Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Đối mặt thẻ vàng EU, Việt Nam cam kết chống khai thác IUU

Đối mặt thẻ vàng EU, Việt Nam cam kết chống khai thác IUU
Tác giả: Thanh Sơn
Ngày đăng: 28/09/2017

Trước nguy cơ bị EU giơ “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam đang treo lơ lửng ngay trước mắt, ngày 25/9, tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”.

Đánh bắt cá xa bờ (Ảnh: Vũ Đình Thung)

Sau đợt đánh giá từ 15 - 19/5/2017 tại Việt Nam, Đoàn Công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của EC (DG-MARE) đưa ra 5 khuyến nghị liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU): Đề nghị sửa đổi Luật Thủy sản, hướng tới xây dựng Luật Thủy sản phù hợp với các cam kết quốc tế tại các Điều ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia; phải quản lý đội tàu và cường lực khai thác dựa trên những đánh giá đúng đắn về nguồn lợi và trữ lượng loài, để giảm thiểu tác hại của hoạt động khai thác quá mức; Việt Nam cần thực hiện tốt hơn trách nhiệm của quốc gia mang cờ trong việc quản lý và thanh, kiểm tra các tàu khai thác mang cờ Việt Nam (triển khai hệ thống quản lý tàu thuyền cho 3.500 tàu cá); Việt Nam cần sửa đổi và hoàn thiện hệ thống chứng nhận khai thác thủy sản và quy trình/cơ chế chứng nhận để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; Việt Nam cần thể hiện rõ hơn những nỗ lực trong việc kiểm soát và ngăn chặn các tàu không được đăng ký tham gia vào hoạt động khai thác trên vùng biển quốc tế.

Nếu Việt Nam chưa khắc phục tốt và đầy đủ các yêu cầu của EU trước ngày 30/9/2017 về IUU liên quan đến 5 khuyến nghị nói trên, EU sẽ “giơ” thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa khắc phục được 5 khuyến nghị đó. Bởi vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, PCT VASEP, việc bị EU giơ thẻ vàng sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.

Nếu bị EU giơ thẻ vàng, có thể gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc XK hải sản sang khu vực này, sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác. Mỗi năm, kim ngạch XK các mặt hàng hải sản của Việt Nam vào khoảng 1,9 - 2,2 tỷ USD. Trong đó, EU và Mỹ, mỗi thị trường chiếm 16 - 17% với giá trị khoảng 350 - 400 triệu USD/năm.

Bị nhận thẻ vàng của EU, có thể xảy ra ít nhất 5 hệ lụy. Trước hết, XK hải sản sang EU sẽ giảm do khi một nước bị nhận thẻ vàng, các khách hàng tại EU sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của EC nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị thẻ vàng (không hợp tác). Tên quốc gia bị cảnh báo sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU, điều này sẽ làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó. Các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho nước bị EU giơ thẻ vàng, ví dụ như Mỹ là nước đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản NK nhằm chống lại nạn khai thác IUU từ 1/1/2018.

Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản XK từ nước bị thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác sẽ mất thời gian dài, thậm chí 3 - 4 tuần/container, và riêng phí kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, tổn thất nặng nề. Như Philippines, có đến 70% số container bị từ chối trả lại. Tổn thất cho việc XK hải sang sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container.

Sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, nước bị cảnh báo sẽ có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, nếu 6 tháng không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm XK các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.

Trước tình hình đó, VASEP và các DN hải sản đã nhất trí thành lập "Ban Điều hành các Doanh nghiệp Hải sản chống khai thác IUU của VASEP". Ban Điều hành sẽ cùng với Văn phòng Hiệp hội thành lập Tổ công tác IUU VASEP phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan nhà nước giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài cho chương trình chống khai thác IUU. Thiết lập Quỹ chống khai thác IUU trên cơ sở đóng góp tự nguyện từ các công ty chế biến và XK hải sản đã đăng ký tham gia chương trình "Chống khai thác IUU" của VASEP.

Đến ngày 23/9, đã có 53 DN hải sản trên cả nước cam kết tham gia chống IUU. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, khẳng định, không ai khác, chính các DN hải sản phải chủ động, đồng tâm hiệp lực bắt tay làm thật tốt việc chống khai thác IUU. Nếu DN không chống IUU thì Chính phủ cũng không thể giúp gì được.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám:

Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng đã có những hành động hết sức quyết liệt để các nước trên thế giới thấy rằng Việt Nam không dung túng, làm ngơ cho khai thác IUU.

Tuy nhiên, đến 30/9/2017, chắc chắn Việt Nam chưa thể khắc phục được 5 vấn đề liên quan đến IUU mà EU đã nêu ra. Bởi khối lượng công việc là rất lớn, từ rà soát, thay đổi thể chế, thực thi giám sát trên biển, trên bờ, giám sát tàu cá… Vì vậy, Việt Nam đã đề nghị EU lùi thời hạn cuối cho việc khắc phục 5 vấn đề đó đến hết 31/12/2017.

Nếu Việt Nam vẫn phải nhận thẻ vàng của EU, thì chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để không bị chuyển sang thẻ đỏ và nhanh chóng được xóa thẻ vàng, trở lại thẻ xanh. Đây cũng chính là cơ hội tổ chức lại nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm.


Có thể bạn quan tâm

Thuế chống phá giá của Mỹ không ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra Việt Nam Thuế chống phá giá của Mỹ không ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra Việt Nam

Bộ thương mại Mỹ (DOC) vừa có thông báo sơ bộ về quyết định xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam

27/09/2017
Cà Mau nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng thủy sản xuất khẩu Cà Mau nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Với hơn 300 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, tỉnh Cà Mau xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó con tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực

27/09/2017
Nuôi tôm đạt chứng nhận ASC Nuôi tôm đạt chứng nhận ASC

Giải thích về chứng nhận ASC, ông Điền cho biết, đây là tiêu chuẩn quốc tế, cao hơn cả GlobalGAP. ASC là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính

28/09/2017
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.