

27/09/2017
Nuôi tôm đạt chứng nhận ASC Nuôi tôm đạt chứng nhận ASC

Giải thích về chứng nhận ASC, ông Điền cho biết, đây là tiêu chuẩn quốc tế, cao hơn cả GlobalGAP. ASC là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính

28/09/2017
Đối mặt thẻ vàng EU, Việt Nam cam kết chống khai thác IUU Đối mặt thẻ vàng EU, Việt Nam cam kết chống khai thác IUU

Trước nguy cơ bị EU giơ “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam đang treo lơ lửng ngay trước mắt, ngày 25/9, tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam

28/09/2017